Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều tối 13/7, vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 16h ngày 13/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ vĩ Bắc; 113,0 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng tây bắc với tốc độ 5-10km/giờ.
Dự báo, đến 16h ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ vĩ Bắc; 111,1 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 10km/giờ.
Đến 16h ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 109,3 độ kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 10km/giờ.
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, từ 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần.
Vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Từ ngày 14/7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2,0-4,0m.
Từ ngày 14/7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 1,5-3,0m.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nối với dải hội tụ nhiệt đới hình thành giữa Biển Đông nên từ đêm 14/7 đến ngày 17/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to.
Trong đó, tổng lượng mưa ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 60-120mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn kéo dài có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại nơi trũng, thấp.
Đinh Kim (T/h)/Đời sống Pháp luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-hien-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-dong-nhieu-noi-co-kha-nang-mua-lon-a612479.html