Trước đó, Người Đưa Tin đã có bài viết “Hà Nội: Ngang nhiên đổ phế thải lấp hồ tại phường Yên Sở” phản ánh tình trạng một số cá nhân có hành vi sử dụng chất thải xây dựng san lấp hàng nghìn mét vuông ao hồ tại khu vực X2A thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của lãnh đạo phường Yên Sở đang có dấu hiệu bị buông lỏng, khiến một số vi phạm có cơ hội phát sinh.
Bài viết nhận được sự quan tâm của dư luận và người dân sinh sống trên địa bàn và cho biết phần ao hồ tại khu vực X2A vẫn đang được tiến hành san lấp. Cũng theo người dân, hoạt động này diễn ra cấp tập và nhanh chóng hơn thời điểm trước dù việc đổ thải san lấp ao hồ trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng không thấy các cơ quan chức năng sở tại tiến hành ngăn chặn.
Để làm rõ nội dung mà người dân phản ánh, đầu tháng 6, PV đã có mặt để ghi nhận tình trạng trên.
Theo quan sát của PV, việc người dân thông tin về tình trạng san lấp ao hồ diễn ra ồ ạt là có cơ sở. Chỉ ít phút ghi hình, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều người và phương tiện hoạt động. Loạt xe ô tô liên tục trút hàng chục tấn chất thải xây dựng xuống để san lấp, bên cạnh là một máy xúc đang san gạt tạo mặt bằng.
Số lượng các xe ô tô, xe tự chế về đây đổ thải trong ngày rất lớn nên hàng đống chất thải vẫn ngổn ngang trong khu vực này do máy xúc chưa kịp san gạt xuống phần mặt nước. So sánh với hồi đầu tháng 4, phần lớn mặt nước tại khu vực này đã biến mất, thay vào đó là một mặt bằng rộng hàng nghìn mét được hình thành.
Nhận thấy tình trạng san lấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, PV đã chuyển thông tin trên cho một số lãnh đạo quận Hoàng Mai. Sau đó, nhiều lãnh đạo phường Yên Sở đã liên hệ với PV nhằm trao đổi thông tin liên quan dù trước đó, chúng tôi đã gửi giấy giới thiệu làm việc nhiều ngày mà không nhận được phản hồi.
Tiếp PV tại UBND phường Yên Sở là bà Chử Thị Kim Anh - Phó Chủ tịch UBND phường. Khi PV bắt đầu trao đổi về những nội dung mà người dân phản ánh, bà Kim Anh yêu cầu không được ghi âm, ghi hình dù đây là buổi làm việc công khai và có mặt của một cán bộ phụ trách địa chính phường Yên Sở.
Sau đó, bà Chử Thị Kim Anh cho biết, đối với vi phạm lấp ao hồ, bà Kim Anh thông tin rằng, UBND phường cũng đã có biện pháp kiểm tra và cho máy xúc hết lên. “Chúng tôi cương quyết xử lý chứ không phải vì báo chí nêu ra mới làm”. Khi PV phản ánh vẫn còn hiện tượng vi phạm, theo bà Kim Anh việc diễn ra vào ban đêm nên khó cho công tác xử lý.
PV cung cấp hình ảnh san lấp ao hồ diễn ra công khai giữa ban ngày thì vị này nói: “Tôi biết hết không cần phải cho xem. Đây là trách nhiệm của tôi, tôi phải làm đến cùng sẽ xử lý nghiêm trường hợp này. Hiện UBND phường đã có biện pháp ngăn chặn, phải có chốt chặn và cũng đã gửi công văn sang Công an, phải làm hết trách nhiệm của mình không thể để như thế được, mình rất công bằng minh bạch không khuất tất gì”.
Liên quan đến khắc phục hậu quả, bà Kim Anh nói, việc khắc phục hậu quả cán bộ chuyên môn sẽ phải làm cùng với Công an kinh tế. Về việc cả một diện tích hàng nghìn mét mặt nước bị san lấp nhưng sao tại một số biên bản được xác lập trong quá trình kiểm tra chỉ có khoảng 1000kg chất thải bà Kim Anh cho rằng số lượng bao nhiêu… đo là ra.
PV đề nghị được xin tài liệu có liên quan đến việc xử lý lấp ao hồ, TTXD thì vị này không đồng ý và cũng không cho chúng tôi sao chụp tài liệu.
Theo ghi nhận, không chỉ khu vực ao hồ trên bị san lấp, ngay sát tuyến đường Đỗ Mười, một diện tích kho bãi rất lớn hoạt động suốt ngày đêm cũng có dấu hiệu được hình thành nên từ việc san lấp ao hồ. Hiện khu vực này diễn ra hoạt động vận chuyển hàng hoá và kho bãi với rất nhiều các phương tiện. Kho bãi này cách UBND phường Yên Sở vài trăm mét nhưng vẫn "vô tư" hoạt động, khiến dư luận cho rằng các cơ quan chức năng đang làm ngơ cho vi phạm.
Ngoài ra, bà Kim Anh cũng trao đổi về tình trạng lấn chiếm đất công xây dựng nhà hàng, quán ăn ngay sát đường vành đai 3 đã giải tỏa hết. Phần đất công đã được xử lý, vị này nhấn mạnh, còn lại đất xây dựng nhà hàng quán bia là đất của gia đình và là đất giãn dân…
Trả lời việc một số trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động tại bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường Yên Sở, bà Kim Anh thẳng thắn cho hay "trên địa bàn đó có 02 đơn vị được TP Hà Nội giao đất và họ được phép làm”.
Nói về 05 trạm trộn bê tông nằm trong danh sách phải di dời của Hạt quản lý Đê điều Hoàng Mai, vị Phó Chủ tịch phường cho hay “Các trạm trộn này nó khác vì trước đây nó được cấp phép, trong văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội cũng có nói giữ nguyên hiện trạng”.
PV sau đó xin văn bản của Sở Xây dựng để xác định nội dung bà Kim Anh nói thì bị từ chối.
Những kho xưởng hoạt động tại đây không chỉ có dấu hiệu xây dựng trái phép mà còn không đảm bảo PCCC, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cửa ra vào khu vực kho này nằm ngay ngã tư với mật độ phương tiện vô cùng đông đúc, nhiều người lo ngại tình trạng mất an toàn giao thông tại đây.
Trước tình trạng vi phạm về đất đai, TTXD, TTĐT tại phường Yên Sở, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý của người đứng đầu và người phụ trách trong lĩnh vực đất đai, TTXD, TTĐT trền địa bàn phường Yên Sở. Qua đó, thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc xử lý vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu.
Theo Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trong đó nêu rõ "Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra sai phạm"
Cụ thể: Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Chỉ thị 14 nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, hàng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Vũ Ngọc Tân/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-do-phe-thai-lap-ho-tai-ha-noi-lanh-dao-phuong-noi-toi-biet-het-a613231.html