Từ 1/7/2025, thời điểm hưởng lương hưu quy định thế nào?

Từ ngày 1/7/2025, thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Thời điểm nhận lương hưu đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

e) Dân quân thường trực;

g) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

h) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

i) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

l) Đối tượng quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây: Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động; Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Căn cứ Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời điểm hưởng lương hưu như sau: Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản của người sử dụng lao động xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác định việc chấm dứt làm việc.

Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản đề nghị của người lao động.

Từ 1/7/2025, thời điểm hưởng lương hưu quy định thế nào?- Ảnh 1.

Thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (ảnh minh họa).

Thời điểm nhận lương hưu đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện

Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời điểm hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:

Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Căn cứ đóng BHXH để hưởng lương hưu

Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định.

Đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

 

Tuệ Minh/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-172025-thoi-diem-huong-luong-huu-quy-dinh-the-nao-a613351.html