Đức sẽ phải hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine vì ngân sách hiện tại không cung cấp bất kỳ khoản tiền mới nào cho mục đích này, tờ báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đưa tin, trích dẫn một lá thư từ Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner gửi cho quan chức quốc phòng cấp cao Boris Pistorius và nhà ngoại giao hàng đầu Annalena Baerbock.
Theo tờ báo Đức, điều này là do các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Văn phòng Thủ tướng và Bộ Tài chính. Các thiết bị quân sự đã được phê duyệt sẽ tiếp tục được chuyển đến Ukraine. Nhưng theo yêu cầu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các yêu cầu viện trợ bổ sung do Bộ Quốc phòng Đức đệ trình sẽ không còn được hỗ trợ nữa.
Tờ báo chỉ ra rằng việc ngừng phê duyệt viện trợ mới đã có hiệu lực. Đối với Ukraine, tình hình có khả năng sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn, vì hỗ trợ quân sự theo kế hoạch của Đức dự kiến sẽ giảm gần một nửa vào năm tới và giảm xuống còn chưa đến 1/10 số tiền hiện tại vào năm 2027.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner không mong đợi sẽ cắt giảm mạnh nguồn tài trợ cho Ukraine. Theo ông, trong tương lai, số tiền này sẽ không còn đến từ ngân sách liên bang nữa mà sẽ đến từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Theo tờ báo, ông Lindner hy vọng rằng Ukraine sẽ có thể "chi trả một phần đáng kể nhu cầu quân sự" từ nguồn tiền này. Nếu thành công, Berlin sẽ không còn cần tài trợ cho Kiev trong một thời gian nữa. Nhưng tờ báo nhấn mạnh rằng quyết định của các nước G7 về sử dụng tải sản bị đóng băng của Moscow vẫn chưa được thực hiện và đang bị nghi ngờ về mặt pháp lý.
Ở Đức, việc tài trợ cho Ukraine được lên kế hoạch cho năm hiện tại (khoảng 8 tỷ Euro) và mức tối đa được lên kế hoạch cho năm 2025 (4 tỷ Euro) dường như đã vượt quá số tiền có sẵn. Đối với năm 2026, chỉ có 3 tỷ Euro được lên kế hoạch, và cho năm 2027 và 2028 – mỗi năm là 500 triệu Euro.
Do đó, một nguồn tin trong chính phủ Đức đã nói với báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung rằng họ đã đạt đến điểm mà Đức không còn có thể đưa ra bất kỳ lời hứa nào với Ukraine nữa.
Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ. Cho đến nay, quốc gia Tây Âu đã phân bổ kinh phí hỗ trợ quân sự cho Kiev và cam kết chi tiêu trong tương lai khoảng 28 tỷ Euro.
Theo thỏa thuận ngân sách năm 2025, 4 tỷ Euro sẽ được phân bổ cho hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bằng một nửa số tiền phân bổ cho năm 2024.
Moscow đã nhiều lần nói rằng việc bơm vũ khí vào Ukraine sẽ không làm suy yếu quyết tâm của Nga và sẽ không thay đổi tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang thực hiện ở Ukraine.
Minh Đức (Theo TASS)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-that-lung-buoc-bung-duc-co-the-phai-han-che-vien-tro-cho-ukraine-a613831.html