Thẩm quyền kê phiên, gỡ phong toả?
Phiên toà xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán với ông Trịnh Văn Quyết và 49 người liên quan đang trong thời gian nghị án. Chiều ngày 5/8, TAND Tp.Hà Nội sẽ chính thức tuyên án với các bị cáo.
Trong 8 ngày diễn ra phiên tòa trước đó, ông Trịnh Văn Quyết cùng nhiều luật sư (gồm luật sư bào chữa cho ông Quyết và người bào chữa cho bị cáo khác) nhiều lần đề nghị HĐXX gỡ phong tỏa tài sản cá nhân để ông Quyết sớm khắc phục hậu quả.
Vậy quy định pháp luật liên quan đến phong tỏa, gỡ phong tỏa tào sản cụ thể ra sao? Cơ sở nào để HĐXX gỡ phong tỏa tài sản? Việc bị cáo được gỡ phong tỏa, khắc phục thêm hậu quả có tác động chung đến vụ án thế nào?
Theo dõi vụ án này, luật sư Trần Thị Hậu (Công ty luật FDVN, Đoàn luật sư Tp.Đà Nẵng) cho biết, kê biên tài sản là một trong các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Biện pháp này này chỉ áp dụng đối với bị can hoặc bị cáo khi bị cáo buộc các tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản, hoặc để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại.
Theo quy định, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra,Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản.
Theo quy định, chỉ được kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản.
Đồng thời, Điều 130 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rằng, biện pháp kê biên tài sản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; bị cáo được Tòa án tuyên không có tội; bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, có thể do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết. Như vậy, đối với vụ án trên, Chủ toạ phiên toà là người có thẩm quyền quyết định giữ hoặc huỷ phong tỏa kê biên.
Rút ngắn thời gian, không cần qua thi hành án
Cũng theo luật sư Hậu, trường hợp bị cáo được gỡ lệnh kê biên và dùng tài sản đó để khắc phục hậu quả sẽ giúp bồi thường thiệt hại nhanh hơn cho bị hại mà không cần phải qua giai đoạn thi hành án sau này. Qua đó, bảo vệ kịp thời được quyền lợi của bị hại.
"Đối với bị cáo, trong quá trình khởi tố, truy tố và xét xử mà bị cáo thực hiệc việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ được hưởng một tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 là "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả", luật sư Hậu nói.
Từ đó, HĐXX có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này khi định lượng hình phạt đối với bị cáo theo các quy định pháp luật.
Trước đó tại toà, luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần tỏ thái độ mong muốn khắc phục hậu quả và khẳng định có khả năng khắc phục.
Trong trường hợp được gỡ phong tỏa và ông Quyết khắc phục được toàn bộ hậu quả sẽ là tình tiết quan trọng tác động đến toàn bộ vụ án, các bị cáo sẽ được xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
"Trước đó ông Quyết cũng được tạo điều kiện bán hãng hàng không Bamboo Airways dưới sự chứng kiến, giám sát của cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả cho tội Thao túng thị trường chứng khoán. Việc gỡ phong toả để bị cáo tự nguyên khắc phục hậu quả cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật với các bị cáo", luật sư Phúc nêu ý kiến.
Đặng Ngọc Thuỷ/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-ong-trinh-van-quyet-quy-dinh-go-phong-toa-tai-san-the-nao-a613230.html