Bài học về ứng xử là một bài học quan trọng mà trẻ nên được bố mẹ giáo dục từ sớm, để trong quá trình sống con có thể thể hiện được những lời nói, hành vi và thái độ đúng mực với mọi người xung quanh. Thế nhưng điều đáng buồn là thực tế vẫn có không ít ông bố bà mẹ chỉ lo mãi mê kiếm tiền, mà bỏ qua sự giáo dục cực kỳ cần thiết này, để rồi dẫn đến những tình huống đáng tiếc xảy ra. Đơn cử như câu chuyện đang được chia sẻ rầm rộ, và làm "dậy sóng" cộng đồng mạng mới đây.
Một phụ huynh đã không khỏi bức xúc kể lại tình huống bản thân bị một nhóm trẻ 9 - 10 tuổi quấy rối, có hành xử thiếu tôn trọng và văng tục ngay tại một địa điểm công cộng, đó là khu trung tâm thương mại lớn. Theo như bài đăng tải, nhóm trẻ này không chỉ thể hiện thái độ sai trái, mà còn có những lời nói và hành động lộ rõ sự thách thức, ngang ngược.
Nhóm trẻ sau đó đã bị đưa lên cơ quan làm việc vì những hành vi thiếu chuẩn mực.
Cụ thể, người mẹ đưa con gái đến khu trung tâm thương mại có tiếng ở TP.HCM chơi. Tuy nhiên trong lúc bé gái đang chơi, một nhóm 3 cậu bé này đã tiến đến quấy rối, làm phiền cô bé và có những hành động không đúng mực. Tuy nhiên khi được người lớn nhắc nhở, những đứa trẻ này thậm chí còn tỏ ra hung hãn, chỉ tay, văng tục với người lớn khiến ai nấy đều giật mình.
Sau khi thông tin này được chia sẻ, ngay lập tức đã nhận về lượt tương tác "khủng" từ các bậc phụ huynh. Ai cũng bày tỏ sự phẫn nộ, nhưng trách trẻ 1 thì tránh bố mẹ của chúng 10. Bởi họ chính là người nuôi dạy, giáo dục con mỗi ngày, thế nhưng lại để cho đứa trẻ của mình ra ngoài xã hội có những lối ứng xử thiếu văn minh như vậy.
Không ít phụ huynh cũng bộc lộ nỗi lo lắng, vì nhóm trẻ đều đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và hoàn thiện nhận thức nhưng lại không nhận được sự giáo dục chỉn chu từ bố mẹ. Nếu cứ tiếp tục thế này, khi bố mẹ của chúng không kịp thời nhận ra, uốn nắn lại con thì tương lai chắc chắn các bé sẽ phát triển một cách lệch lạc, thậm chí trở thành những đối tượng "có hại" cho xã hội.
- Bố mẹ quá vô trách nhiệm, tại sao lại để con mình trở thành người như thế!
- Nếu cảm thấy không thể làm bố, làm mẹ một cách tốt nhất thì ngay từ đầu đừng sinh con ra. Sinh ra mà không biết dạy con thì chẳng khác gì hại nó cả!
- Các bậc phụ huynh đừng nguỵ biện "cháu nó ở nhà ngoan lắm", nếu ngoan thì ở đâu chúng cũng sẽ ngoan, chứ không phải ở nhà "giả vờ" ngoan còn ra ngoài thì lộ rõ tính xấu!
- Không phải học vấn, mà tính cách, đạo đức mới là cái làm nên một con người. Bố mẹ làm ơn hãy nhớ rõ điều đó, đừng để muộn màng rồi mới hối hận!
- Trẻ con học từ bố mẹ, bố mẹ như thế nào thì con sẽ như thế đó! Thế nên trong tình huống này, có trách thì trách bố mẹ chứ mấy đứa trẻ còn nhỏ chưa hiểu hết mọi rủi ro, hậu quả từ việc làm của mình đâu!
- Nuôi con dễ, dạy con mới khó. Nhiều bố mẹ cứ lo kiếm tiền rồi bỏ bê con, giờ rơi vào hoàn cảnh giống như câu chuyện này thì mới "sáng mắt" ra!
- Bố mẹ nào xem qua tình huống trên, hẳn cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của giáo dục gia đình rồi nhỉ!
- Nhóm trẻ trên mới có tí tuổi đã hình thành tính cách lệch lạc như thế, tôi cảm thấy buồn cho chúng. Rồi không biết tương lai tụi nhỏ sẽ ra sao?
Đó là một số bình luận nổi bật mà cộng đồng mạng đã để lại sau khi nắm ngọn ngành câu chuyện.
Trường hợp xảy ra ở trên thực tế cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc bố mẹ. Trong xã hội ngày càng văn minh, hiện đại như bây giờ, vai trò giáo dục con cái của phụ huynh nên càng được chú trọng, phát huy tối đa. Bởi "trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", nghĩa là không ai khác mà chính những đứa trẻ sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xã hội có phát triển, có tốt đẹp hay không đều phụ thuộc vào sự trưởng thành của chúng. Chính vì lẽ đó mà ngay lúc này đây, các ông bố bà mẹ có trách nhiệm vô cùng to lớn, là người trực tiếp "nhào nặn" nên "hình hài" của con trẻ về sau.
Vậy bố mẹ cần phải làm gì để định hướng tích cực và giúp con trở thành một người có lối hành xử nhân văn, đạo đức, lịch sự?
Hãy dạy con bằng chính những việc làm cụ thể của mình
Người xưa có câu "Trăm nghe không bằng một thấy", mọi lời nói lý thuyết sẽ không thể nào hữu hiệu bằng việc chính bạn làm gương cho con. Mặc dù đôi khi người ta vẫn nói "Cha mẹ sinh con trời sinh tính" để chỉ sự hình thành cá tính riêng biệt ở trẻ nhỏ nhưng thực tế là, hầu hết, con cái chính là tấm gương phản chiếu trung thực nhất bóng dáng của cha mẹ. Do đó, nếu bạn làm tốt, con cái bạn chắc chắn sẽ tốt.
Dù cho cuộc sống mưu sinh, kiếm tiền có bận rộn tới cỡ nào đi chăng nữa thì đó cũng không phải là lý do để chúng ta không dành thời gian cho con cái. Trẻ em lớn nhanh trong chớp mắt và nếu chúng ta vô tình bỏ qua tuổi thơ quý giá của trẻ, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội dạy con những điều tốt đẹp nhất.
Cha mẹ nên kiểm soát hành vi, lời nói của mình. Chỉ khi chính bố mẹ duy trì được thái độ sống tích cực, lạc quan, đối xử với mọi người hòa nhã, nhân ái thì họ mới có thể truyền năng lượng tích cực này cho con.
Đừng bảo vệ, bao bọc con quá kỹ
Ngày nay, với kinh tế phát triển, mỗi gia đình cũng sinh ít con hơn thế nên con cái dường như là một báu vật vô giá đối với mọi ông bố bà mẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là coi con như "ông hoàng bà chúa" trong nhà. Cách hành xử này sẽ khiến con bạn trở thành người ích kỷ, và không thể nào chịu đựng được khi có việc gì đó diễn ra không như ý muốn của trẻ.
Hãy để con học tính tự lập, sẵn sàng đối diện với mọi vấn đề xảy ra thay vì cố gắng chống đỡ mọi thứ cho con. Nhiều bậc cha mẹ có quan điểm rằng trẻ em bây giờ không thể và không đáng phải chịu những đắng cay, vất vả, nhất là khi bố mẹ có thừa điều kiện về kinh tế để lo cho con cuộc sống tốt. Nhưng rốt cục, bố mẹ có thể bảo vệ, che chở con mãi cả đời được không? Nếu bạn cứ làm thế, sau này khi rời vòng tay cha mẹ, con sẽ phải sống như thế nào?
Đôi khi những việc làm rất nhỏ của bố mẹ cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới đạo đức, quan điểm sống sau này của trẻ. Ví dụ như việc bố mẹ sẵn sàng dùng tiền để chạy cho con vào trường tốt, để bênh vực con, cãi nhau với người khác khi con mình xảy ra chuyện rắc rối dù cho con là người có lỗi... Hành vi bênh vực con cái vô điều kiện như thế khiến trẻ tự mãn và không coi ai ra gì.
KIỀU TRANG