Trong câu chuyện về Bác, có đôi lúc mắt bà đỏ hoe xúc động. Bà bảo, đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của bà…
Nữ anh hùng trên tuyến lửa
Một buổi chiều cuối tháng 8, tôi có dịp gặp nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, SN 1940, ở xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Như thường lệ, trong căn nhà nhỏ nằm cạnh QL12A, bà Huế vẫn chăm chỉ đọc các cuốn sách về lịch sử Đảng bộ địa phương. Sau giây phút trò chuyện, gương mặt bà Huế ánh lên niềm vui xen lẫn tự hào khi nhắc lại những kỷ niệm về 5 lần được gặp Bác Hồ.
Bà Huế kể rằng, tuổi thơ bà mồ côi, lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Trưởng thành rồi kết hôn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Cuối năm 1965, bà Huế làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 12A huyền thoại.
Bà Huế nhớ lại, những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cung đường 12A từ Quảng Bình đi Lào là một phần quan trọng của tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là lý do cung đường này thường xuyên bị quân địch chọn là mục tiêu bắn phá. 182 người, thuộc 17 xã của huyện Tuyên Hóa lúc bấy giờ đã lập nên đơn vị 759 - đội 75 - công trường 12. Bà là tiểu đội trưởng, có 16 chị em. Đơn vị của bà được giao phụ trách cung đường từ Nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Giặc Mỹ điên cuồng thả bom nhằm làm tê liệt tuyến đường. Năm 1965, Trung đội quyết tử được thành lập, bà giữ chức Trung đội trưởng. Với tinh thần quyết tử cho tuyến đường luôn thông suốt, bà và đồng đội mỗi lần vào trận đánh đều được làm lễ truy điệu sống.
Ngày 3/7/1966, tại Km21 đường 12A, B52 Mỹ đã điên cuồng bắn phá tuyến đường. 45 ngày đêm, 24 đồng đội của bà đã hy sinh, vừa thông đường, bà Huế cùng đồng đội vừa phải tìm xác của đồng đội. Bản thân bà trong quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến đường 12A cũng nhiều lần bị bom vùi lấp. Nhưng hồi ức 5 lần gặp Bác Hồ của nữ anh hùng khi tỉnh lại bà vẫn quyết tâm ra trận để làm tròn nhiệm vụ thay cho những đồng đội đã ngã xuống.
Vinh dự đã đến với bà, ngày 1/2/1967, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Đại đội 759 cũng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND mà Tiểu đội 6 của bà là con chim đầu đàn.
Bức ảnh theo suốt cuộc đời
Từ những chiến công trên tuyến lửa anh hùng, tháng 11/1966, bà được cử ra tỉnh Hưng Yên tập huấn quân sự. Chính nơi đây bà đã bất ngờ được gặp Bác Hồ.
Bà Huế tự hào nhớ lại giây phút thiêng liêng khi lần đầu được gặp Bác Hồ. Đó là vào buổi chiều kiểm tra môn bắn súng, cả 3 lần bắn bà đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái quê Quảng Bình bắn súng giỏi, Bác đến thăm hỏi và khen ngợi. “Tôi còn nhớ như in, hôm tổng kết lớp, Bác Hồ nói: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”, bà Huế chia sẻ.
Cuối năm 1966, bà Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành Giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác.
Lần thứ ba, bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ là dịp Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Lần này, bà Huế được vinh danh Anh hùng, được Bác Hồ tự tay gắn Huy hiệu Anh hùng lên ngực áo, quàng khăn rồi tặng một chiếc đồng hồ đeo tay của Nga.
Lần gặp thứ tư có thể nói là lần gặp xúc động và vinh dự nhất trong cuộc đời bà. Đó là vào dịp Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư (tháng 7/1967). Lúc đó, bà cùng chị Nguyễn Thị Mỹ, Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong miền Nam được vinh dự là người tặng hoa cho Bác và Chủ tịch đoàn. Khi Bác xuất hiện, bà ào xuống tặng hoa cho Người. Cũng từ khoảnh khắc ấy, bức ảnh “Bác Hồ với TNXP” ra đời, sau này được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bức ảnh phát hành trên toàn quốc. Cho đến bây giờ, bức ảnh ấy vẫn được bà Huế giữ gìn cẩn thận, treo ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình.
Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác Hồ là lúc bà chuẩn bị sang Liên Xô. Đoàn của bà được Bác mời cơm tại Phủ Chủ tịch để nghe dặn dò. Kỷ niệm đáng nhớ và in dấu mãi trong đời bà cũng diễn ra trong bữa cơm này. Khi đó, một hạt cơm vô tình bị rơi ra ngoài, Bác cầm lên và dặn: “Hạt cơm từ hạt gạo mà ra. Người nông dân làm ra hạt gạo là biết bao nhiêu công sức. Từ cày bừa, gieo hạt đến khi thu hoạch đem xay, giã, giần, sàng, nấu chín mới thành hạt cơm bác cháu ta ăn. Vì vậy hạt gạo là hạt ngọc...”, bà Huế thuật lại lời Bác.
Trước đó, trong một buổi họp báo quốc tế, có một nhà báo hỏi: “Dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế?”, “Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn sao thắng được Mỹ?”. Bà Huế trả lời khẳng khái: “Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ. Chúng tôi không sợ Mỹ, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay...”. Sau này, Bác khen trả lời thông minh và đanh thép.
Bà Huế cũng không ngờ đây là lần cuối cùng được gặp Bác, vào mùa thu năm 1969, Bác Hồ ra đi mãi mãi. “Tôi đau buồn khi nghe tin Bác Hồ mất. Cả cuộc đời Người đã hy sinh, dành tình yêu thương cho nhân dân, đất nước. Sau ngày Bác mất, tôi được phép ra viếng Người, được để tang Người 3 tháng 10 ngày. Giây phút nhìn thấy Bác, tôi xúc động khôn xiết, trái tim đau đớn như mất đi người thân yêu nhất của mình vậy”, bà Huế xúc động nhớ lại.
Sau này, vào mỗi dịp lễ, Tết của đất nước, bà Huế đều vinh dự được đến viếng Lăng Bác Hồ. Với bà, cảm xúc mỗi lần được nhìn thấy Bác vẫn còn nguyên vẹn như những ngày đầu. Cả cuộc đời, bà luôn ghi nhớ lời dặn của Bác, luôn lấy Bác là tấm gương để học tập và noi theo.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)
Ngô Huyền
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nu-anh-hung-quang-binh-va-hoi-uc-ven-nguyen-ve-5-lan-duoc-gap-bac-ho-a614315.html