Sẵn sàng các phương án chống ùn ứ đăng kiểm dịp cuối năm

Theo Cục Đăng kiểm, khi các vụ án đăng kiểm ở các tỉnh/thành trên cả nước xét xử xong, các bản án có hiệu lực pháp luật, sẽ dẫn tới nguy cơ ùn tắc đăng kiểm.

Ngày 9/8, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, với mục tiêu cao nhất không để tái diễn tình trạng ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới như cuối 2022, đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện hàng loạt giải pháp, theo dõi sát tình hình, thông tin dự báo, chuẩn bị các kịch bản, kịp thời nhằm thời ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống xảy ra.

Hiện trên toàn quốc hiện có 275/295 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định. Hoạt động kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm đã trở lại bình thường, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp. 

Kết quả này cũng là minh chứng thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, Bộ GTVT tới các cơ quan quản lý tại địa phương đã lên kế hoạch phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Qua đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng xin gửi lời cảm ơn tới các cơ quan tố tụng trên cả nước đã bố trí lịch xét xử các vụ án tiêu cực về đăng kiểm một cách hợp lý, khoa học, tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân thay đổi nhận thức về hoạt động kiểm định xe cơ giới, chủ động kiểm định xe sớm và linh hoạt tại các nơi chưa có tình trạng ùn ứ đồng thời chủ động sửa chữa hư hỏng trước khi kiểm định, tra cứu và nộp phạt nguội để tạo thuận lợi cho công tác kiểm định, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới khi các cơ quan tố tụng kết thúc xét xử và ban hành bản án, dự báo sẽ có nhiều đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ và nhiều Trung tâm đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Theo dự báo thì số lượng phương tiện kiểm định sẽ giảm mạnh trong tháng 8/2024 (tháng 7 Âm lịch) nhưng sẽ gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm, đặc biệt khi trùng với thời điểm có hiệu lực các bản án của Tòa án sẽ dẫn tới ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Cụ thể theo báo cáo sơ bộ, tại Hà Nội có tới 55% đăng kiểm viên bị khởi tố và con số này tại TP.HCM là khoảng 40%.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi các vụ án đăng kiểm ở các tỉnh/thành trên cả nước xét xử xong, các bản án có hiệu lực pháp luật, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm hiện hữu.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp quan trọng hiện nay là sửa quy định tại Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Hiện, Bộ GTVT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo hướng: Tạm thời không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề; Không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.

Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Sở GTVT tại một số địa phương (Hà Nội và TP.HCM) trao đổi, làm việc với Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Xe - Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) để chuẩn bị phương án tăng cường lực lượng trong tình huống xấu nhất để đảm bảo duy trì hệ thống kiểm định phục vụ nhu cầu kiểm định chính đáng của người dân và doanh nghiệp./

Nguyễn Lâm/Đời sống pháp luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/san-sang-cac-phuong-an-chong-un-u-dang-kiem-dip-cuoi-nam-a613518.html