Hamas đổi chiến thuật du kích, tiếp tục ngăn cản Israel

Các thành viên cấp cao trong chính phủ Israel nhiều lần tuyên bố lực lượng nước này đang sắp đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin bị bắt giữ trước đó.

Hamas releases footages showing what it says are its fighters firing mortar shells at Israeli forces

Ảnh: Cánh vũ trang Hamas/qua Reuters/Ảnh tài liệu.

Các thành viên cấp cao trong chính phủ Israel nhiều lần tuyên bố lực lượng nước này đang sắp đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin bị bắt giữ trước đó. Tuy nhiên, lực lượng Hamas thực hiện chiến lược du kích và tầm ảnh hưởng của tổ chức này tại Gaza vẫn ảnh hưởng lớn tới khả năng đạt được mục tiêu này của Israel.

Sau 9 tháng xảy ra chiến sự, Hamas về cơ bản chịu những tổn thất so với trước thời điểm thực hiện vụ tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các video của Hamas cho thấy những tay súng được huấn luyện bài bản, có áo chống đạn, quấn băng đạn trên người. Tuy nhiên, một số hình ảnh gần đây cho thấy nhóm phiến quân chỉ mặc quần áo bình thường trong khi thực hiện các vụ tấn công du kích trên các tuyến phố tại Gaza.

Reuters đã phỏng vấn một số nguồn thông tin về chiến thuật của Hamas để hiểu rõ hơn về những tổn thất cũng như sự thay đổi chiến thuật của tổ chức này.

2 nguồn tin Israel và 2 nguồn tin Palestine cho biết, mạng lưới liên lạc mà Hamas xây dựng trước khi cuộc chiến nổ ra đã bị hư hỏng. Điều này khiến mạng lưới chỉ huy của tổ chức này bị phân mảnh, dựa vào các thư tín được giao tận tay nhằm tránh bị giám sát bởi Israel.

Một nguồn tin từ Palestine hiểu rõ về chiến lược quân sự của Hamas cho biết, mất mát về nhân sự và mạng lưới liên lạc bị phá hủy đồng nghĩa với việc điều hành từ các bộ phận cấp cao của Hamas bị đình trệ. Quân đội Israel cho biết phần lớn mạng lưới đường hầm dưới lòng Gaza cũng đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác từ Palestine, các chiến lược du kích mà các phần tử Hamas sử dụng trong những tuần qua được thực hiện nhằm đảm bảo tổ chức này tiếp tục trói chân và gây ra tổn thất cho lực lượng Israel.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant phát biểu trước các binh lính tại thành phố Rafah miền Nam Gaza hôm 23/7 cho biết, Israel đang gần đạt được mục tiêu đánh bại Hamas về mặt quân sự.

Trong vụ tấn công ngày 7/10/2023, Hamas đã khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 250 người làm con tin. Hamas và các tổ chức quân sự khác vẫn đang giam giữ 115 con tin. Chính quyền Israel cho rằng 1/3 trong số đó đã thiệt mạng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu, phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24/7 trong chuyến viếng thăm Washington, cam kết sẽ sớm giải phóng con tin và đề ra viễn cảnh cho một "Gaza phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa", được điều hành bởi những người Palestine không có ý định gây hấn với Israel.

Hamas đã bác bỏ bình luận của ông Netanyahu, gọi đó là "dối trá trắng trợn" và cáo buộc nhà lãnh đạo Israel đang phá hoại nỗ lực thương lượng kết thúc chiến tranh, ký kết thỏa thuận ngừng bắn cho phép giải phóng con tin – một kế hoạch được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong tháng 5 vừa rồi, đang được trung gian thương lượng bởi Ai Cập và Qatar.

"Còn xa" mục tiêu tiêu diệt Hamas

Hamas khẳng định rằng cơ quan chỉ huy của tổ chức này vẫn tồn tại, mặc cho những tổn thất gặp phải và đã bị suy yếu.

Quan chức cấp cao của Hamas - Sami Abu Zuhri cho biết, những báo cáo của Israel thổi phồng những tổn thất mà tổ chức này gặp phải: "Thực tế trên chiến trường khác hoàn toàn".

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 16/7 đánh dấu 9 tháng kể từ ngày cuộc chiến bùng nổ, quân đội Israel khẳng định tiêu diệt hoặc bắt giữ ít nhất 14.000 tay súng Hamas trong tổng số ước tính 30.000 – 40.000 thành viên mà tổ chức này trong đầu cuộc chiến.

Đồng thời, Israel cho biết chỉ 326 binh lính đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi chiến dịch trên bộ được triển khai.

IDF cũng khẳng định tiêu diệt một nửa bộ máy lãnh đạo cánh vũ trang của Hamas, lữ đoàn Al-Qassam và đang truy đuổi các lãnh đạo cấp cao của Hamas nhằm tháo gỡ khả năng quân sự của tổ chức này.

Israel đã triển khai một vụ không kích vào ngày 13/7 tại một khu vực chỉ định nhân đạo miền Nam Gaza nhằm vào Mohammed Deif, một cá nhân được Israel cho rằng đã lên kế hoạch cho vụ tấn công ngày 7/10. Bộ y tế Gaza cho biết ít nhất 90 người đã thiệt mạng trong vụ không kích này.

Trong ngày 19/7, phát ngôn viên trưởng quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy Deif đã thiệt mạng cùng với một chỉ huy cấp cao khác của Hamas có tên Rafa Salame và các quan chức Israel cho rằng chỉ huy này đã ngồi cạnh Deif khi vụ không kích được triển khai.

Các nguồn tin Palestine đã xác nhận nhiều chỉ huy quân đội Hamas đã thiệt mạng trong trận không kích trên, bao gồm Ayman Nofal, và Ahmed Al-Ghandour, hai thành viên Hội đồng Quân sự Tối cao, cơ quan điều hành cao nhất của cánh vũ trang Hamas. Saleh Al-Arouri, phó lãnh đạo Hamas, cũng đã thiệt mạng tại Lebanon.

Tuy nhiên các tay súng Hamas đã buộc lực lượng Israel phải trở lại chiến đấu tại các khu vực từng kết thúc chiến dịch tại Gaza.

Michael Milshtein, cựu sĩ quan tình báo quân đội Israel, hiện đang là giám đốc nghiên cứu về Palestine tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi tại Tel Aviv, cho biết Israel cần đẩy mạnh điều động lực lượng trên toàn Gaza hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas.

"Chúng ta cách mục tiêu tiêu diệt khả năng quân sự và điều hành của Hamas còn rất xa. Chúng ta chưa hề tới gần mục tiêu đó".

Tuy nhiên, ông cho biết có thể đạt được chiến thắng quân sự nếu như bỏ qua tầm ảnh hưởng về xã hội, chính trị và kinh tế của Hamas.

Chiến dịch quét sạch

Chiến dịch quân sự của Israel đã tàn phá Gaza, khiến hơn 39.000 người thiệt mạng. Lực lượng Hamas bắt đầu tham chiến với 24 tiểu đoàn. Trong ngày 11/7, một nguồn tin quân đội Israel cho biết, 4 tiểu đoàn còn lại tại Rafah miền Nam Gaza, nơi Israel đã tập trung trong chiến dịch quân sự gần đây, đang "sắp bị loại bỏ".

Để đạt được mục tiêu chiến tranh của chính phủ Israel, IDF đã lên kế hoạch tổ chức chiến dịch 3 giai đoạn, bao gồm một chiến dịch không kích ban đầu, trước khi tổ chức chiến dịch tấn công trên bộ và kết thúc bằng chiến dịch quét sạch.

Kho tên lửa từng được đánh giá bao gồm từ 15.000 tới 30.000 tên lửa của Hamas cũng đã tổn thất nghiêm trọng. Israel ước tính ít nhất 13.000 tên lửa đã được phóng. Lực lượng này cũng đã tịch thu nhiều kho tên lửa khi truy quét các thành phố tại Gaza.

Kobi Michael, thành viên Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv INSS cho biết, Hamas không còn là một quân đội thể chế hóa với các đơn vị quân sự truyền thống, đầy đủ từ bộ phận sản xuất vũ khí, đến huấn luyện, tình báo, cũng như lực lượng không quân, hải quân và không gian mạng.

Michael cho biết: "Chúng ta cần phải tiếp tục chiến đấu cho tới khi Hamas không thể tái xây dựng".

Một nguồn tin liên quan tới Hamas cho biết, tổ chức này trong nhiều năm qua đã chuẩn bị cho tình huống phải thay đổi sang chiến thuật du kích để có thể tồn tại trong cuộc xung đột với Israel.

Nguồn tin này cũng cho biết, các hoạt động chủ chốt – bao gồm các xưởng sản xuất bom và vũ khí khác – vẫn đang vận hành. Một nguồn tin khác cũng cho biết nhiều lính mới vẫn đang tiếp tục tham gia lực lượng vũ trang Hamas. Việc áp dụng chiến thuật du kích đã cho phép Hamas giảm thiểu tổn thất tới mức tối đa.

Các chuyên gia và 2 nguồn tin liên quan tới Hamas cho biết, các tuyến đường hầm tiếp tục ngăn cản Israel đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas ngay cả khi phần lớn đã bị phá hủy hoặc kiểm soát.

Một cựu thành viên Hamas cho biết: "Họ xuất hiện từ trong một tuyến đường hầm, phá hủy một xe tăng, hoặc chuẩn bị cho một nhóm khác đánh úp, trước khi biết mất vào đường hầm và xuất hiện tại đường hầm khác".

Trong ngày thứ Hai, một quan chức quân đội Israel cho biết mặc dù nhiều cơ sở quân sự của Hamas đã bị phá hủy, bao gồm cả các tuyến đường hầm, quân đội Israel vẫn còn con đường dài phía trước.

 

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hamas-doi-chien-thuat-du-kich-tiep-tuc-ngan-can-israel-a612981.html