Cơ chế mua tin được nhiều nước áp dụng
VnExpress đưa tin, Dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an lấy ý kiến, trong đó đề xuất trích lại cho ngành 70-85% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và 30% từ đấu giá biển số xe.
Theo dự thảo này, ngoài lực lượng công an, các cơ quan khác được sử dụng từ 15-30% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông, gồm: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Giao thông Vận tải, HĐND và UBND các tỉnh, thành; Ban An toàn giao thông cấp tỉnh và huyện; lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự.
Bộ Công an, lực lượng tham gia đảm bảo an toàn giao thông thuộc ngành công an, được sử dụng kinh phí trích lại từ tiền đấu giá biển số xe. Trong đó, khoản trích lại từ tiền phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe được lực lượng công an dùng để hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Số tiền trích lại từ xử phạt vi phạm giao thông được dùng chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đảm bảo an toàn giao thông. Trong các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gia đình có người tử vong được hỗ trợ đến 10 triệu đồng; người bị thương nặng được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an toàn giao thông ban đêm được hỗ trợ 200.000 đồng/người/ca, tối đa không quá 10 ca mỗi tháng. Người làm nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, được bồi dưỡng 100.000 đồng/ca/người; số ca tối đa được hỗ trợ ở mỗi thành phố khác nhau, trong đó Hà Nội và TP.HCM được tối đa 15 ca/tháng.
Ngành công an cũng sẽ chi mua tin phục vụ xử lý vi phạm giao thông bằng 10% tổng số tiền phạt nhưng không quá 5 triệu đồng. Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi khác như xây dựng văn bản pháp luật, khảo sát chính sách, thống kê và số hóa dữ liệu an toàn giao thông…
Được biết, ý tưởng trả tiền mua tin vi phạm giao thông từng được Cục Cảnh sát giao thông nêu hồi tháng 4/2022. Đơn vị này cho biết sẽ đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video đó vì không thể nơi nào cơ quan chức năng cũng có camera theo dõi.
Người dân có thể gửi clip tự quay hay trên camera hành trình trên xe mình tới Cảnh sát giao thông, Bộ Công an. Cục sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin đó để xác minh và xử lý. Cơ chế mua tin này được nhiều nước áp dụng như Mỹ, Hàn Quốc…
Ý kiến của chuyên gia
Theo báo Thanh Niên, lâu nay việc kêu gọi toàn dân tham gia cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế chi tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin ít được sử dụng, nếu có chỉ là số ít.
Đề xuất của Bộ Công an hiện đang nhận được sự quan tâm. Đây cũng là lần đầu tiên cơ chế chi tiền để mua tin hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin về trật tự an toàn giao thông chính thức được đề xuất trong một văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng thống nhất trên cả nước.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho hay, việc tiếp nhận thông tin phản ánh về trật tự an toàn giao thông từ người dân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông đã và đang thực hiện, được quy định tại các thông tư của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông nhưng đều chưa có cơ chế trả tiền để mua tin.
Với đề xuất tại dự thảo nghị định, việc này sẽ góp phần động viên, khích lệ người dân hưởng ứng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lên án các hành vi vi phạm để lực lượng chức năng kịp thời xử lý.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kỳ vọng, việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ giúp người dân "nhiệt tình" tố giác hơn, đồng thời cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông đòi hỏi phải bỏ thời gian, công sức, thậm chí là trang thiết bị để đảm bảo chất lượng của thông tin. Vì thế, số tiền chi trả hoặc thưởng từ cơ quan chức năng dù không nhiều nhưng cũng là nguồn khích lệ đáng kể đối với họ.
"Không phải chúng ta dùng đồng tiền để kêu gọi tố giác, người dân cũng không phải vì đồng tiền mới cung cấp thông tin; mục đích lớn nhất là động viên để người dân tích cực tham gia, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông, rất nhiều lợi ích", TS Khương Kim Tạo nói.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Công Tâm - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng xưa nay dù không có tiền thì người dân vẫn cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông; việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền nếu có thì ý nghĩa chính là động viên, khích lệ.
Theo luật sư Hà Công Tâm, lực lượng cảnh sát giao thông không phải lúc nào cũng có mặt mọi thời điểm, mọi tuyến đường, nếu đông đảo người dân tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin thì đây sẽ là một kênh rất hữu ích nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm.
"Với việc giám sát của người dân, tài xế cũng nâng cao ý thức hơn, bởi lúc nào cũng có "tai mắt" giám sát, nếu vi phạm sẽ bị phát hiện ngay lập tức", luật sư Hà Công Tâm nói.
Chia sẻ trên VOV, chuyên gia giao thông - TS Phan Lê Bình cũng cho rằng đề xuất mua tin tố giác vi phạm giao thông là một đề xuất hay. “Cá nhân tôi cũng có những lần trích xuất camera trên thiết bị giám sát hành trình để lấy thông tin về vi phạm gửi cho cơ quan chức năng. Nhưng thực sự sau đó, tôi không biết nó có được xử lý để ra quyết định xử phạt hay không”, ông nói.
Theo TS Phan Lê Bình, khi Bộ Công an đưa ra đề xuất có tiền thưởng cho các thông tin đóng góp của người dân như vậy, một mặt điều này khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm giao thông.
Mặt khác, ông cho rằng điều đó có ý nghĩa tích cực hơn nữa, đó là cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xử lý đầy đủ, đến nơi đến chốn các thông tin tố giác ấy, nâng cao hiệu quả hoạt động xử phạt.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm: “Ở đây, có mức thưởng cao nhất là 5 triệu đồng thì không nhất thiết các tin tố giác đều được trả mức như vậy. Tôi nghĩ 100.000 - 200.000 đồng tùy nội dung đã đủ để khuyến khích rồi.
Nếu nội dung này được đưa vào áp dụng, tôi cho rằng, với hàng triệu xe được lắp camera giám sát như hiện nay, sẽ tạo ra quá trình giám sát giao thông do toàn dân thực hiện, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi ô tô”.
Cơ chế trả tiền, thưởng tiền cho người cung cấp tin như thế nào?
Theo ý kiến của TS. Khương Kim Tạo, cần xây dựng các tiêu chí đối với thông tin cung cấp, chỉ thông tin nào đủ điều kiện thì mới được chi tiền hoặc thưởng.
Ví dụ, với một thông tin do người dân cung cấp, lực lượng CSGT xác minh, xử lý thành công thì người cung cấp tin sẽ được trả tiền theo phần trăm số tiền người vi phạm bị xử phạt. Đồng thời, việc chi tiền cũng nên có "mức sàn" và "mức trần", không thể tịnh tiến không giới hạn theo số tiền xử phạt.
Trong khi đó, luật sư Hà Công Tâm cho rằng nên có sự chọn lọc đối với thông tin được trả tiền hoặc thưởng, tránh việc áp dụng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến ngân sách.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tính toán đến khả năng xảy ra tình trạng "đua nhau" ghi hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, thậm chí tìm mọi cách để có được thông tin nhằm hưởng khoản tiền chi trả, dẫn tới nguy cơ xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật lại chia sẻ, đề xuất của Bộ Công an mới là dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận ý kiến của người dân, cơ quan, bộ, ngành để có sự tiếp thu, điều chỉnh hợp lý.
Nếu như đề xuất được thông qua thì đây sẽ là "bộ khung pháp lý" để thực hiện cơ chế trả tiền mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết về cơ chế chi trả.
Về nguyên tắc, yêu cầu đối với thông tin cung cấp để được trả tiền hoặc thưởng tương tự với các quy định về tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến trật tự an toàn giao thông đang áp dụng hiện nay.
Điển hình như thông tin phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt; cơ quan tiếp nhận có thể thực hiện giám định thông tin trong trường hợp cần thiết.
Hoặc tổ chức, cá nhân phải có tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin cung cấp. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin…
Theo Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, quy trình tiếp nhận thông tin sẽ được áp dụng tối đa yếu tố công nghệ thông tin.
Ngoài việc tiếp nhận qua cổng thông tin điện tử, đường dây nóng hoặc trang Facebook, Zalo… như hiện nay, Bộ Công an dự kiến xây dựng một ứng dụng (app) để thống nhất đầu mối tiếp nhận thông tin trên toàn quốc.
Khi người dân gửi thông tin vào ứng dụng này, cơ quan quản lý sẽ phân công cho công an các tỉnh, huyện theo thẩm quyền và địa bàn, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý diễn ra kịp thời.
Đinh Kim (T/h)/Đời sống Pháp luật