Viêm phổi, viêm màng não – bệnh nặng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi

Viêm phổi và viêm màng não thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao, do đó cần chủ động phòng ngừa.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi, viêm màng não cao nhất. Trẻ ở độ tuổi này có hệ miễn dịch non yếu, một số mũi vaccine chưa đến tuổi tiêm ngừa dẫn tới miễn dịch chưa hoàn thiện. Nguy cơ mắc viêm phổi, viêm màng não tăng cao ở những trẻ sinh non, suy dinh dưỡng hoặc ở các em bé không bú sữa mẹ dẫn đến không nhận được kháng thể phòng bệnh từ mẹ. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, tràn mủ màng phổi, viêm màng não, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng tim, trụy tim.

Ví dụ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận trường hợp bé VA (2,5 tháng tuổi) mệt, thở khò khè, bú kém 3 ngày nhưng gia đình chần chừ đưa nhập viện vì nghĩ bé chỉ mắc bệnh thông thường. Bé được đưa đi cấp cứu khi tình trạng chuyển biến nặng, lừ đừ, khó thở, thở lõm ngực, tím tái. Tại bệnh viện, bé được chụp X-quang cho thấy phổi có tổn thương, viêm phổi nặng, có dấu hiệu suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Bé được điều trị kháng sinh, xuất viện sau 7 ngày điều trị và tiếp tục theo dõi tại nhà.

Một trường hợp khác là bé LA (7 tháng tuổi) sốt cao 39-40,5 độ, mệt, lừ đừ, nôn, bỏ bú, thóp phồng. Bệnh nhi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn. Bé được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch kết hợp dùng thuốc, xuất viện sau 14 ngày điều trị. Bác sĩ cho biết bé đến viện kịp thời, đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, không để lại biến chứng. Nếu đến viện trễ hơn, bé có thể sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy, phẫu thuật, nguy cơ để lại biến chứng cao.

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ảnh: RACGP

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi, viêm màng não ở trẻ. Đối với viêm phổi, các tác nhân phổ biến gồm virus cúm, sởi, thủy đậu; vi khuẩn phế cầu, ho gà, Haemophilus influenzae týp B (Hib). Trong đó, viêm phổi do Hib thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng như sốt, ho và có đờm mủ. Viêm phổi cũng là biến chứng thường gặp nhất của ho gà và dễ gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi.

Ở bệnh viêm màng não, có 4 tác nhân gây bệnh hàng đầu gồm vi khuẩn Hib, não mô cầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm B. Viêm màng não có thể gặp ở mọi lứa tuổi song nguy cơ mắc cao hơn ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, chưa có miễn dịch bảo vệ từ vaccine.

Theo thống kê của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, viêm phổi gây tử vong ở nhiều trẻ em hơn các bệnh truyền nhiễm khác. Trong năm 2019, viêm phổi gây ra cái chết cho 740.180 trẻ em, tương đương 2.000 trẻ mỗi ngày, trong đó có khoảng 19.000 trẻ sơ sinh, chiếm 14% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và chiếm 22% tổng số ca tử vong ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Tại Việt Nam, viêm phổi cũng đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em với khoảng 4.000 trẻ tử vong và 2,9 triệu ca mắc mỗi năm.

Với bệnh viêm màng não, WHO thống kê cứ 5 người thì có một người sống sót sau một đợt viêm màng não do vi khuẩn, song phải chịu di chứng lâu dài như điếc, co giật, yếu tay chân, mù lòa, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, sẹo và cắt cụt chi do nhiễm trùng huyết.

Theo thống kê của WHO và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, năm 2000 có 625 trường hợp mắc viêm màng não do Hib. Trẻ bị viêm màng não có các biểu hiện sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… nên dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, bỏ lỡ thời gian can thiệp sớm.

Bác sĩ Chính cho biết theo các nghiên cứu, các vi khuẩn gây bệnh trú ở vùng mũi họng, người mang mầm bệnh không triệu chứng là nguồn lây và phát tán chính các vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn, ho gà, não mô cầu… Do đó, rất khó nhận biết người bệnh để cách ly bảo vệ trẻ. Các vi khuẩn này còn có tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao, gây khó khăn và tốn kém chi phí điều trị.

Hiện thời tiết giao mùa tại miền Bắc và nắng nóng gay gắt tại miền Nam, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Viêm màng não và viêm phổi mặc dù nguy hiểm nhưng phần lớn tác nhân gây bệnh đã có vaccine phòng ngừa đơn giản, hiệu quả.

Tiêm chủng cho trẻ nhỏ giúp phòng hai căn bệnh viêm phổi và viêm màng não cho trẻ ở giai đoạn đầu đời. Ảnh: EPA-EFE

Hiện Việt Nam có vaccine phối hợp 6 trong 1 sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ phòng 6 bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib chỉ trong một mũi tiêm. Vaccine có thành phần ho gà vô bào nên hạn chế phản ứng sốt, đau sau tiêm cho trẻ.

Vaccine 6 trong 1 có 2 loại: Loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vaccine đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Ba mẹ hãy tham vấn bác sĩ khi đưa con đi tiêm chủng và quan trọng là cần tiêm đủ liều và đúng lịch cho con.

Các loại vaccine đều cần tiêm đầy đủ số mũi và đúng lịch. Hiện vaccine 6 trong 1 tiêm cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và được tiêm nhắc khi trẻ 16 - 18 tháng tuổi, cần hoàn thành 4 mũi trước 2 tuổi. Cha mẹ cần nhớ các mốc thời gian để tiêm phòng đầy đủ cho bé.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý chủng ngừa các tác nhân gây viêm phổi và viêm màng não như phế cầu, não mô cầu, cúm, sởi, thủy đậu, rubella cho trẻ. Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chủng ngừa cho con đầy đủ.

THANH NGỌC

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/viem-phoi-viem-mang-nao-benh-nang-thuong-gap-o-tre-duoi-2-tuoi-a613704.html