Bố vừa mất các con đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão, cuộc sống sau 8 tháng của cụ bà khiến nhiều người bất ngờ

Dù mới vào viện dưỡng lão cách đây hơn 8 tháng, nhưng so với những ngày đầu, bà Tư đã thay đổi một cách toàn diện cả về cuộc sống lẫn tâm lý, thậm chí còn chẳng muốn về nhà.

Từ buồn không muốn nói, đến coi viện dưỡng lão là nhà

Bà Ngô Thị Hồng Tư (79 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương) là một cán bộ y tế về hưu, ngày cuối cùng của năm 2023, bà được các con đưa đến gửi tại một viện dưỡng lão ở Thanh Hà (Hà Nội) với lý do: “Vào đó để mẹ được khỏe hơn”. Thời điểm đó, chồng bà Tư mới qua đời chưa đầy một năm. Trước đề nghị của các con, bà Tư dù đồng ý, nhưng ánh mắt, sắc mặt bà đượm buồn.

Các con tôi đều công tác ở Hà Nội, không thể bỏ việc về chăm mẹ. Chồng tôi mới mất, cũng chưa tìm được giúp việc, mà tôi già rồi lại nhiều bệnh mãn tính. Dù các con tôi đều có nhà ở Hà Nội cả, nhưng tôi đến đó ở cũng chỉ có một mình vì con đi làm, cháu đi học, nên chúng (các con) không yên tâm và quyết định cho tôi ở viện dưỡng lão”, bà Tư tâm sự.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Vóc (người trực tiếp chăm sóc bà Tư) chia sẻ, những ngày đầu khi mới vào viện, bà Tư buồn lắm, ánh mắt bà luôn ngấn lệ. Chị Vóc được giao nhiệm vụ chăm sóc bà, nhưng hỏi gì bà cũng không nói, người trong phòng hỏi bà cũng im lặng. Mọi sinh hoạt cá nhân bà đều chủ động làm hết, chỉ là không nói chuyện với ai.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Vóc cho biết, ban đầu mới tới viện, bà Tư lầm lì, không nói chuyện với ai. Sau một thời gian mới quen dần và bắt nhịp được cùng mọi người. 

Hiểu được tâm lý, chị Vóc tiếp cận từng bước một, lúc thì tỉ tê tâm sự chuyện đời, chuyện nhà, khi thì ngồi bóp vai, bóp chân và nói chuyện. Rồi cả những người bạn già cùng phòng cũng động viên, chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống và kinh nghiệm sống trong viện dưỡng lão với bà Tư.

Trước những tình cảm, sự chân thành của mọi người, đặc biệt là sự quan tâm của các con từ khi gửi mẹ vào viện dưỡng lão, bà Tư dần hòa nhập với cuộc sống, cười nói nhiều hơn. Giờ đây, sau hơn 8 tháng sống và sinh hoạt trong viện dưỡng lão, bà Tư thừa nhận rằng, các con đưa bà vào viện dưỡng lão là đúng đắn, khi cả sức khỏe tâm trí và sức khỏe thể chất của bà được cải thiện hơn nhiều.

Mỗi khi có việc về nhà, tôi chỉ ở vài hôm lại ra ngay. Về nhà buồn hơn ở viện, vì chẳng có bạn già “tâm đầu, ý hợp” để tâm sự. Hay khi các con đón về nhà ở Hà Nội chơi, dù đồ ăn ngon nhưng không hợp với tôi, đến giờ ăn tôi lại về viện. Tóm lại, giờ tôi muốn ở đây hơn là ở nhà, vừa được thoải mái, không phiền các con để chúng còn yên tâm công tác”, bà Tư kể về cuộc sống hiện tại sau 8 tháng vào viện dưỡng lão.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Vóc cho biết, ngoài chung sở thích, hợp với bạn cùng phòng, bà Tư còn có một hậu thuẫn rất lớn về mặt tình cảm từ chính những người thân trong gia đình. Với nhiều người cao tuổi khác, khi gửi vào viện dưỡng lão người thân lâu lâu mới tới thăm hỏi, còn bà Tư thì khác. Các con, cháu thường xuyên vào viện thăm nom, nói chuyện rồi đưa bà đi chơi, đó chính là “liều thuốc” tinh thần giúp bà không cảm thấy lạc lõng hoặc không có cảm giác bị người thân bỏ rơi.

Ngoài người thân thường xuyên vào thăm, khi vào viện dưỡng lão, bà Tư còn có các "bạn già" bầu bạn, đỡ cô đơn. 

Con trai của bà Tư thường xuyên vào thăm cụ, có hôm tối muộn vẫn vào đưa mẹ đi chơi, 22h đêm mới đưa về phòng. Rồi gia đình thông gia mỗi khi đến là ôm hôn thắm thiết, ban đầu chúng tôi cứ nghĩ là chị em ruột, sau mới biết là thông gia”, chị Vóc chia sẻ.

Dù ở đâu, sự quan tâm của người thân là điều quan trọng nhất

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, hiện nay ngoài các bệnh lý nền như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… các vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần đang ngày càng gia tăng với nhóm người cao tuổi. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, như thay đổi môi trường khi mới về hưu, sống một mình, gánh nặng bệnh tật… Với những người gặp tình trạng trên, nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nguy cơ bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm là rất lớn.

Theo bác sĩ Thu, điều khó khăn nhất để nhận biết các triệu chứng trên đó là, người cao tuổi thường ít chia sẻ, cố nín nhịn vì sợ các con lo lắng nên khi phát hiện bệnh thường đã nặng. Do vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, gia đình có người cao tuổi hãy quan tâm đến tâm lý của họ nhiều hơn, tạo môi trường lành mạnh để người cao tuổi sinh hoạt như, tham gia câu lạc bộ, hoặc có điều kiện đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc là tốt nhất.

Khi người cao tuổi được gửi vào viện dưỡng lão, sự quan tâm của các con, cháu vẫn rất quan trọng để động viên tinh thần. Ảnh minh họa. 

Vào viện dưỡng lão, các cụ được sinh hoạt với những người chung lứa tuổi, như vậy sẽ dễ tâm sự, nói chuyện hơn. Ngoài ra, tại đây điều kiện quản lý, chăm sóc các bệnh lý nền cũng tốt hơn ở gia đình hoặc tự chăm sóc. 

Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là từ những người thân, đó là hãy quan tâm thường xuyên, tránh trường hợp đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão rồi vài tháng, một năm mới quay lại thăm hỏi một lần. Như vậy sẽ càng khiến người cao tuổi suy nghĩ, lo bị con cháu bỏ rơi, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và dễ gây rối loạn tâm thần.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-vua-mat-cac-con-da-dua-me-vao-vien-duong-lao-cuoc-song-sau-8-thang-cua-cu-ba-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo-a613800.html