Xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Vẫn băn khoăn về xác định thiệt hại, bị hại

Sau phần đối đáp của đại diện VKS, các luật sư cho biết họ vẫn còn nhiều băn khoăn về cách xác định người bị hại và thiệt hại trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết.

Tranh cãi về cách tính bị hại, thiệt hại

Ngày 29/7, đại diện VKS đã có phản biện về cơ sở xác định thiệt hại cũng như danh sách bị hại trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan. 

VKS cho biết, đến nay vụ án có 133 bị hại có đơn yêu cầu bồi thường. Qua rà soát lại hơn 30.000 bị hại thì đã xác định lại có hơn 25.000 bị hại (do trùng tên) như luật sư đề cập.

"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ tiền thật (với 30.403 tài khoản chứng khoán) để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", đại diện VKS nói và cho biết đây là căn cứ để xác định họ là bị hại của vụ án.

Xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Vẫn băn khoăn về xác định thiệt hại, bị hại- Ảnh 1.

Luật sư bào chữa của ông Quyết cho rằng, rất ít người bị hại thoả mãn điều kiện theo tiêu chí đưa ra.

Cơ quan tố tụng cho hay, trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS (giá trị 4.300 tỷ đồng) được niêm yết trên sàn chứng khoán thì Faros chỉ có gần 1.200 tỷ đồng là vốn góp thực, hơn 3.100 tỷ đồng là vốn góp khống.

VKS cũng khẳng định, hơn 391 triệu cổ phiếu được bán cho nhà đầu tư và đã gây thiệt số tiền trên nên việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng đến vụ án.

Đối đáp sau đó, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (đại diện cho nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết) đánh giá cao việc VKS đã xác định lại số bị hại thấp hơn so với cáo trạng trước đó. Tuy nhiên, bà Yến vẫn nêu nhiều băn khoăn "chưa được giải đáp" trong các luận cứ đưa ra.

Đặc biệt, trong danh sách 30.000 bị hại được lập ra, mới chỉ có gần 40% nhà đầu tư tiếp cận với các cơ quan tố tụng để nói lên ý kiến của mình. Trong số đó, nhiều người không có yêu cầu bồi thường và những ý đó cũng chưa VKS phản hồi. Tại sao VKS lại đưa ra 2 tệp bị hại, giữa tệp 133 bị hại và tệp30.000 người có gì khác nhau vẫn chưa được làm rõ.

Bà Yến lý giải thêm, trong 133 bị hại theo tiêu chí tại bút lục 549.142 (về tiêu chí xác định bị hại) thì bị hại sẽ phải đáp ứng các điều kiện là: Mua cổ phiếu ROS từ F0 (từ tài khoản của Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu) và chưa bán hoặc bán ít hơn tổng số đã mua.

"Tôi nhấn mạnh là còn dư nhưng phải còn dư cổ phiếu F0 mua từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông. Vậy còn vấn đề nữa trong bút lục là tiêu chí để xác định thiệt hại là giá trị cổ phiếu F0 còn dư.

Vậy có nghĩa rằng, theo danh sách 133 bị hại thì tất cả những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu F0 thì mới chỉ đáp ứng được tiêu chí đầu tiên. Nếu như các nhà đầu tư đã bán hoặc không còn dư cổ phiếu F0 trong tài khoản sẽ không đáp ứng tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại", bà Yến lập luận.

"Một điểm nữa, trong tài liệu gửi đến HĐXX là biên bản làm việc giữa CQĐT, VKS và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tại trang 18 xác định chỉ có 200 tài khoản còn dư cổ phiếu F0. Vì thế chúng tôi xin đưa ra các ý kiến và phân tích, đề nghị HĐXX xem xét lại các tiêu chí mà VKS đang dùng để xác định bị hại là gì?", nữ luật sư đề nghị.

Làm sao tính toán bồi thường cho bị hại?

Bên cạnh đó, luật sư Vũ Đặng Hải Yến còn bày tỏ băn khoăn vì đến nay cơ quan tố tụng vẫn chỉ có một danh sách "chờ", thì các bị hại làm thế nào để nhận lại phần bồi thường từ hơn 3.600 tỷ đồng mà VKS cáo buộc.

Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Hồng Phúc nhấn mạnh việc xác định đúng bị hại và số tiền chiếm đoạt là "cực kỳ quan trọng". Vì điều đó liên quan đến khung, khoản của luật, liên quan đến trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của các bị cáo.

Đến nay, VKS xác định hơn 3.000 tỷ đồng là số tiền chiếm đoạt. Tòa án sẽ phải lập danh sách để xem mỗi bị hại được bao nhiêu tiền, nếu số tiền này không được làm rõ thì khi tuyên trả sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.

Xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Vẫn băn khoăn về xác định thiệt hại, bị hại- Ảnh 2.

Luật sư Trần Hồng Phúc.

Việc xác định tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rõ ràng. Tuy nhiên, việc xác định chính xác phần chiếm đoạt để từ đó xử lý trách nhiệm hình sự với Trịnh Văn Quyết và đồng phạm là rất quan trọng, bởi, từ đó sẽ cá thể hóa trách nhiệm và mức án phạt với các bị cáo.

Bà Phúc cũng đề xuất HĐXX xem xét trong số tiền 3.102 tỷ đồng mà bị cáo Quyết đã chiếm đoạt là tiền hưởng lợi không ngay tình (hưởng lợi không đúng pháp luật) đương nhiên vẫn là hành vi vi phạm và phải xử lý. Do đó, luật sư cho rằng số tiền phải nộp cho Ngân sách nhà nước và vẫn đạt được yêu cầu trong việc xử lý trách nhiệm của bị cáo đối với hành vi gây ra.

"Tài sản còn lại của Trịnh Văn Quyết hoàn toàn khả thi trong việc khắc phục hậu quả. Đã có những đối tác sẵn sàng mua lại như quan điểm của bị cáo", luật sư Phúc nói và đề nghị HĐXX xem xét thêm về việc xử lý gỡ bỏ phong toả tài sản đang bị kê biên của Trịnh Văn Quyết.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phần đối đáp, HĐXX cho biết sẽ xem xét, đánh giá trong thời gian nghị án. Bản án chính thức sẽ được tuyên vào chiều thứ Hai, ngày 5/8/2024.

Đặng Ngọc Thuỷ/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xet-xu-ong-trinh-van-quyet-van-ban-khoan-ve-xac-dinh-thiet-hai-bi-hai-a613083.html