Thủ tướng: Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả” trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, các bộ liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện và ban hành Thông báo Kết luận của Hội nghị quan trọng này để thống nhất triển khai.

Thủ tướng: Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: VGP).

Đồng tình với các báo cáo, ý kiến đánh giá về những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này như quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa chưa được triển khai mạnh mẽ; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ.

Thủ tướng: Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật- Ảnh 2.

Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV (Ảnh: VGP).

Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Nhất là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.

Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc có cảm xúc với tinh thần vì nước, vì dân, với tư duy, phương pháp luận phù hợp tình hình mới, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công rõ ràng nhưng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.

Nguyễn Thu Huyền/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thu-tuong-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-a613125.html