"Càng giảm được tiêu thụ thì càng tốt"
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia.
Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng thuế này theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
Chia sẻ quan điểm dưới góc độ bảo vệ sức khỏe, TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ủng hộ việc đánh thuế cao hơn.
“Đánh thuế cao sẽ có tác dụng làm giảm sử dụng, khi giảm sử dụng rượu bia thì cũng là bảo vệ sức khỏe cho người dân. Quan điểm chung là càng giảm được tiêu thụ thì càng tốt”, ông Khoa chia sẻ.
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, bản chất của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng một cách công bằng, hợp lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Đồng thời, thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có hại cho sức khỏe và an ninh trật tự xã hội như rượu, bia, thuốc lá.
"Rượu, bia là các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong xã hội, tuy nhiên lại là các mặt hàng có hại cho sức khỏe, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe con người, an ninh trật tự xã hội. Trong thời gian qua có rất nhiều các vụ việc xảy ra liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Vì thế, Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm soát một cách tập trung, chặt chẽ đối với loại hàng hóa này", LS. Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, LS. Hùng cũng chỉ ra những lưu ý khi điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, đó là phải luôn hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước ổn định, bền vững; đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.
Ông Hùng nhấn mạnh, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn chỉ là biện pháp tạm thời, Nhà nước cần có những biện pháp mạnh tay hơn để thay đổi nhận thức cũng như thói quen tiêu dùng bia rượu của người dân.
LS. Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) chỉ ra rằng, việc Bộ Tài chính áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất là hạn chế, giảm thiểu tình trạng uống rượu, bia quá mức. Thứ hai là tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
"Các nước đều có rượu bia, chứ không phải là phát minh khoa học. Nếu uống rượu bia vừa phải thì là thuốc, nhưng nếu uống quá nhiều chắc chắn sẽ là chất độc", Luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.
Xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng
Chia sẻ về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhận định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn là một giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia có hại, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông cũng lưu ý rằng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng, nhất là về tác động đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.
"Theo tôi, trước khi tăng thuế, cần phải đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu nền kinh tế vẫn phát triển ổn định, thu nhập người dân tăng lên thì việc tăng thuế sẽ không quá ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.
Nhưng nếu kinh tế gặp khó khăn, thu nhập của người dân chưa được cải thiện thì tăng thuế có thể sẽ gây ra áp lực lớn, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp", ông Phạm Văn Hòa phân tích.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng lưu ý đến tác động của việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn. Ông cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, ưu đãi để các doanh nghiệp này có thể điều chỉnh, thích ứng với chính sách mới.
Ma Thị Kim Thoa/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-nham-giam-tinh-trang-uong-ruou-bia-qua-muc-a613037.html