Việc những chiếc chiến đấu cơ F-16 sắp đến Ukraine sẽ không phải là "viên đạn bạc" có thể thay đổi cục diện chiến trường, nhưng là sự khởi đầu của một quá trình lâu dài hơn nhằm đưa các lực lượng vũ trang Ukraine đến gần hơn với chiến thuật và trang bị của phương Tây.
Bình luận trên được Tướng Không quân James Hecker, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, đưa ra tại một triển lãm hàng không quân sự lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên ở Vương quốc Anh.
Các phi công Ukraine lái tiêm kích F-16 sẽ không mang lại ưu thế trên không cho quân mình chỉ trong vòng vài tuần, Tướng Hecker, người đồng thời là Tư lệnh Không quân Đồng minh NATO, cho biết và bổ sung rằng "Đó là một quá trình mà chúng ta sẽ trải qua, nhưng giờ đây mới chỉ bắt đầu thôi".
Một chiếc máy bay F-16 tại Căn cứ Không quân Rygge, Na Uy, ngày 28/11/2023. Ảnh: Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi đầu tháng này ở Washington DC, cho biết những chiếc máy bay chiến đấu "Chim Cắt" F-16 Fighting Falcon sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.
Đây là đỉnh cao của một quá trình lâu dài, bao gồm công tác đào tạo ở Mỹ và nhiều địa điểm ở châu Âu, cũng như việc các nước như Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy tặng máy bay cho Ukraine.
"Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là: Đây là bước khởi đầu để đưa Ukraine tới gần hơn với trang bị phương Tây, chiến thuật phương Tây, học thuyết phương Tây và tư duy phương Tây", Tướng Hecker nói với các phóng viên tại triển lãm hàng không quân sự Royal International Air Tattoo (RIAT) diễn ra ở Căn Cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Fairford ngày 19-22/7.
Quá trình này sẽ diễn ra theo quy trình của các quốc gia NATO ở Đông Âu và sử dụng máy bay phương Tây. Sẽ mất thời gian để có thể vận hành "Chim Cắt" một cách hiệu quả với đủ nhân sự, cùng với sự hỗ trợ hậu cần cần thiết.
"Điều này không thể xảy ra một sớm một chiều, nhưng phải có sự bắt đầu, và chúng ta đang tiến gần đến sự bắt đầu đó", Tướng Không quân Mỹ nói.
Tướng Hecker đánh giá rằng Ukraine phần lớn đã thành công trong việc giữ an toàn cho phi đội của mình bằng nhiều cách linh hoạt, bao gồm việc không bao giờ cất cánh và hạ cánh trên cùng một căn cứ.
Không quân Ukraine đã làm được điều này với phi đội MiG-29 và Su-24 hiện tại, và bây giờ họ sẽ cần phải lặp lại điều đó với F-16. Đây sẽ là một thách thức vì không phải tất cả các sân bay trên cả nước đều có thể phục vụ máy bay mới, ông Hecker nói.
Về mặt hoạt động, Nga đã điều chỉnh chiến thuật của mình bằng cách nhắm mục tiêu và tấn công nhanh hơn, Tướng Mỹ nói, nhấn mạnh rằng đó là vì sao các đối tác cần cung cấp hệ thống phòng thủ phù hợp để Ukraine chống lại các đòn tấn công của đối phương, đồng thời đối phó với mối đe dọa mới nổi từ các hệ thống máy bay không người lái cảm tử.
F-16 Fighting Falcon (còn được gọi là "Viper" - Rắn hổ lục), do gã khổng lồ quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, tức chỉ kém một thế hệ so với các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại như F-35 Lighting và F-22 Raptor.
Tùy thuộc vào phiên bản và các nâng cấp, F-16 có thể thực hiện nhiều vai trò, bao gồm cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Trong buồng lái, giao diện người-máy của F-16 được thiết kế để cho phép phi công đưa ra quyết định nhanh chóng, trong khi radar và đạn dược tương đối tiên tiến của tiêm kích này cho phép phi công tấn công mục tiêu ở khoảng cách khoảng 100 km.
F-16 sẽ bổ sung thêm một lớp phòng thủ cho hệ thống pháo phòng không hiện tại của Ukraine. Kiev có thể sẽ sử dụng tiêm kích F-16 của mình để đánh chặn tên lửa hành trình của Nga và các tên lửa đất đối không kém tiên tiến khác.
Là máy bay chiến đấu đa năng, F-16 cũng có thể yểm trợ cho các hoạt động trên mặt đất của Ukraine, giúp ngăn chặn đối phương giành quyền kiểm soát các không phận bổ sung và giúp ngăn chặn máy bay địch tiến hành các hoạt động hỗ trợ trên không dọc theo tiền tuyến.
Ngoài ra, các loại vũ khí khác nhau của F-16 – bao gồm tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88, tên lửa không đối không AIM-120 theo dõi tự động, bom đường kính nhỏ và vũ khí tầm xa (tên lửa hành trình Storm Shadow) – và việc tích hợp F-16 vào các hệ thống phòng không cục bộ sẽ giúp Ukraine liên kết chặt chẽ hơn về mặt quân sự với các đối tác phương Tây.
Minh Đức (Theo Aviation Week, CFR)
Minh Đức (Theo Aviation Week, CFR)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tiem-kich-f-16-den-ukraine-danh-dau-buoc-chuyen-ve-chien-thuat-va-trang-bi-a612884.html