Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông nhằm hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
Dự thảo quy định cụ thể các hình thức tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông gồm: Kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát công khai; tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
3 hình thức tuần tra, kiểm soát
Kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát
Theo dự thảo, hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là Hệ thống giám sát) được trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính và quy định của Bộ Công an về tiêu chuẩn, quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ Hệ thống giám sát.
Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 24 Thông tư này.
Tuần tra, kiểm soát công khai
Thứ nhất, tuần tra, kiểm soát cơ động.
Cán bộ Cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Thứ hai, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
Thứ ba, tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ tư, khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau: Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này; Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công; Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư này.
Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang: Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 2 Điều này. Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:
Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều này quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
4 trường hợp được huy động Công an xã phối hợp tuần tra, kiểm soát giao thông
Cụ thể, Bộ Công an đã đề xuất 04 trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân (trong đó có Công an xã) phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm:
Một là, trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.
Hai là, các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ba là, khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.
Bốn là, trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Việc huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân trong những trường hợp nêu trên phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
- Tuân thủ theo quy định tại Luật Công an nhân dân 2018, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, Dự thảo Thông tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bảo đảm đúng tuyến đường, địa bàn, thời gian đã đề ra trong kế hoạch. Việc xử lý vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.
- Việc huy động lực lượng khác tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ và chỉ trong trường hợp cần thiết. Việc phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.
Theo đó, các lực lượng khác trong Công an nhân dân phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có những nhiệm vụ như sau:
- Bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch;
- Xử lý vi phạm theo thẩm quyền; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch;
- Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông.
Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.
Khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; sử dụng ô (dù); chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông, tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 13, Điều 14, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Dự thảo Thông tư.
Đồng Xuân Thuận/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-xuat-moi-ve-tuan-tra-kiem-soat-cong-khai-ket-hop-voi-hoa-trang-cua-csgt-a613171.html