Mua phải hàng giả trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có quyền khởi kiện?

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm nêu rõ, người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT có quyền khiếu nại trực tiếp với sàn thương mại, vì đó là đơn vị trực tiếp quản lý các gian hàng.

Giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng

Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh.

Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi. Hiện nay, không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử.

Anh B.A.C (Hà Nội) mua tai nghe AirPods Pro trên sàn thương mại điện tử Shopee với giá 1 triệu đồng, sau khi áp các mã giảm giá thì giá trị chiếc loa chỉ còn hơn 500.000 đồng. Ngỡ tưởng mua được món hàng hiệu giá hời, tuy nhiên khi nhận hàng thì anh C. mới phát hiện đây là sản phẩm nhái thương hiệu, kém chất lượng.

“Nhìn hình thức bề ngoài giống đến 99% sản phẩm chính hãng, kỹ lắm mới phát hiện ra là hàng nhái thương hiệu. Không những tôi, mà rất nhiều người đã mua phải những sản phẩm kém chất lượng như thế, khi bị phát hiện chủ shop có những lời lẽ thô tục, lật mặt, cãi tay đôi với khách. Tôi mong các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt hơn hoạt động của sàn thương mại điện tử để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng trên không gian mạng”, anh C. chia sẻ.

Mua phải hàng giả trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có quyền khởi kiện?- Ảnh 1.

Nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các loại thiết bị điện tử giá rẻ.

Chia sẻ về cảm nhận khi mua hàng online trên sàn thương mại điện tử, chị H.T.L (Hà Nội) nói rằng, bản thân có phần lo lắng khi mua hàng online vì không thể kiểm tra trực tiếp chất lượng sản phẩm. 

"Mình đã từng mua một sản phẩm mỹ phẩm nhưng sau khi sử dụng thì da mình bị kích ứng. Khi nhận sản phẩm trên tay cũng rất khó để nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, chị L. nói.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, nhiều người từng mua hàng trực tuyến đều phản ánh nhận được sản phẩm chất lượng kém, nhưng không biết kêu ai. Thậm chí, đã có không ít trường hợp "tiền mất tật mang" do mua phải hàng giả, hàng nhái, khi muốn tìm chủ shop để khiếu nại thì họ đã "biến mất không dấu vết".

Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt 15 năm tù

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, việc người tiêu dùng liên tục mua phải hàng giả, hàng nhái trên các mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Có thể thấy rằng, trình độ nhận diện hàng nhái, hàng giả của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, tâm lý tham rẻ vẫn xuất hiện đại bộ phận người dân. 

"Đây chính là điểm yếu để những đối tượng lợi dụng để dụ những người tiêu dùng mua hàng hóa kém chất lượng, hàng giả hoặc hàng nhái", Luật sư Tâm nói.

Tiếp đó, sự phát triển mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nói riêng và thương mại số nói chung quá nhanh trong khi đó các quy định của pháp luật chưa theo kịp, nghiệp vụ, trình độ quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế dẫn đến thời gian qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng chưa kịp thời khiến các đối tượng lợi dụng các khe hở để chuộc lợi.

Mua phải hàng giả trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có quyền khởi kiện?- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, việc buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Trong trường hợp tính chất hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được cơ quan chức năng xác định nghiêm trọng, nguy hiểm xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể người/tổ chức kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái còn có thể bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù với cá nhân, phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ: "Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn điện tử có quyền khiếu nại trực tiếp sàn thương mại, vì họ là người trực tiếp quản lý các gian hàng. Điều này buộc các gian hàng giả, hàng nhái có thể phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truất quyền bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền như đội quản lý thị trường, cơ quan cảnh sát điều tra về kinh tế - buôn lậu để điều tra, xác minh làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán, phân phối hàng giả. 

Trong trường hợp có đủ các dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố, truy tố, xét xử về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng các khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để được bồi thường số tiền đã bỏ ra mua, các thiệt hại về vật chất, tinh thần thực tế theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bàn về giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về các hình thức kinh doanh này nhằm tạo hành lang pháp lý chặt trẽ để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý việc kinh doanh buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Đồng thời các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm ngăn chặn và xử lý các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái nhằm không để tung ra thị trường các mặt hàng giả, hàng nhái này.

“Đối với người tiêu dùng, tôi cho rằng cần phải là người tiêu dùng thông thái, ưu tiên mua tại các đơn vị phân phối uy tín, kiểm tra kỹ các thông tin về nhà sản xuất, sản phẩm hàng hóa, nếu có nghi ngờ hàng giả, hàng nhái nên lập tức trình báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc có thắc mắc về sản phẩm có quyền khiếu nại trực tiếp đến các sản thương mại điện tử”, vị luật sư nói.

Định danh tài khoản người bán trên sàn TMĐT

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, chiều 4/6, trả lời câu hỏi của đại biểu về các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại hàng giả trên thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ bộ ngành đến địa phương, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Trong đó, các sàn thương mại điện tử ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; thể hiện quyết tâm và cam kết tích cực phối hợp với ngành Công Thương trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cụ thể, đăng tải những logo nói không với hàng giả trên các sàn; xây dựng đăng tải trên trang chủ website về quy trình tiếp nhận, xử lý, phản ánh khiếu nại về hàng giả để triển khai các biện pháp kỹ thuật, bộ lọc từ khóa nhằm để ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm trên website, ứng dụng…

Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trong quý III/2024.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an triển khai thực hiện định danh tài khoản người bán trên thương mại điện tử, nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các sàn giao dịch.

Ma Thị Kim Thoa/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mua-phai-hang-gia-tren-san-tmdt-nguoi-tieu-dung-co-quyen-khoi-kien-a612596.html