Dự án 20 năm, 4 lần thay đổi chủ đầu tư
Dự án Khu dân cư ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) được Thủ tướng Chính Phủ (tại Công văn số 294/CP-NN ngày 01/03/2004) cho phép UBND tỉnh Sơn La thực hiện (bằng phương thức sử dụng đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng - BT). Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án với quy mô hơn 126ha.
Ngày 29/06/2004, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư ngã ba Cò Nòi (giai đoạn 1) với quy mô gần 40ha, tổng mức đầu tư khoảng 135 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án có tuổi đời 20 năm kể từ khi được phê duyệt, qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư nhưng vẫn chưa “hẹn” ngày về đích. Ban đầu, UBND huyện Mai Sơn là chủ đầu tư, từ năm 2007 - 2011 chủ đầu tư được giao cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Trường Sơn (Sơn La), từ 2011-2012 là Doanh nghiệp tư nhân Kinh doanh Tổng hợp Đức Thắng.
Doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn do yếu kém về năng lực nên không thể triển khai, sau đó, đã ủy quyền cho Công ty Đức Thắng thực hiện toàn bộ dự án, cho tới khi chính thức là chủ đầu tư vào năm 2011 như trên. Tuy nhiên, Công ty Đức Thắng tiếp tục lộ diện nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện dự án, cùng với việc thiếu giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước nên dự án phải tạm dừng.
Cho đến nay, sau 20 năm từ lúc thai nghén, sau khi đi “một vòng” UBND huyện Mai Sơn hiện đang là chủ đầu tư của dự án.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là đường giao thông đã xuống cấp trầm trọng, do quy hoạch xen kẽ với chợ và các khu dân cư khác nên đời sống và xây dựng đô thị rất lộn xộn, nhếch nhác, không xứng tầm một khu đô thị mới.
Nghiệm thu khống nhiều hạng mục
Tại Kết luận thanh tra Dự án khu đô thị mới ngã ba Cò Nòi huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La số 272/KL-UBND của UBND tỉnh Sơn La ban hành ngày 30/1/2019, nêu rõ những tồn tại khuyết điểm trong việc thực hiện.
Được triển khai từ năm 2004, dự án đã nhiều lần được thanh kiểm tra, giám sát, trong đó, năng lực của đơn vị nhà đầu tư yếu kém không đủ khả năng thực hiện dự án; tự ý thay đổi công năng và quy hoạch một số ô đất trong dự án; nhà đầu tư tự quản lý công trình xây dựng mà thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
Hệ lụy là chỉ trong thời gian ngắn, dự án thay đổi 4 lần chủ đầu tư, đến nay hàng loạt công trình phụ trợ vẫn không được hoàn thiện, hoặc đã xuống cấp trầm trọng.
Đặc biệt, qua kiểm tra phát hiện nhiều hạng mục được nghiệm thu khống tăng sai khối lượng, hoặc chưa xây dựng hoàn thiện nhưng vẫn được nghiệm thu, chất lượng công trình không được đảm bảo.
Theo đó, sau khi bị tạm dừng thực hiện vào năm 2009, dự án đã được nghiệm thu quyết toán số tiền 43 tỷ đồng, tương đương với hơn 54 nghìn m2 đất. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều hạng mục như giếng bơm nước, trạm biến áp, kè mương nước, đường giao thông... đã bị nghiêm thu khống tăng và sai khối lượng gần 3 tỷ đồng.
Trong đó, khi thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng chưa có sự phân loại theo hiện trạng sử dụng, đặc biệt, UBND huyện không có quyết định thu hồi đất tới từng hộ dân nằm trong dự án, công tác lập hồ sơ, tới công tác bồi thường đền bù đều tồn tại hàng loạt vi phạm và khuyết điểm dẫn tới rất nhiều hệ lụy, khiếu nại, khiếu kiện vẫn tồn tại tới nay.
Cụ thể, nhiều hộ dân phản ánh có nguồn đất gốc rõ ràng, có trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng ổn định nhưng không được công nhận bồi thường, hoặc bồi thường không thỏa đáng. Trong khi, một diện tích lớn được cho là đất 5%, do UBND xã Cò Nòi quản lý theo quy định pháp luật không thuộc diện bồi thường thì lại được kiểm kê và nhận bồi thường. Số tiền bồi thường UBND xã Cò Nòi không tuân thủ các quy định về tài chính kế toán, thực hiện thu chi không đúng quy định.
Hiện trạng những lô đất 5% do UBND xã quản lý còn rất mập mờ, không có nhiều tài liệu thể hiện chính xác toàn bộ diện tích này do xã hay người khác quản lý. Thậm chí, có diện tích được xác định là đất 5% đã bồi thường cho xã Cò Nòi nhưng hiện nay chưa giải phóng mặt bằng và còn hàng chục hộ dân đang quản lý, sử dụng không được bồi thường tài sản trên đất... Đó chỉ là một trong số những ví dụ cho thấy những khuyết điểm trong đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này.
Nguyên nhân của việc nêu trên do công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương, dẫn tới việc hồ sơ, tài liệu về quản lý đất đai không đồng bộ thống nhất từ bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng, sổ mục kê và hiện trạng sử dụng đất.
Nhiều biên bản kiểm tra tài sản, bồi thường không nghi đủ thông tin về chủ hộ, diện tích... có trường hợp một thửa đất được bồi thường ghi nhiều chủ hộ, không ghi họ tên, số giấy chứng nhận... hoặc không khớp với các bản đồ, sổ mục kê...
Chợ Cò Nòi “nối tiếp” sai phạm
Chợ Cò Nòi thuộc Khu đô thị mới ngã ba Cò Nòi với tổng mức vốn đầu tư ban đầu hơn 32 tỷ đồng, được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư số 2884/QĐ-UBND năm 2016, do Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tổng hợp Đức Thắng làm chủ đầu tư.
Theo quyết định phê quyệt chủ trương, quy mô chợ Cò Nòi thiết kế theo tiêu chuẩn chợ hạng 2 (theo TCVN 9211:2012) có 28 công trình, tổng 275 gian hàng bao gồm chợ chính 01 tầng với 156 gian hàng, nhà ki-ốt 01 tầng gồm 18 nhà, 72 gian hàng; ki-ốt + Ban quản lý chợ 2 nhà 2 tầng; thời gian thực hiện dự án 50 năm tiến độ thực hiện từ 2016 đến 2018 đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, tương tự tại Dự án khu đô thị ngã 3 Cò Nòi, Dự án chợ Cò Nòi hiện đang tồn tại rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, dự án chợ được cho là xây dựng sai với thiết kế ban đầu đã từng bị xử phạt hành chính về vi phạm trật tự xây dựng; hệ thống phòng cháy đến nay chưa được nghiệm thu.
Ban đầu dự án chợ được cấp phép xây dựng các ki ốt 1 tầng, nhưng do nhu cầu phát sinh nên doanh nghiệp đã tiến hành xây 2 tầng, đã từng bị xử phạt hành chính về vi phạm này và yêu cầu khắc phục hậu quả. Sau đó, doanh nghiệp này đã xin điều chỉnh và được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương xây các ki ốt chợ từ 1 thành 2 tầng như hiện trạng.
Ghi nhận thực tế tại chợ Cò Nòi, một số tiểu thương cho biết chợ đã đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay. Trong khu vực chợ Cò Nòi có nhiều các gian hàng kiot được xây kiên cố 2 tầng, tầng 1 để kinh doanh, tầng 2 để ở.
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các kiot 2 tầng và trong khu vực chợ được bố trí rất sơ sài, chỉ có một vài họng nước chữa cháy, và rất ít các bình chữa cháy mini.
Được biết, các gian hàng và kiot kinh doanh các tiểu thương thuê với nhiều mức giá khác nhau, được chi trả bằng tiền mặt cho doanh nghiệp.
Khánh Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/son-la-du-an-khu-dan-cu-co-noi-sau-20-nam-van-bo-ngo-ngay-ve-dich-a611809.html