Đậu phụ là gì?
Đậu phụ đơn giản là sữa đông đậu nành. Nó được làm bằng cách đun nóng, tách và ép sữa đậu nành đặc thành những khối màu trắng dễ nhận biết mà nhiều người trong chúng ta gọi là đậu phụ. Quá trình này rất giống với quá trình làm phô mai.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Kristen Carli, cho biết, đậu phụ có nguồn gốc từ Trung Quốc hơn 2.000 năm trước và hiện có mặt trong nhiều món ăn châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan.
Ngày nay, đậu phụ xuất hiện trong hầu hết mọi phong cách thực phẩm. Loại thực phẩm từ thực vật này có hương vị nhẹ, dễ dàng kết hợp với các nguyên liệu khác, nên rất linh hoạt và ngày càng phổ biến trong nấu ăn.
Đậu phụ có nhiều tác dụng tốt với cơ thể. (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng của đậu phụ
Ngoài hương vị thơm ngon, nhẹ nhàng phù hợp với nhiều phong cách ẩm thực, đậu phụ còn là một nguồn dinh dưỡng dồi dào. Dưới đây là thông tin chi tiết về thành phần dinh dưỡng của đậu phụ, theo Cơ sở dữ liệu Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA):
Trong đậu hũ thô (100g) chứa:
Lượng calo: 144 calo
Chất đạm: 17g
Tổng lượng carbohydrate: 3g
Chất xơ: 2g
Chất béo: 9g
Chất béo bão hòa: 1g
Chất béo không bão hòa: 8g
Vitamin A: 166 đơn vị quốc tế (IU), 18% giá trị khuyến nghị hằng ngày (DV)
Canxi: 683 mg, 53% DV
Mangan: 1,2 mg, 51% DV
Đồng: 0,4 mg, 42% DV
Selen: 17 microgam (mcg), 32% DV
Phốt pho: 190 mg, 15% DV
Sắt: 2,7 mg, 15% DV
Magiê: 58 mg, 14% DV
Kẽm: 1,6 mg, 14% DV
Giá trị hàng ngày (DV) dựa trên nhu cầu trung bình của người trưởng thành đối với nam và nữ không có bệnh lý sẵn theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Ngoài những chất dinh dưỡng này, đậu phụ còn chứa nhiều loại hợp chất thực vật hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt là isoflavone đậu nành.
Đậu phụ có thể chế biến được nhiều món ngon. (Ảnh minh họa)
9 lợi ích sức khỏe của đậu phụ
Giàu dưỡng chất, loại protein có nguồn gốc thực vật này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích đáng chú ý nhất của đậu phụ:
Đậu phụ tăng cường sức khỏe đường ruột
Là một loại thực phẩm giàu chất xơ, đậu phụ có thể hỗ trợ tiêu hóa và sức khỏe đường ruột tổng thể. Chất xơ hỗ trợ quá trình tiêu hóa thông qua việc khuyến khích sự điều hòa chung, đồng thời hoạt động như một prebiotic để nuôi các vi khuẩn lành mạnh sống trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Một hệ vi sinh vật phát triển mạnh có liên quan đến việc tiêu hóa tốt hơn và sức khỏe đường ruột tổng thể mạnh mẽ hơn. Một đánh giá năm 2020 đã lưu ý rằng isoflavone đậu nành có tác dụng hỗ trợ niêm mạc ruột, giúp giảm viêm và tăng cường những lợi ích đường ruột.
Đậu phụ hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Chuyên gia Carli giải thích: “Đậu phụ cũng chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol, khiến nó trở thành một lựa chọn tốt cho tim mạch”. Quan trọng hơn, đậu phụ rất giàu chất béo không bão hòa có lợi cho tim, giúp giảm mức cholesterol trong máu, hỗ trợ thêm sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Đậu phụ hỗ trợ sức khỏe trao đổi chất
Protein, chất xơ và chất béo lành mạnh có trong đậu phụ đều có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến lượng đường trong máu tăng và giảm dần dần. Điều này hỗ trợ việc quản lý lượng đường trong máu tổng thể - một tác động có ý nghĩa đối với những người mắc chứng rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường tuýp 2. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc ăn đậu nành có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh này.
Đậu phụ có thể cải thiện sức khỏe miễn dịch
Đậu phụ rất giàu vitamin A, đồng, kẽm, selen và các hợp chất thực vật. Tất cả các vi chất dinh dưỡng này đều là chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm trong cơ thể và hỗ trợ chức năng miễn dịch tổng thể. Nhờ đó, nó cũng giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng.
Đậu phụ có hương vị dịu nhẹ, dễ kết hợp với nhiều thực phẩm khác. (Ảnh minh họa)
Đậu phụ xây dựng và sửa chữa các mô khỏe mạnh
Đậu phụ độc đáo ở chỗ nó là một loại protein hoàn chỉnh có nguồn gốc thực vật, nghĩa là chứa tất cả các axit amin thiết yếu.
Hàm lượng protein này giúp xây dựng và sửa chữa hầu hết các mô trên khắp cơ thể, bao gồm cơ, tóc, móng tay... Ngoài ra, chất sắt trong đậu phụ còn hỗ trợ quá trình sản xuất huyết sắc tố trong hồng cầu để cung cấp oxy đến các tế bào.
Đậu phụ giúp xương chắc khỏe
Không chỉ chứa canxi, đậu phụ còn có những chất dinh dưỡng khác hỗ trợ sự phát triển xương khỏe mạnh và mật độ khoáng của xương.
Đậu phụ tăng cường sức khỏe não bộ
Một số nghiên cứu thú vị thậm chí còn liên kết việc tiêu thụ isoflavone đậu nành với sức khỏe não bộ tốt hơn. Một phân tích tổng hợp năm 2020 đã chỉ ra mối liên hệ giữa chất thực vật có trong đậu nành với việc cải thiện chức năng nhận thức ở người lớn. Nghiên cứu khác năm 2018 cho thấy việc tiêu thụ đậu phụ và isoflavone đậu nành có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ có thai.
Đậu phụ có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh
Các isoflavone đậu nành trong đậu phụ cũng có liên quan đến việc cải thiện các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ.
Đậu phụ tăng cường sức khỏe của mắt
Đậu phụ cũng có thể giúp giữ cho sức khỏe của mắt ở trạng thái tốt nhất nhờ giàu vitamin A. Loại vitamin tan trong chất béo này đóng một vai trò quan trọng đối với một số yếu tố của sức khỏe tổng thể của mắt.
Ai nên tránh ăn đậu phụ?
Mặc dù những lợi ích sức khỏe trên đã được chứng minh rõ ràng nhưng vẫn còn rất nhiều tin đồn liên quan đến đậu phụ, vậy có ai cần tránh ăn món này?Các nghiên cứu phần lớn đã bác bỏ những lời đồn rằng đậu nành có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, các vấn đề về tuyến giáp, lo ngại về khả năng sinh sản, mất cân bằng nội tiết tố... Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên kiểm tra với bác sĩ nếu bạn lo ngại về đậu phụ và bất kỳ tình trạng nào tồn tại từ trước.
YÊN MINH