Xin vợ giấu kín chuyện mình bị vô sinh
Anh Hoàng (41 tuổi, ở Hà Nam) kết hôn với chị Lan nhiều năm trước. Vì anh là con trai một nên gia đình, họ hàng ai cũng mong vợ chồng anh sinh con để nối dõi tông đường. Sau đám cưới, chờ mãi không có tin vui, vợ chồng anh đi khám hiếm muộn.
Bác sĩ chẩn đoán, anh Hoàng bị vô sinh do biến chứng quai bị. Anh được phẫu thuật tìm tinh binh 2 lần nhưng không thành công. Các bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên xin tinh trùng để có con, nhưng anh không chấp nhận.
Chị Lan vừa phải chịu tiếng oan không sinh được con vừa đồng hành cùng chồng đi điều trị vô sinh. Ảnh minh họa.
Về nhà, anh xin vợ giấu kín chuyện mình không thể có con. Thương chồng, chị Lan đồng ý. Từ đó, chị luôn động viên, đồng hành cùng chồng trong việc điều trị vô sinh. Suốt 10 năm, họ đi khắp nơi, chữa kết hợp uống thuốc Đông Tây y mong muốn tìm được con nhưng không có kết quả.
Khi mãi mà không thấy chị Lan mang thai, gia đình anh Hưng hết bóng gió rồi hoài nghi khả năng sinh đẻ của chị. Có người còn nói chị là “gái độc không con”. Nghe những lời khó nghe như vậy, chị Lan chỉ biết “ngậm bồ hòn” động viên chồng không từ bỏ điều trị và giúp anh giấu “lỗi".
Cho đến mới đây là tròn 10 năm kiên trì điều trị vô sinh, họ mới tìm đến gặp PGS.TS.BS Lê Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản một bệnh viện tư ở Hà Nội khám một lần nữa, với mong muốn “còn nước còn tát”. Bác sĩ Hoàng cho biết, anh Hưng bị vô sinh do biến chứng quai bị khiến tinh hoàn dần teo nhỏ. Để có con của chính mình, anh phải ăn uống tẩm bổ, giữ tinh thần thoải mái, tránh bị stress để làm phẫu thuật tìm tinh binh.
Bác sĩ Hoàng đang tư vấn cho vợ chồng anh Hưng. Ảnh: BVCC.
Cho đến khi chồng phẫu thuật tìm được tinh binh, vợ mới được “giải oan”
Đầu tháng 7, khi sức khỏe đạt tiêu chuẩn, anh Hưng được bác sĩ Hoàng phẫu thuật và thu được một số tinh binh khỏe mạnh hiếm hoi. Sau đó, các bác sĩ tạo được 2 phôi tốt, giúp vợ chồng anh đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Đến lúc này, chị Lan mới được “giải oan” với nhà chồng. Còn anh Hưng vừa hạnh phúc khi sắp được đón con đầu lòng, vừa giải tỏa được những căng thẳng bấy lâu.
Bác sĩ Hoàng cho biết, hiện nay tỷ lệ nam giới vô sinh chiếm khoảng 40%, có thể do các bệnh lý liên quan tới sản xuất tinh trùng (giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn), rối loạn tình dục (rối loạn cương, rối loạn xuất tinh), nhiễm trùng đường sinh dục, ung thư tinh hoàn, ung thư dương vật, bất thường nhiễm sắc thể… Ngoài ra, môi trường sống, thói quen sinh hoạt cũng có thể là nguyên nhân.
“Dù nguyên nhân gây vô sinh bằng nhau ở cả hai giới, nhưng trên thực tế, phụ nữ luôn là người chịu nhiều áp lực do gánh nặng tâm lý kép từ khát khao có con của chính họ và định kiến từ gia đình, xã hội”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp vô sinh hiếm muộn nên thăm khám cả hai vợ chồng đề tìm ra nguyên nhân sớm. Ảnh minh họa.
Về phía nam giới, mặc cảm bản lĩnh đàn ông khiến nhiều người không dám thừa nhận mình vô sinh, đẩy áp lực sang vợ, ngại đến viện điều trị. Vì điều này, thời gian qua, rất nhiều chị em phải đi khám vô sinh một mình. Khi vợ có kết quả chắc chắn chức năng sinh sản bình thường, chồng mới chịu tới khám. Trường hợp bị gia đình, họ hàng đổ lỗi, cam chịu điều tiếng “không con” như chị Lan cũng không phải hiếm.
Theo bác sĩ Hoàng, trong điều trị vô sinh, nam giới chỉ cần thu được tinh trùng, còn phụ nữ phải trải qua rất nhiều công đoạn cho quá trình chọc hút trứng, chuẩn bị tử cung làm tổ cho phôi, mang thai, sinh nở. “Những khó khăn này cộng thêm rào cản về tâm lý có thể làm giảm hiệu quả điều trị”, bác sĩ Hoàng nói.
Các yếu tố tâm lý mà các chị em thường mắc phải trong điều trị vô sinh là dấu hiệu stress, trầm cảm, nguyên nhân liên quan đến áp lực từ gia đình, xã hội. Vì vậy, khi điều trị, các bác sĩ phải vừa lên phác đồ can thiệp vừa kết hợp tư vấn tâm lý cho hai vợ chồng để họ gỡ nút thắt về tư tưởng.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, các trường hợp vô sinh hiếm muộn nên thăm khám toàn diện cả vợ lẫn chồng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị kịp thời, hiệu quả, sớm có con, giảm áp lực tâm lý. Gia đình và xã hội cũng cần cảm thông, động viên họ, tránh trở thành tác nhân khiến việc điều trị khó khăn hơn. “Vô sinh hiếm muộn cũng giống những căn bệnh khác cần điều trị, không nên xấu hổ, giấu giếm hay mặc cảm”, bác sĩ Hoàng nói.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
DIỆU THUẦN