Ông Trịnh Văn Quyết nhận toàn bộ sai phạm, làm đơn xin tiếp tục khắc phục hậu quả

Tại toà, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC thừa nhận toàn bộ cáo trạng quy kết nhưng cho rằng bản thân không có mục đích lừa đảo nhà đầu tư.

Thừa nhận toàn bộ sai phạm, khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng

Ngày 23/7, TAND Tp. Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm với phần xét hỏi với các bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Sau khi làm rõ lời khai của các bị cáo, ông Trịnh Văn Quyết là cuối cùng bước lên bục khai báo. Trước các câu hỏi của HĐXX, ông Quyết cho biết sự việc xảy ra thời gian lâu, nhiều chi tiết cụ thể không còn nhớ rõ.

"Tôi tôn trọng toàn bộ nội dung quy kết trong cáo trạng và chấp nhận phán quyết của HĐXX", ông Quyết nói.

HĐXX cho hay, bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung như cáo trạng quy kết về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Vậy mục đích thực hiện hành vi của bị cáo là gì?

Ông Trịnh Văn Quyết nhận toàn bộ sai phạm, làm đơn xin tiếp tục khắc phục hậu quả- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết tại toà.

Ông Quyết cho hay, bản thân chưa bào giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tài sản. "Bản thân chỉ muốn FLC có một công ty chuyên về xây dựng. Từ đó giúp phát triển dự án của Tập đoàn và phát triển hơn nữa là các dự án bên ngoài", ông Quyết khai.

Tương tự, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết) cũng thừa nhận toàn bộ cáo trạng quy kết. Trong đó có những hành vi như mượn giấy tờ tùy thân của người thân, quen để mở tài khoán chứng khoán, mở tài khoản ngân hàng để thực hiện việc giao dịch (mua đi bán lại cổ phiếu). Bà Huế khai nhận, tất cả đều do ông Quyết chỉ đạo.

Tại toà, các bị cáo là người thân, họ hàng với ông Quyết như: Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land (em rể ông Quyết); Trịnh Tuân-nguyên Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết);Nguyễn Thị Hồng Dung: Lao động tự do (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với ông Quyết)…đều khai chỉ được nhờ ký tên, cho mượn căn cước công dân để bà Trịnh Thị Minh Huế lập tài khoản mua bán cổ phiếu.

Họ không được bàn bạc, không biết gì về kế hoạch cũng như được hưởng lợi gì từ hành vi của mình. Các bị cáo khai nhận, tại thời điểm đó đã không ý thức và nhận thức đúng về hành vi, sau khi làm việc với cơ quan chức năng, được giải thích mới nhận thức rõ sai trái.

Các bị cáo đều không có ý kiến về nội dung theo quy kết của cáo trạng truy tố, chỉ mong muốn HĐXX xét xét hoàn cảnh, bối cảnh bản thân lúc đó để xem xét đánh giá cho được hưởng khoan hồng.

Điều này cũng được ông Trịnh Văn Quyết nhận thức. Trước khi phiên tòa diễn ra, các luật sư cho biết, ông Quyết tha thiết xin, đề nghị cơ quan xét xử áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo là người thân, người quen, đồng nghiệp/cấp dưới bị liên đới trong vụ án.

Bởi, các bị cáo đó đều là những người buộc phải thực hiện theo chỉ đạo và không được bàn bạc, trao đổi gì về kế hoạch, mục đích. Họ là những cá nhân có quan hệ phụ thuộc; không được nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến công việc được giao; không được hưởng lợi hay được phân chia bất cứ lợi ích nào.

Ông Trịnh Văn Quyết cũng xin được chịu trách toàn bộ (bao gồm trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự) thay cho bị cáo liên đới.

Sáng ngày 23/7, bà Lê Thị Ngọc Diệp vợ ông Quyết cũng có đơn gửi tới HĐXX - TAND TP. Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Trong đơn bà Diệp trình bày: Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi – anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của Vụ án. Gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng.

Nhận thức tại thời điểm đó còn hạn chế

Liên quan đến hành vi của nhóm cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", các bị cáo cũng đều thừa nhận hành vi sai phạm.

Cụ thể, bị cáo Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch HĐQT HoSE khai báo đã nghe cấp dưới báo cáo về việc Công ty Faros "có vấn đề về kiểm toán".

Tuy nhiên, với vai trò HĐTV của HoSE, ông Sinh không có nghĩa vụ xét hồ sơ niêm yết mà chỉ nghe báo cáo sơ bộ của Ban điều hành và Hội đồng thẩm định. Sau khi hai cơ quan này họp và thống nhất việc cho Công ty Faros niêm yết, hồ sơ mới được chuyển lên HĐQT trong cuộc họp giao ban vào năm 2016.

Ông Trịnh Văn Quyết nhận toàn bộ sai phạm, làm đơn xin tiếp tục khắc phục hậu quả- Ảnh 2.

Có khoảng 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà.

Bị cáo này thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm đã nêu trong cáo trạng, song khẳng định sai trong vụ án là sai phạm có hệ thống từ Uỷ Ban Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán…

"Với tư cách là người đứng đầu, tôi không có ý kiến gì về các cáo buộc như cáo trạng nêu", ông Sinh thừa nhận.

Cũng tại phiên xét hỏi, ông Lê Hải Trà - Cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT và Thành viên Hội đồng niêm yết HOSE khai bản thân không phải người quản lý chính việc niêm yết mà phụ trách mảng công nghệ thông tin.

Bị cáo cho biết cá nhân không có mối quan hệ trực tiếp với phòng nghiệp vụ, nhưng có yêu cầu cấp "làm nhanh" cho ROS được sớm niêm yết. Bản thân bị cáo này có quan hệ quen biết với với Trịnh Văn Quyết, tuy nhiên không nhận được lợi ích gì từ hành vi của bản thân.

"Bị cáo khai nhận quen biết ông Quyết khi làm việc tại Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước từ trước năm 2006 vì "thường đi đánh tenis với nhau". Sau đó, chuyển sang công tác tại sàn HOSE", ông Trà nói.

Ông Trà cũng khai rằng, tại thời điểm đó tin tưởng vào các báo cáo tài chính, các nội dung ông yêu cầu cũng đều được doanh nghiệp giải trình, UBCK, Vụ Giám sát công ty đại chúng không có yêu cầu giải trình thêm nên "theo nhận thức lúc đó doanh nghiệp đã đáp ứng, đủ điều kiện là công ty địa chúng và niêm yết".

Các luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho hay, trong thời gian tạm giam, ông Quyết và gia đình luôn cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án. Vào ngày 9/7/2024, bà Lê Thị Ngọc Diệp đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỷ đồng. Trước đó, bị cáo và gia đình cũng tự nguyện khắc phục số tiền hơn 191 tỷ đồng.

Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM ...) với tổng giá trị cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa) là khoảng 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp HĐXX xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.

Đặng Ngọc Thuỷ/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ong-trinh-van-quyet-nhan-toan-bo-sai-pham-lam-don-xin-tiep-tuc-khac-phuc-hau-qua-a612851.html