G’LAMS 2024: Mưa bóng mây - Khi dân gian giao thoa với hiện đại

Ngày 12/07/2024, G'LAMS đã tổ chức thành công buổi nhạc kịch mang tên "Mưa bóng mây", thu hút hơn 1000 khán giả tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô.

Năm nay, G’LAMS - dự án nhạc kịch thường niên với lịch lượng chính tới từ Thôn Nghệ thuật Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã kết hợp để tạo ra những sân khấu nghệ thuật hàng năm với G’LAMS 2024 mang tên: “Mưa bóng mây”.

Trải qua 9 năm tổ chức, ​G’LAMS đã có cơ hội đứng trên các sân khấu tầm cỡ như Nhà Hát Lớn, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Nhà hát Tuổi Trẻ cùng sự ủng hộ của 1000 khán giả mỗi năm. Với đơn vị tổ chức gồm hơn 100 học sinh cấp 3 có chung niềm đam mê nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội, ​G’LAMS không chỉ là vẻ đẹp mê hoặc của nhiệt huyết tuổi trẻ dưới ánh đèn sân khấu, mà còn là món ăn tinh thần không thể bỏ lỡ mỗi mùa hè dành cho những người yêu nghệ thuật.

G’LAMS 2024: Mưa Bóng Mây đưa khán giả vào thế giới chứa đựng sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và hiện đại của Nhật Bản đầy ấn tượng. Mang âm hưởng từ dàn nhạc cổ điển, hành trình đưa cô bé Sakura tìm lại bản thân được xây dựng trong Mưa bóng mây đã góp phần tạo nên một màn kịch đầy hấp dẫn thông qua biểu cảm, ngôn ngữ âm nhạc của các diễn viên cũng như những tiết mục nhảy kết hợp âm thanh đặc sắc. Hành trình của Sakura đan xen cùng những chi tiết văn hóa dân gian và hiện đại của đất nước Nhật Bản sẽ mang đến cho quý khán giả sự cảm nhận và tự ý thức về vẻ đẹp của nhân duyên và cuộc sống, dẫu có ngắn ngủi và vô thường.

Vở nhạc kịch xoay quanh nhân vật chủ chốt là Sakura . Đồng thời Haru, Thủ Lĩnh, Hôn Phu, Mamoru, Mori và Daichi cũng là các mảnh ghép đặc sắc trong vở kịch. Những phân cảnh được chuẩn bị kỹ càng, tỉ mỉ với cách sắp xếp hợp lý đã khiến người xem vô cùng thích thú.

Hai nhân vật Sakura (Vũ Đan Hồng Khánh) cùng Haru (Trần Khánh Linh) tái hiện khung cảnh gần gũi với các bạn học sinh trong lớp học

Bạn Hoàng Tùng trong vai Mamoru khi trò chuyện cùng Sakura

Bên cạnh những phân cảnh quen thuộc của đời sống hằng ngày, các nhân vật trong dân gian Nhật Bản như Thần Rừng hay những hồ ly tinh cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. 

Bạn Bùi Nam Khánh trong vai Thần Rừng Mori

Bạn Phan Trang Linh trong vai Thủ lĩnh hồ ly

Bạn Nguyễn Sơn Tùng trong vai Hôn phu Thủ lĩnh

Không chỉ kịch bản xuất sắc và lối diễn tự nhiên của các nhân vật, âm nhạc cùng những bước nhảy uyển chuyển của các vũ công cũng chính là điểm nhấn của buổi diễn. 

Các khán giả thích thú với các vũ công của phân cảnh “Đám cưới hồ ly”

Ngoài ra, việc sử dụng màn gauze xuyên suốt buổi diễn chính là điểm mới trong chương trình nhạc kịch năm nay. Điều này đã khiến các khán giả bị choáng ngợp trước sự đầu tư của nhạc kịch Mưa Bóng Mây và không thể rời mắt khỏi sân khấu.

Khung cảnh bắt mắt khi diễn viên tương tác với màn gauze

Trên hết, Mưa Bóng Mây không chỉ là sự kết hợp văn hóa truyền thống và lối sống hiện đại của đất nước Nhật Bản, mà còn là sự tinh tế trong việc lồng ghép các yếu tố như tình thương gia đình, tình cảm thầy trò hay tình yêu đôi lứa. 

Chính sự chỉn chu trong khâu chuẩn bị và sự tài năng của các bạn học sinh, sinh viên đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem khi buổi diễn kết thúc. Một lần nữa, G’LAMS 2024: Mưa Bóng Mây đã thành công khi ghi dấu ấn khó phai với thể loại nhạc kịch broadway.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/glams-2024-mua-bong-may-khi-dan-gian-giao-thoa-voi-hien-dai-a612512.html