Vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết khắc phục thêm 25 tỷ
Chiều 23/7, khi tham gia xét hỏi tại phiên sơ thẩm xét xử 50 bị cáo liên quan vụ án tại Tập đoàn FLC, bà Lê Thị Ngọc D (vợ của bị cáo Trịnh Văn Quyết) được Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm dân sự.
Hai ngày trước đó, khi phiên tòa sắp diễn ra, ông Quyết đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chỉ đạo bán cổ phiếu mã ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Trình bày tại tòa, bà D cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng ông Quyết và bà này. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng.
"Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi - anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án", bà D cho biết. Như vậy, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án đến nay là gần 240 tỷ đồng.
Trịnh Văn Quyết xin dùng 5000 tỷ tài sản cá nhân để khắc phục
Đứng trước bục khai báo trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC khai, sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), công ty này đã thực hiện các dự án trong hệ thống của Tập đoàn FLC.
Tại tòa, một luật sư cho biết, từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2018 giá cổ phiếu ROS tăng từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 43.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, vào năm 2017 có giai đoạn mã cổ phiếu ROS tăng hơn 214.000 đồng/cổ phiếu. "Tại sao bị cáo không chỉ đạo bán cổ phiếu ROS ra thị trường lúc giá cao mà để đến lúc chỉ còn hơn 2.000 đồng/cổ phiếu mới bán ra?", luật sư truy vấn.
Bị cáo Quyết giải thích, từ khi mua lại Công ty Faros bị cáo Quyết chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu, lúc nào cũng muốn giữ cổ phiếu và mua thêm. Thời điểm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bị cáo Quyết gặp khó khăn về tài chính nên mới phải bán cổ phiếu của Công ty Faros. "Có thời điểm cổ phiếu của Faros lên hơn 200.000 đồng tôi không bán, nhưng tại thời điểm dịch COVID-19, vì khó khăn mà phải bán dưới 3.000 đồng", bị cáo Quyết khai.
"Tôi không bao giờ muốn bán cổ phiếu Faros, nhưng khó khăn vì dịch nên phải bán. Sau khi giải quyết khó khăn tôi sẽ mua lại, nhưng chưa thực hiện được thì tháng 3/2022 tôi đã bị bắt", ông Quyết nói thêm.
Tiếp tục phần hỏi, luật sư cho biết, với 2 tội danh bị quy kết thì ông Quyết sẽ phải bồi thường khoảng 4.300 tỷ đồng. “Vậy ngoài tài sản bị phong toả, bị cáo còn tài sản khác để đảm bảo hay không?”
"Nếu bị HĐXX tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục", bị cáo Quyết đáp.
Tại tòa, cựu Chủ tịch FLC cũng khẳng định, ngoài các tài sản đang bị phong tỏa, không còn thêm tài sản nào khác. Ông Quyết cũng trình bày mới được cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo Airways và trước mắt đã thu được gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Số tiền 500 tỷ đồng tiếp theo nhận từ việc bán hãng hàng không Bamboo, ông Quyết cho biết sẵn sàng nộp để khắc phục hậu quả vụ án.
"Bị cáo tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân. Bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý khối tài sản cá nhân trị giá gần 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án mà cơ quan điều tra đã và đang phong tỏa hơn 2 năm qua", cựu Chủ tịch FLC trình bày .
Khánh Ngân - Nguyễn Lâm
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ong-trinh-van-quyet-xin-duoc-dung-khoi-tai-san-ca-nhan-de-khac-phuc-hau-qua-a612881.html