Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, mẫu mực, có tầm vóc thời đại và sức ảnh hưởng lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, mặc dù là một lãnh đạo cấp cao, đứng đầu đất nước, nhưng đối với những người bạn, người thầy của mình, Tổng Bí thư vẫn luôn giữ sự kính trọng, gần gũi, thân tình.
Người lãnh đạo giản dị, mộc mạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong 6 năm, từ 1957-1963. Mặc dù đã ở vị trí có trọng trách lớn đối với đất nước, nhưng Tổng Bí thư vẫn giành thời gian ít ỏi của mình về thăm trường cũ. Đặc biệt hơn cả, ông đều về với tư cách cựu học sinh, chứ không phải nhà lãnh đạo cao cấp.
Trong những lần hiếm hoi đó, ông Lê Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhớ nhất là dịp lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường vào ngày 14/11/2020. Giản dị, gần gũi, mộc mạc là những hình ảnh in đậm trong tâm trí thầy trò nhà trường khi vị lãnh đạo đứng đầu Đảng.
"Thời điểm về thăm trường sức khoẻ của Tổng Bí thư không được tốt. Lúc tôi ra đón bác, bác ghé tai tôi nói nhỏ rằng: "Em với thầy cùng dắt tay nhau đi", thực sự rất xúc động khi Tổng Bí thư gọi tôi bằng "thầy" và xưng "em". Việc này khiến tôi rất ngỡ ngàng vì vị lãnh đạo cao nhất lại bình dị và khiêm tốn như vậy", ông Kiên xúc động chia sẻ.
Thời gian về thăm trường, Tổng Bí thư luôn hỏi về tình hình nhà trường, đến việc học tập của các em học sinh. Cùng với đó là luôn nhắn hỏi về thầy cô giáo cũ, các thế hệ học trò của của trường.
Ông Lê Trung Kiên bày tỏ: "Qua những câu hỏi ân cần, tôi hiểu rằng Tổng Bí thư rất muốn gặp lại thầy, cô giáo của mình, muốn gặp lại các bạn của mình. Tôi thưa rằng, nhà trường mời tất cả thầy, cô giáo từng công tác tại trường và cả học sinh từng học tập tại trường. Nghe thế, ông rất vui".
Cặn dặn về chuyên môn, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh với các thầy cô, lãnh đạo nhà trường về việc đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học vì đây là những điều quan trọng nhất đối với các em học sinh.
"Tư duy giáo dục, tư tưởng, đạo đức lối sống của Tổng Bí thư sẽ luôn được nhắc mãi, in đậm và lan tỏa trong nhà trường, để các thế hệ học sinh luôn tự hào rằng nhà trường đã từng có một học sinh ưu tú như vậy", ông Lê Trung Kiên bày tỏ.
Hiện nay, trong văn phòng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều còn cất giữ tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã ố vàng và có nhiều vết rách những nội dung ghi lại vẫn vô cùng quý báu và hết sức ý nghĩa.
Một con người trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và đạo đức
Từ năm 1963-1967, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học tại Trường Đại học Tổng hợp. Trong vòng 4 năm đó, chủ nhiệm lớp K8 Văn của ông là GS.NGND.Nhà văn Hà Minh Đức.
"Đây là lớp đặc biệt, ở khoa xem đây là một trong những lứa học sinh xuất sắc nhất, với trên dưới 100 sinh viên, các em đều có tài năng làm thơ, viết văn", ông Hà Minh Đức chia sẻ với Người Đưa Tin.
Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng khi được hỏi về những năm tháng đấy, GS.Hà Minh Đức vẫn nhớ như in đó là lớp học ở vùng sơ tán tại huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là tỉnh Thái Nguyên). Giáo sư cho biết đây là vùng rừng núi, phong cảnh thiên nhiên đẹp nhưng bệnh sốt rét hoành hành, đời sống vô cùng vất vả.
"Hồi đó đi học còn nhiều khó khăn, chúng tôi phải ở nhờ nhà người dân, lớp học nằm ở dưới hầm. Ngoài giờ lên lớp thầy trò phải đào hầm, tăng gia sản xuất, trồng cà chua, rau cải, đi lên núi hái măng. Tối đến hoạt động chủ yếu cũng là làm thơ rồi đọc cho cả lớp nghe chứ không có điều kiện sinh hoạt vui chơi", ông Hà Minh Đức kể lại những năm tháng giảng dạy ở vùng sơ tán.
Còn đối với người học trò của mình, ông giáo già tự hào kể: "Toàn bộ thời kỳ đại học của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều ở trên vùng sơ tán. Đồng chí là một sinh viên mẫu mực, lặng lẽ, cẩn trọng, chăm chỉ và có ý thức tham gia rất nhiều công việc lao động khác nhau".
Chính những đức tính này mà Tổng Bí thư đã được kết nạp Đảng vào cuối năm 1976 – kết nạp cuối khoá trước khi ra trường, theo lời nhận xét của thầy Đức thì đây là một điều hiếm gặp vì lúc bấy giờ rất ít kết nạp sinh viên.
Nhưng điều ấn tượng hơn cả với GS.Hà Minh Đức đó là khoá luận tốt nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khác với những người bạn của mình làm về thơ Xuân Diệu hay truyện ngắn Nam Cao, ông chọn đề tài về thơ Tố Hữu.
"Không phải ngẫu nhiên đồng chí lại chọn thơ Tố Hữu làm đề tài khoá luận với phần một nói về thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, phần thứ 2 bàn luận về ảnh hưởng của thơ ca dân gian đến thơ Tố Hữu.
Tổng Bí thư là người rất quan tâm đến thơ ca, văn học dân gian, điều này chúng ta đề thấy rõ nét trong các bài phát biểu của đồng chí khi ngôn ngữ chặt chẽ, chọn lọc và mang màu sắc dân gian", GS. Hà Minh Đức chia sẻ.
Không chỉ trí tuệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người có nhân cách lớn trong ứng xử với bạn bè và mọi người xung quanh.
Ông Đức kể: "Tại cuộc gặp gỡ kỷ niệm 55 năm ngày lớp K8 Văn ra trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới sau một chút. Thấy tôi đứng lên, Tổng Bí thư ôm vai và nói mời thầy giáo ngồi xuống. Trong cuộc gặp, Tổng Bí thư thân mật chào và vẫn nhớ nhiều bạn học cũ. Dù giữ cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước đồng chí vẫn đôn hậu, giản dị, nghĩa tình".
Cũng trong cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa đó, GS.Hà Minh Đức đã có một bài phát biểu ngắn với học trò. Trong đó, ông khẳng định đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đảng, nhân dân tin tưởng, giữ trọng trách lớn nhờ 4 yếu tố: trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và đạo đức.
"Tất cả những thành tựu đạt được không phải ngẫu nhiên mà là sự phấn đấu, đóng góp của đồng chí qua các thời kỳ. Bất kỳ việc gì Tổng Bí thư đều nhất quán theo theo tư tưởng chỉ đạo, dù nhỏ cũng như lớn luôn giữ vững tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Một điểm nữa mà tôi rất cảm phục khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng có một khả năng khái quát lớn, không chỉ dừng lại ở một hiện tượng, một phong trào, mà đến mọi vấn đề lớn lao của đất nước", GS.Hà Minh Đức chia sẻ.
Trước sự ra đi của người đứng đầu Đảng, ông Hà Minh Đức cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì Tổng Bí thư mất đi là sự thiệt thòi cho gia đình, cho đất nước.
"Mặc dù tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn căng sức ngày đêm làm việc, lo toan không chỉ việc hôm qua, hôm nay, ngay cả tương lai đất nước cũng đều được chuẩn bị chu đáo", GS.Hà Minh Đức nói.
Nguyễn Hoa Trà/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-trong-ky-uc-cua-nhung-nguoi-thay-a612871.html