Hành vi vi phạm về biển số xe có thể bị phạt tới 70 triệu đồng

Tại Dự thảo Nghị định về trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, cơ quan soạn thảo đề xuất một số hành vi vi phạm bị phạt tiền đến 70 triệu đồng.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Điều 30 của Dự thảo nêu rõ chế tài xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép như sau:

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20-24 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với cá nhân, từ 60-70 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

hanh-vi-vi-pham-ve-bien-so-xe-co-the-bi-phat-toi-70-trieu-dong-17249212846701224334833-22-0-422-640-crop-17249212888611339508828-1725250187.jpeg
Hành vi vi phạm về biển số xe có thể bị phạt tới 70 triệu đồng

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm ở trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép.

Đồng thời các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 70 - 75 triệu đồng đối với cá nhân, từ 140 - 150 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi thực hiện hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Cụ thể là hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

Cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách; đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông; đưa xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm hoặc có kích thước khoang chở hành lý (hầm xe) không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe tham gia giao thông...

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm.

Cụ thể, tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông. Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, patin, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy.

Điều khiển vật thể bay, máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (gọi tắt là flycam) hoạt động trong phạm vi khổ giới hạn đường bộ gây cản trở hoặc nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trừ máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được cấp phép bay.

Người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù). Người được chở trên xe đạp, xe đạp máy bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh.

 

Minh Hoa (t/h)/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hanh-vi-vi-pham-ve-bien-so-xe-co-the-bi-phat-toi-70-trieu-dong-a614344.html