Lý giải tâm lý kẻ đầu độc xyanua ở Đồng Nai khi "ra tay” với nhiều trẻ nhỏ

Việc sát hại các cháu nhỏ dù không có mâu thuẫn trực tiếp với bản thân không chỉ để thỏa mãn ý đồ hành hạ tâm lý mà còn giúp nghi phạm tránh bị nghi ngờ.

Vì sao "nhắm vào" các cháu nhỏ?

Những ngày qua, vụ án Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) gây ra vụ án sát hại chồng cùng nhiều cháu nhỏ do những mâu thuẫn trong gia đình với bố mẹ các cháu khiến dư luận bàng hoàng.

Vụ án rúng động xảy ra, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi như: Tại sao trong vụ án, nghi phạm liên tục sát hại nhiều người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ? Vì sao đối tượng lại “ra tay” những cháu nhỏ không có mâu thuẫn với mình?...

Lý giải về những vấn đề trên, Th.s luật Lê Bảo Ngọc, tác giả sách “Chuyện tâm lý trong phòng pháp lý" cho hay, trong vụ án trên, nghi phạm Bích có sự phát triển tâm lý tội phạm trong một thời gian dài. 

Người đầu tiên bị đầu độc chính là chồng với lý do mâu thuẫn trong gia đình. Bích khai rằng, chồng cờ bạc. Vụ đầu độc giết chồng này là dấu mốc đầu tiên trong hành trình phạm tội của Bích. 

An ninh - Hình sự - Lý giải tâm lý kẻ đầu độc xyanua ở Đồng Nai khi 'ra tay” với nhiều trẻ nhỏ

Nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích.

Khi một người phạm tội lần đầu, ngay cả khi đã lên kế hoạch kỹ lưỡng thì vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, sự việc không bị bại lộ, mọi người tin rằng chồng Bích chết do bệnh tật. 

Điều này đã giúp Bích tự tin hơn, cảm thấy giết người rất dễ dàng, hơn nữa cô ta còn nhận được tiền bảo hiểm để tiêu xài. Khi gây án quá thuận lợi và không bị phát hiện, người phạm tội sẽ có “ảo tưởng” rằng phương thức gây án là hoàn mỹ và nảy sinh tâm lý kiêu ngạo. 

Sau khi phạm tội lần đầu, tâm lý phạm tội của con người sẽ phát triển theo hai hướng. Thứ nhất, chuyển biến lành tính (không tiếp tục gây án) hoặc phát triển ác tính (tiếp tục phạm tội). 

Ở đây, Bích thuộc trường hợp thứ hai. Vì tội ác lần đầu trót lọt nên cô ta tiếp tục giết người để trừng phạt những người mà mình không vừa ý. 

Khác với sự đấu tranh tâm lý khi lần đầu gây án, những lần sau, thủ phạm sẽ ngày càng quen tay. Cảm giác tự tin tăng lên, nỗi lo lắng ngày càng ít đi, ràng buộc đạo đức cũng giảm. 

Điều này tạo nên sự ổn định tâm lý khi phạm tội, không còn thấy sợ hãi hay tội lỗi, đồng thời sinh ra cảm giác quyền lực, sẵn sàng ra tay vì những mâu thuẫn vặt.

Cần lưu ý trong vụ án, Bích có mâu thuẫn với chị dâu và em gái. Thay vì trực tiếp đầu độc hai người đó, Bích chọn cách đầu độc con của họ. Đây không chỉ là hành vi trút giận mà còn mang ý đồ hành hạ tâm lý. 

Bích muốn chứng kiến cảnh chị dâu và em gái đau đớn vì mất con và tận hưởng cảm giác thỏa mãn khi hai người đó không biết là mình hại. Ngoài ra, những người cháu còn nhỏ nên dễ dụ dỗ hơn. Trong vụ án, Bích và các cháu không phải người có mâu thuẫn trực tiếp nên điều đó giúp cô ta có thể tránh khỏi nghi ngờ.

Đầu độc - phương thức gây án đặc trưng của nữ giới

Th.s Lê Bảo Ngọc cho biết, đầu độc là một trong những phương thức gây án phổ biến của nữ giới. Do sự khác biệt về tâm lý và thể lực nên hoạt động phạm tội của phụ nữ có sự ảnh hưởng rõ rệt của đặc điểm giới tính, đặc biệt là trong các tội phạm bạo lực. 

Nam giới có sức mạnh lớn hơn nên thường chọn phương pháp tấn công trực tiếp như bóp cổ, sử dụng hung khí… Ngược lại, phụ nữ có thể lực yếu đuối và ít liều lĩnh hơn nên thường chọn phương pháp đầu độc, đốt phá, thuê sát nhân, hoặc chọn những thời điểm mà đối phương khó có thể phản kháng như khi nạn nhân đang ngủ, đang say rượu… để ra tay sát hại.

An ninh - Hình sự - Lý giải tâm lý kẻ đầu độc xyanua ở Đồng Nai khi 'ra tay” với nhiều trẻ nhỏ (Hình 2).

Lại Thị Kiều Trang trong vụ án đầu độc bằng Xyanua trong trà sữa hồi 2020 ở Thái Bình. 

Hành vi đầu độc là cố ý, không phải vô ý. Đặc điểm của tội phạm đầu độc là trước khi giết nạn nhân, thủ phạm đã có thời gian chuẩn bị kế hoạch, chọn thuốc độc, chọn thời điểm thích hợp, chờ nạn nhân ăn uống đồ có độc. Đây chính là quãng thời gian để cân nhắc xem có nên giết người hay không, nên một khi xuống tay thì tội phạm đã chắc chắn về quyết tâm giết người.

Người thường xuyên thực hiện cùng một tội ác thường sẽ hình thành đặc điểm riêng về cách thức, phương pháp, phương tiện phạm tội – tức là hành vi gây án của họ đã có tính cá nhân hóa và lặp lại thói quen. 

Những đặc điểm này mang tính nhất quán, tương tự nhau, đồng thời phương thức gây án sẽ tiếp tục được cải thiện và nâng cấp theo quá trình tích lũy kinh nghiệm phạm tội. Như vụ án trên, Bích thực hiện tội ác ngày càng tự nhiên, chuyên nghiệp hơn. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt) cho biết, theo thông tin đến hiện tại, nghi phạm đã thừa nhận đầu độc chồng và các cháu của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ lời khai này có phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác hay không. 

Đây là vụ án hình sự phức tạp liên quan đến nhiều nạn nhân, thời gian thực hiện hành vi phạm tội kéo dài nên việc thu thập chứng cứ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thận trọng phân tích đánh giá các tình tiết của vụ án, thu thập các chứng cứ để chứng minh tội phạm. 

Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng như: hành vi có tính chất côn đồ hoặc động cơ đê hèn, giết từ hai người trở lên… nên đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình.

 

Đặng Ngọc Thuỷ/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ly-giai-tam-ly-ke-dau-doc-xyanua-o-dong-nai-khi-ra-tay-voi-nhieu-tre-nho-a612291.html