Bố vợ khen anh rể làm lương tháng 50 triệu, chỉ một hành động sau đó của tôi khiến ông hối hận

Kể từ đó về sau, bố vợ không còn so sánh tôi với anh rể nữa.

Là một người chồng, và hơn hết là một người bố đã có 2 con, tôi luôn hiểu trách nhiệm và vai trò của mình ở đâu. Vì thế, mỗi ngày tôi đều tự nhủ với bản thân phải cố gắng tốt hơn nữa để cho vợ và các con cuộc sống tuyệt vời nhất. Nhưng tôi thực sự không hiểu mình đã sai ở đâu, mà bố vợ lại so sánh tôi với anh rể.

Vợ chồng tôi lấy nhau 10 năm và có được cặp sinh đôi 1 trai 1 gái, năm nay các bé chuẩn bị bước vào tiểu học. Vợ tôi là em út trong nhà, trước cô ấy còn có một người chị lớn. Chị ấy cũng đã lập gia đình nhưng sống trên phố, còn vợ chồng tôi thì được cho miếng đất nên xây nhà ở quê, cạnh bên nhà bố mẹ vợ.

Tôi và bà xã làm cùng lĩnh vực, đều là người công chức nhà nước, dù công việc ổn định nhưng lương bổng không quá cao. Ngược lại, vợ chồng chị vợ và anh rể người làm kinh doanh, người làm IT nên thu nhập khá tốt. Dĩ nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó, vợ chồng tôi lựa chọn cuộc sống an nhàn, vừa kiếm tiền nhưng cũng phải dành nhiều thời gian để nuôi dạy 2 con. Ngược lại, chị vợ và anh rể đa phần đều bận tối mặt tối mày nên hè nào cũng gửi cô con gái tiểu học về quê để ông bà chăm sóc hộ.

Ảnh minh hoạ

Cách đây vài ngày, trong một bữa tiệc nhỏ với 3 người hàng xóm, khi họ hỏi thăm đến tình hình hôn nhân, làm ăn của gia đình 2 cô con gái, không biết có phải vì đã say hay không mà bố vợ đã không chút nể nang gì so sánh tôi với anh rể. Ông khen anh ấy nức nở, tài giỏi kiếm được nhiều tiền, lương tháng tận 50 triệu, “ăn đứt” con rể út như tôi. Ông còn nói dù làm nhà nước tôi được cái danh, nhưng lương thấp, may nhờ bố mẹ vợ cho mảnh đất nên mới xây được căn nhà khang trang để ở.

Nghe bố vợ nói mình như vậy, tôi cảm thấy khó chịu nên rời khỏi bàn tiệc. Lúc này, mấy đứa nhỏ đòi tôi nấu cho chúng món cơm chiên trứng, “món tủ” của tôi nên tôi lập tức xin phép mọi người ở đó để vào bếp nấu ăn cho tụi nhỏ. Sau khi tôi rời đi, tôi nghe kể lại diễn biến câu chuyện tiếp đó là một người hàng xóm đã lên tiếng hỏi về anh rể, nói sao làm có tiền không thuê bảo mẫu mà năm nào cũng gửi con gái về quê cho ông bà đã lớn tuổi chăm sóc.

Trước mặt bố vợ, ông chú này còn dành lời khen cho tôi vì vừa kiếm ra tiền, vừa có thể tự mình chăm sóc các con chứ không phụ thuộc vào ai cả. Mặc dù tôi kiếm tiền không giỏi bằng anh rể, nhưng cũng có đồng ra đồng vào ổn định chứ không vô công rỗi nghề hay mang tiếng ăn bám. Tuy nhiên, về mảng làm bố, tôi tự tin bản thân vẫn đang làm rất tốt, và luôn trong tâm thế hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Anh rể vì lo kiếm tiền mà không dành thời gian cho con gái, chính vì thế mà tôi cảm nhận được rõ ràng đứa trẻ không mặn mà gì với bố mẹ cả. Về quê nghỉ hè mấy tháng nay, chả thấy cháu gái khóc lóc, nhớ nhung bố mẹ. Thậm chí có lúc con bé còn bảo muốn ở luôn với ông bà, và dì dượng vì ở nhà bố mẹ đi suốt không có ai chơi cùng, ở quê vui hơn.

Ảnh minh hoạ

Qua ngày hôm sau khi đã tỉnh rượu, dường như bố vợ nhận thức được việc làm của mình vào hôm qua nên đã gửi lời xin lỗi tôi. Ông bảo ông không cố ý, và thực sự ông cũng thấy được những gì tôi làm cho gia đình, cho các con. Suốt gần 3 tháng hè, nhờ có sự hỗ trợ của tôi chăm sóc 3 đứa nhỏ mà bố mẹ vợ mới có thời gian nghỉ ngơi. Cuối cùng thì bố chồng cũng đã nhìn thấy rõ giá trị của tôi, và kể từ đó về sau tôi không còn thấy ông so sánh tôi với anh rể nữa, ngược lại còn rất hay khen tôi là một người chồng, người cha tuyệt vời.

Tâm sự từ độc giả hieuphung…@gmail.com

Trong gia đình, vai trò của người bố và người mẹ là như nhau. Mỗi người đều có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển toàn diện của con trẻ. Chính vì vậy mà trên hành trình con khôn lớn, nếu bố mẹ chỉ vì tập trung kiếm tiền mà bỏ qua thời gian dành cho con, điều này có thể khiến bố mẹ phải hối hận về sau.

Vậy đâu là những thiệt thòi của một đứa trẻ không có sự đồng hành, dạy dỗ của bố mẹ chỉ vì họ quá tập trung vào công việc:

Trước hết, sự thiếu vắng của cha mẹ sẽ khiến trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi, không được yêu thương và thiếu sự ổn định về mặt cảm xúc. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu hay các rối loạn hành vi. Trẻ em cần sự gắn kết, chăm sóc và quan tâm từ cha mẹ để có thể phát triển một cách lành mạnh.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ được hướng dẫn, giáo dục và giám sát hành vi một cách phù hợp. Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ. Khi thiếu vắng những điều này, trẻ có thể dễ dàng sa vào các hành vi tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân mà còn có thể làm phiền mọi người xung quanh.

Hơn nữa, sự tương tác và hỗ trợ của cha mẹ cũng vô cùng quan trọng đối với việc phát triển trí tuệ và khả năng học tập của trẻ. Khi cha mẹ không dành đủ thời gian cho con cái, thành tích học tập của trẻ sẽ dễ bị ảnh hưởng. Điều này tác động mạnh mẽ đến cơ hội phát triển và thành công trong tương lai của con.

Cuối cùng, sự phát triển toàn diện về thể chất, xã hội và tâm lý của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng khi thiếu vắng sự hướng dẫn và chăm sóc của cha mẹ.

Trẻ em cần sự đồng hành và dẫn dắt từ cha mẹ trong suốt quá trình lớn lên để có thể phát triển một cách lành mạnh và trưởng thành. Việc cha mẹ quá tập trung vào công việc mà bỏ bê con cái là một thiệt thòi lớn đối với sự phát triển của trẻ. Những hậu quả của nó có thể kéo dài và để lại những ảnh hưởng sâu sắc, khó xóa nhòa. Vì vậy, cha mẹ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc dành thời gian và sự chăm sóc chu toàn cho con.

TRANG TRI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-vo-khen-anh-re-lam-luong-thang-50-trieu-chi-mot-hanh-dong-sau-do-cua-toi-khien-ong-hoi-han-a612866.html