Theo thông tin Kyiv Independent, Hiệp ước Ukraine mới được công bố dựa trên tuyên bố chung của G7 được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái tại Vilnius. "Hiệp ước lịch sử này tạo ra một cấu trúc an ninh thống nhất và toàn diện để hỗ trợ Ukraine hiện nay và trong tương lai, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình", Nhà Trắng cho biết.
Hiệp ước này nêu rõ các thành viên đã tham gia ký kết sẽ hỗ trợ nhu cầu quốc phòng của Ukraine thông qua đào tạo, viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế, đồng thời đẩy nhanh nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường năng lực quốc phòng. Những bên ký kết cũng đồng ý "triệu tập nhanh chóng và đoàn kết ở cấp cao nhất để xác định các bước tiếp theo phù hợp" trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine trong tương lai.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí, đạn dược và các khóa đào tạo cần thiết để đẩy lùi lực lượng Nga. Về trung hạn, chúng tôi sẽ giúp xây dựng lực lượng và năng lực để bảo vệ Ukraine, ngăn chặn các hành động tấn công tiếp theo", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ công bố hiệp ước.
Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi Hiệp ước Ukraine là "một cấu trúc vững chắc về đảm bảo an ninh". "Hiệp ước Ukraine mà chúng tôi đang ký kết sẽ đưa mối quan hệ của chúng tôi lên một tầm cao mới — một thành tựu quan trọng đối với Ukraine và tất cả chúng tôi", ông Zelensky nói.
Trong một diễn biến khác, ngày 11/7, Bộ Quốc phòng Úc đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 168 USD dành cho Ukraine. Đây là gói viện trợ lớn nhất mà nước này cung cấp cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Gói viện trợ mới của Úc sẽ bao gồm tên lửa phòng không, vũ khí không đối đất, vũ khí dẫn đường, vũ khí chống tăng, đạn pháo, đạn dược và giày quân sự. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết: "Việc cung cấp các năng lực phòng không mạnh mẽ và đạn dược chính xác không đối đất là gói hỗ trợ đơn lẻ lớn nhất của Úc dành cho Ukraine, sẽ đóng góp to lớn vào nỗ lực chấm dứt xung đột theo các điều kiện của nước này".
Úc cũng sẽ tham gia sáng kiến đào tạo và an ninh mới của NATO dành cho Ukraine, dựa trên chương trình đào tạo của riêng nước này. Với việc bổ sung thêm gói viện trợ mới, tổng viện trợ của Úc dành cho Ukraine đến nay đã llên tới 878 triệu USD, trong đó bao gồm 743 triệu USD viện trợ quân sự. Mặc dù Úc không phải là thành viên NATO nhưng ông Marles đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Theo Kyiv Independent
Phương Uyên/Đời sống pháp luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/32-quoc-gia-nato-cung-ky-hiep-uoc-ukraine-a612418.html