"Bán lúa non" trong kinh doanh bất động sản: Nhiều doanh nghiệp bị điểm tên

Nhằm ngăn chặn tình trạng "bán lúa non" trong kinh doanh bất động sản, cơ quan chức năng một số tỉnh thành phía Nam đã “điểm mặt, gọi tên” nhiều dự án để cảnh báo người dân, người mua nhà.

Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn

Nhiều năm qua, việc chào bán, chuyển nhượng dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là điều không xa lạ ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.

Nhằm ngăn chặn hoạt động trên, gần đây một số tỉnh thành như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đã mạnh tay triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền cho đến xử phạt các chủ đầu tư, về việc "huy động vốn, kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện".

Các sở, ban ngành, cơ quan địa phương đã tập trung rà soát các thông tin, yêu cầu cam kết… đồng thời cắm nhiều biển cảnh báo trước dự án để thông báo cho người dân.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại tỉnh Bình Dương, Sở Xây dựng tỉnh này đã thực hiện cắm biển tại một số dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn nhằm thông báo, cảnh báo tới người dân, người mua nhà không giao dịch các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.

"Bán lúa non" trong kinh doanh bất động sản: Nhiều doanh nghiệp bị điểm tên- Ảnh 1.

Dự án bất động sản khu nhà ở Quang Phúc 3 bị cơ quan chức năng cắm biển thông báo. (Ảnh: PS).

Đơn cử như dự án Khu nhà ở Quang Phúc 3 (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), là dự án của chủ đầu tư Công ty TNHH Phát triển Nhà Quang Phúc (QP Land, địa chỉ Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Thủ Dầu Một). Cơ quan chức năng cảnh báo, dự án trên đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn người dân cần cân nhắc khi giao dịch.

Dự án khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ văn phòng (tên thương mại Picity Sky Park) trên địa bàn phường An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Dự án Picity Sky Park do Công ty CP Khách sạn Đầu tư Kim Sơn làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư Phát triển Pi Group là đơn vị phát triển. Dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng huy động vốn theo quy định.

Một dự án khác là chung cư cao tầng khối B4, thuộc khu liên hợp cao ốc Sóng Thần, khu phức hợp Charm Plaza 1 (có tên thương mại là Charm Diamond). Sở Xây dựng Bình Dương cảnh báo dự án trên chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trong dự án do chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định.

"Bán lúa non" trong kinh doanh bất động sản: Nhiều doanh nghiệp bị điểm tên- Ảnh 2.

Dự án bất động sản nằm trên địa bàn phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần vì chưa đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. (Ảnh: PS)

Tại tỉnh Long An, cơ quan chức năng cũng triển khai cắm nhiều biển thông báo trước dự án bất động sản nhằm "siết chặt" tình trạng "bán lúa non" của doanh nghiệp.

Dự án căn hộ Cát Tường Phú An (nằm trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cũng được nhắc tên. Dự án do UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH KOPHO Việt Nam, Tập đoàn Cát Tường Group làm đơn vị phát triển dự án.

Cơ quan chức năng khuyến cáo: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, mua bán căn hộ, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Hay tại tỉnh Đồng Nai, UBND xã Sông Thao, huyện Trảng Bom cắm biển cảnh báo trên địa bàn không có dự án The Long Eyes do Công ty cổ phần bất động sản Asian Holding là chủ đầu tư. Đây là một khu đất nông nghiệp và khu vực đường nhựa là tự phát, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Khách hàng cần tránh rủi ro

Dù nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng các chủ đầu tư đã thực hiện việc rao bán, giới thiệu trên nhiều kênh thông tin khác nhau, tiến hành huy động vốn qua hình thức đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu hay phiếu đăng ký giữ sản phẩm... Điều này khiến khách hàng gặp rủi ro nếu như chủ đầu tư không hoàn thành pháp lý.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán.

Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó... Ngoài ra, để được mở bán, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và nhận được thông báo của Sở Xây dựng dự án đó đủ điều kiện thì mới được phép bán.

"Bán lúa non" trong kinh doanh bất động sản: Nhiều doanh nghiệp bị điểm tên- Ảnh 3.

Dự án bất động sản Cát Tường Phú An ở tỉnh Long An bị cơ quan chức năng cảnh báo, tuy nhiên Chủ đầu tư dùng một tấm biển khác che phía trước để khách hàng không nhìn thấy thông báo. (Ảnh: PS).

Có thể thấy, các dự án phía trên đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện bán hàng, huy động vốn… dưới mọi hình thức. Chính vì vậy, khách hàng, người mua nhà cần phải cẩn trọng khi xuống tiền mua các dự án trên.

Tại khu vực phía Nam, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nghiêm hành vi lừa bán các dự án nhà ở, thu lợi bất chính, trong đó cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng nhiều khách hàng vẫn tiếp tục rơi vào "bẫy" của nhiều chủ đầu tư.

Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa đủ điều mở bán vẫn nhận đặt tiền cọc của khách hàng.

Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng "hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, đặt cọc ưu tiên… có khi lên đến 20%-30% giá trị căn hộ".

Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc. Điển hình như hàng trăm khách hàng của Công ty Địa ốc Alibaba đã ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc giữ chỗ, ưu tiên quyền mua, cam kết lợi nhuận.

Hay một số trường hợp bị khởi tố khác như đối tượng Tôn Lâm Sỹ (30 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) bị Công an tỉnh Bình Dương khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sỹ là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư xây dựng địa ốc Á Châu Real Estate. Theo điều tra, từ tháng 6/2020 đến tháng 3/2022, Sỹ đã bán các khu đất tại tỉnh Bình Phước cho hàng chục khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Công an Bình Dương cũng bắt đối tượng Lô Thị Loan và Châu Minh Sơn (trú phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân. 2 đối tượng này đã thực hiện mua bán dự án Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) khi dự án trên chưa đủ điều kiện pháp lý và chiếm đoạt nhiều tài sản của khách hàng.

Phùng Sỹ Sơn/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ban-lua-non-trong-kinh-doanh-bat-dong-san-nhieu-doanh-nghiep-bi-diem-ten-a612595.html