Loại rau không hóa chất, mọc đầy bờ ruộng giúp trị gan nhiễm mỡ nhưng ăn sai cách lại khiến chính lá gan bị tổn thương

Đây là loại rau rất phổ biến, phát triển nhanh nhưng dính hóa chất là hỏng ngay lập tức. Đáng nói, rau này được làm gia vị cho nhiều món ăn, hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ rất tốt, nhưng ăn sai cách lại tàn phá lá gan một cách nặng nề.

Rau ngổ không còn xa lạ với người Việt, chúng vừa là rau gia vị, vừa là rau ăn lá được nhiều người ưu thích. Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, rau ngổ là một vị thuốc, có vị đắng nhưng mát và hương thơm nhẹ. Trong đông y, đây là loại rau giúp mát máu, lợi tiểu, điều trị sỏi thận, mất ngủ.

Y học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu về loại rau này, theo đó rau ngổ chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau như 93% nước, các loại vitamin B, C, tinh dầu thơm và caroten. Bộ phận thường được dùng của cây rau này là lá non dùng để làm canh, xào nấu và nhiều người có thói quen ăn sống khi kết hợp cùng một số thực phẩm khác.

Ông Sáng cho biết, trong đông y rau ngổ là bài thuốc hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, sỏi thận rất hiệu quả. Theo đó, với người bị gan nhiễm mỡ, có thể sử dụng bài thuốc từ rau ngổ như sau: Lấy 100g rau ngổ đem phơi khô, sao vàng hạ thổ 1 lần, sắc 10 phút cùng với 50g bạc hà phơi khô. Sau đó, sao vàng hạ thổ, sắc 1 lần nữa trong 100ml nước. Uống hàng ngày sau bữa ăn tối, liên tục trong 1 tháng.

Rau ngổ có nhiều tác dụng với cơ thể như hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, điều trị sỏi thận. Ảnh minh họa. 

Với tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, làm tăng lượng nước tiểu, do vậy nếu biết cách sử dụng, rau ngổ chữa sỏi thận rất tốt. Có thể dùng bài thuốc từ rau ngổ để chữa sỏi thận như sau: dùng 50g rau ngổ để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống ngày hai lần. Dùng trong 5 đến 7 ngày.

Hoặc dùng 50 - 100g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày). Đồng thời có thể nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút, uống mỗi ngày. Kiên trì thực hiện bài thuốc này sẽ có kết quả khá tốt.

Được biết, rau ngổ được trồng hoặc mọc dại nhiều ở vùng ao, hồ có nhiều nước. Đây là loại rau thân mềm, dễ phát triển nên không cần dùng phân bón, chất kích thích. Đặc biệt, rau giống như các loại cỏ dại nên khi gặp hóa chất trừ sâu, diệt cỏ chúng sẽ bị cháy là và chết lụi dần. Do vậy, loại rau này ít bị tồn dư hóa chất so với các loại rau thông dụng khác như muống, cải, mồng tơi…

Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhất là hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, nhưng theo các chuyên gia tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, rau ngổ nếu ăn không đúng cách sẽ thành vật trung gian, đưa trứng-ấu trùng sán lá gan vào cơ thể và gây hại nghiêm trọng cho gan.

Thói quen ăn tái, sống rau ngổ sẽ làm tăng nguy cơ rất lớn gan bị ký sinh trùng tấn công, gây hại. Ảnh minh họa. 

Theo đó, đa số các bệnh nhân bị sán lá gan lớn đến điều trị tại bệnh viện, khi khai thác tiền sử đều có thói quen ăn các loại rau thủy sinh, nhiều nhất là rau ngổ. PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, rau ngổ được xếp vào nhóm rau thủy sinh, thường được mọi người dùng để ăn sống cùng với các thực phẩm khác.

Khi ăn sống hoặc nhúng tái khi ăn lẩu, trứng sán lá gan lớn có trong rau không bị tiêu diệt, vào cơ thể chúng sẽ nở thành ấu trùng, ký sinh trong cơ thể rồi di chuyển đến nhu mô gan, gây ra các áp xe gan, tổn thương gan. Ngoài ra các ấu trùng sán lá gan lớn có thể đi lạc chỗ đến các cơ quan khác.

Ông Dũng cho biết, để phòng sán lá gan lớn, chỉ có cách duy nhất là ăn chín uống sôi, bởi các loại rau thủy sinh có nhiều nách lá, nhiều đốt dù có rửa bao nhiêu nước, ngâm với dung dịch gì cũng không thể diệt hết được ký sinh trùng. Trong khi, chỉ cần nấu chín ở nhiệt độ 100 độ C là sẽ tiêu diệt được ký sinh trùng.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-rau-khong-hoa-chat-moc-day-bo-ruong-giup-tri-gan-nhiem-mo-nhung-an-sai-cach-lai-khien-chinh-la-gan-bi-ton-thuong-a614347.html