Xung đột Nga-Ukraine “thổi bùng” nhu cầu xe tăng ở Đông Âu

Các nhà sản xuất xe tăng Đức, Hàn Quốc, Mỹ đang cạnh tranh gay gắt để giành được đơn đặt hàng từ các khách hàng Đông Âu gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania, Slovakia…

Rút ra bài học từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra ngay sát vách, một số quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu đang nhắm đến việc mua sắm loạt xe tăng mới sau nhiều năm bỏ bê.

Các nhà sản xuất Đức, Hàn Quốc và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt để giành được các đơn đặt hàng từ Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania và Slovakia, cùng nhiều quốc gia khác, trong bối cảnh nhu cầu về nền tảng vũ khí hạng nặng này trên toàn khu vực tăng đột biến.

Slovakia gần đây đã tiết lộ kế hoạch mua loạt xe tăng mới, với việc các nhà quan sát trong nước cho biết Bratislava muốn mua tới 104 cỗ xe như vậy. Kế hoạch mua sắm tiềm năng này có thể tăng cường đáng kể năng lực của lực lượng bộ binh Slovakia, vốn hiện đang dựa vào khoảng 30 xe tăng T-72M1 do Liên Xô thiết kế đã lỗi thời cũng như xe tăng Leopard 2A4 đã qua sử dụng do Đức tài trợ.

Đức đã cung cấp 15 xe tăng Leopard cho Slovakia sau khi quốc gia Đông Âu này chuyển giao 30 xe chiến đấu bộ binh BVP-1 cho Ukraine.

“Bộ Quốc phòng Slovakia có kế hoạch mua xe tăng – xe tăng chiến đấu chủ lực”, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Slovakia nói với Defense News, lưu ý rằng “một phân tích nội bộ về thị trường và các phương pháp mua sắm có thể đang được tiến hành”.

Người phát ngôn cho biết Bộ này “hiện chưa nhận được bất kỳ lời chào hàng nào vì vẫn chưa công bố bất kỳ quy trình lựa chọn hoặc đấu thầu công khai nào cho việc mua xe tăng”.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine “thổi bùng” nhu cầu xe tăng ở Đông Âu

Xe tăng chiến đấu K-2 của Hàn Quốc bắn đạn thật trong cuộc tập trận chung với Mỹ ở Pocheon, tháng 5/2023. Ảnh: Getty Images

Thông tin trên được đưa ra khi một trong những nước láng giềng thân thiết của Slovakia là Cộng hòa Séc đang tiến hành đàm phán với Đức để thực hiện thương vụ mua chung xe tăng Leopard 2A8.

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Černochová tuyên bố chính phủ đang tìm kiếm mức giá phải chăng hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn từ KNDS, nhà sản xuất vũ khí Pháp-Đức.

Ngày 12/6, Thủ tướng Séc Petr Fiala thông báo chính phủ của ông đã thông qua kế hoạch đặt mua tới 77 xe tăng Leopard 2A8 cho lực lượng vũ trang nước này.

“Quân đội Cộng hòa Séc có thể có một lữ đoàn hạng nặng được trang bị hơn 120 xe tăng Leopard 2A4 và 2A8 sau năm 2030. Chính phủ đã chấp thuận ý định của Bộ Quốc phòng thực hiện việc mua 61 xe tăng Leopard 2A8 kèm theo tùy chọn một đợt mua thêm 16 xe tăng nữa”, Văn phòng Thủ tướng Cộng hòa Séc cho biết trong một tuyên bố.

“Ngoài ra, Quân đội Cộng hòa Séc đã có 15 xe tăng Leopard 2A4, số lượng tương tự sẽ được nhận dưới dạng tài trợ từ Đức trong thời gian tới và Cộng hòa Séc dự định mua thêm 15 chiếc nữa với những điều kiện thuận lợi”, tuyên bố lưu ý.

Đối với Slovakia, việc tham gia thương vụ mua Leopard 2A8 theo kế hoạch của Đức-Séc có thể mang lại những lợi ích tiềm năng so với việc mua lại các nền tảng bánh xích riêng lẻ. Truyền thông địa phương đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kaliňák đã thảo luận về việc để ngành công nghiệp quốc phòng của nước ông tham gia sản xuất những chiếc xe tăng này.

Trong khi đó, Romania đang chuẩn bị mua xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams cho lực lượng bộ binh nước mình sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận bán cho quân đội nước ngoài 54 xe tăng như vậy, do công ty General Dynamics Land Systems của Mỹ sản xuất, cùng với các phương tiện phục hồi u liên quan, xe phá mìn tấn công (ABV) và các thiết bị khác.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết, kế hoạch mua sắm này trị giá khoảng 2,53 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát ở Romania kỳ vọng giá trị cuối cùng của kế hoạch sẽ thấp hơn đáng kể.

Thế giới - Xung đột Nga-Ukraine “thổi bùng” nhu cầu xe tăng ở Đông Âu (Hình 2).

Vào tháng 4/2022, Ba Lan đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 4,75 tỷ USD để mua M1A2 SEPv3 Abrams cùng các thiết bị liên quan. Họ có kế hoạch mua tổng cộng 250 chiếc xe tăng này.

Ngoài Abrams, Romania cũng đang xem xét mua K2 Black Panthers do Hyundai Rotem của Hàn Quốc sản xuất. Ba Lan cũng đã mua loại xe tăng này.

Ông Alexandru Georgescu, nhà phân tích an ninh và quốc phòng có trụ sở tại Bucharest (Romania), nói với Defense News rằng có khả năng Romania sẽ quyết định mua xe tăng của Hàn Quốc sau các cuộc thử nghiệm gần đây của loại xe này.

“Romania có xu hướng không bỏ trứng vào cùng một giỏ – tức là dàn trải các đơn đặt hàng của mình ra khắp nơi thay vì tập trung vào một nơi. Cuối cùng, nó phụ thuộc vào kết quả của việc xây dựng các yêu cầu của các lực lượng vũ trang của đất nước và cách các chủ thể khác nhau đáp ứng chúng. Gần đây chúng tôi đã có những buổi triển lãm thử nghiệm ở trường bắn Smârdan gần thành phố Galați”, ông Georgescu nói.

“Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) K2 Black Panther đã được thử nghiệm vào ngày 17/5. Xu hướng của Romania đi theo bước chân của Ba Lan như một hình thức phối hợp nhằm cải thiện sức mạnh tổng hợp trong hậu cần”, nhà phân tích nói thêm.

 

Minh Đức (Theo Defense News)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xung-dot-nga-ukraine-thoi-bung-nhu-cau-xe-tang-o-dong-au-a611477.html