Mẹ Việt “tố” nhà hàng gà rán đòi tiền đền 38 nghìn/đĩa con làm vỡ, CĐM đồng loạt lên tiếng chỉ trích

Bà mẹ cho biết, bản thân rất thất vọng với cảnh xử lý của nhà hàng.

Không giống như người lớn, trẻ nhỏ luôn thích chuyển động chứ không thể chỉ ngồi yên một chỗ. Dưới 5 tuổi, việc trẻ tò mò, nghịch ngợm là điều dễ hiểu và cũng được nhiều phụ huynh khuyến khích vì nó sẽ giúp trẻ phát triển, tiếp cận gần hơn với thế giới xung quanh. Thế nhưng, trong quá trình này đòi hỏi phải có sự giám sát, hướng dẫn từ bố mẹ, nếu không sự tò mò, nghịch phá của trẻ sẽ vô tình gây hại cho chính con, thậm chí là làm phiền đến người khác. 

Ví dụ như câu chuyện gần đây thu hút lượng tương tác, chú ý từ đông đảo CĐM với “cốt truyện” là đứa trẻ 1 tuổi làm vỡ đồ khi đi ăn cùng gia đình tại một nhà hàng, và cách phụ huynh giải quyết vấn đề đã khiến dư luận “bùng nổ” tranh cãi. Cụ thể, trên một diễn đàn, tài khoản giấu tên được cho là của một mẹ Việt đã chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự thất vọng, bức xúc về một trải nghiệm ở nhà hàng.

Cô đã “bóc phốt” nơi này với nội dung như sau: “Đi ăn pizza và cái kết. Hôm nay có trải nghiệm vô cùng tệ ở nhà hàng pizza. Chuyện chả có gì cho đến khi kết thúc bữa ăn thì em bé 1 tuổi nhà mình khua tay và làm rơi 4 đĩa tròn như trong hình trên bàn xuống và vỡ.

Nhân viên đòi mình đền 4 đĩa với giá 38 nghìn/cái. Trong khi đó mình check (kiểm tra) giá đĩa mới tinh của hãng là 28 nghìn, sau khi nói vòng vo tam quốc thì bạn quản lý bảo mình đến cho bạn ấy 1 nửa và bên bạn ấy chịu 1 nửa (60 nghìn). Không đáng nhưng thật sự thấy sao ấy, chưa bao giờ đi ăn ở 1 hệ thống nhà hàng, quán ăn nào mà nhân viên đến quản lý cư xử kém như vậy”.

Ngay sau khi bài viết của mẹ Việt này được đăng tải, làn sóng tranh luận của CĐM đã nổi lên dữ dội. Tất cả các ý kiến, quan điểm để lại bên dưới câu chuyện đều phê bình, chỉ trích người mẹ. Ai cũng cho rằng, người sai là cô chứ không phải nhà hàng. Rõ ràng trong tình huống ở đây, nhà hàng đang bị thiệt hại về tài sản do lỗi bố mẹ không chú ý quan sát, để con nghịch phá nên mới gây ra chuyện, và với trường hợp này thì phía nhà hàng hoàn toàn có quyền bắt khách đền.

Mặc dù, đây là tình huống vô ý vì đứa trẻ còn nhỏ, tuy nhiên lỗi của người mẹ khi chăm con lơ là là không thể chối. Vậy nên, dù đền bù ít hay nhiều thì người mẹ cũng nên chịu trách nhiệm hòa giải hòa bình để bồi thường, và chỉ ra cái sai cho con hiểu thay vì tìm cách trốn tránh, rồi quay sang “bóc phốt” cách xử lý của nhà hàng.

Trên thực tế, việc trẻ con nghịch ngợm làm ảnh hưởng đến người xung quanh là chuyện hết sức bình thường, khi trẻ chưa đủ nhận thức về hành vi của mình. Chính cha mẹ là người cần dạy cho con hiểu hơn sau mỗi lần làm sai của con.

Vậy khi trẻ gây ra rắc rối cho người xung quanh bằng sự nghịch ngợm vô ý của mình, cha mẹ nên làm gì?

Đừng tức giận với con, đây là cơ hội để dạy cho con hiểu

Bản chất trẻ con vốn nghịch ngợm, chúng thường tò mò với mọi thứ xung quanh, đặc biệt là những trẻ hai hoặc ba tuổi. Với một thế giới nhiều đồ đạc như siêu thị, đây là một địa điểm lý thú để kích thích trí tò mò và mong muốn khám phá thế giới xung quanh của con trẻ. Do đó hầu hết các bậc cha mẹ đều không một phút giây thư thái khi đưa trẻ ra ngoài cùng. Ngoài những hiểm nguy rình rập như trẻ chạy lung tung lạc bố mẹ, va quệt... mặt khác cũng sợ trẻ phá phách làm hỏng đồ đạc xung quanh.

Thực tế, khi trẻ nhìn thấy một thứ đồ mới mẻ thường không thể kìm lòng mà muốn mang chúng theo. Do đó, nếu trẻ có hành động như vậy, cha mẹ hãy hiểu và đừng vội trách mắng trẻ ngay trước mặt những người xung quanh. Hãy nắm bắt cơ hội này để giáo dục trẻ. Bởi “trăm nghe không bằng một thấy", hành vi cụ thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với kịch bản suông mà chúng ta thường vẫn hay nói với “ra rả" với trẻ hằng ngày: Con không nên làm thế này, làm thế kia.

Khi trẻ mắc lỗi, chúng thật sự sẽ buồn và hối hận trong khoảnh khắc đó, và điều này sẽ khắc sâu ấn tượng của trẻ về điều đó. Do đó, nếu được cha mẹ dạy dỗ kịp thời, trẻ sẽ không bao giờ tái phạm.

Đừng bênh vực con trước mặt người khác, chỉ làm trẻ thêm ỷ lại

Trái với nhiều phụ huynh ngay lập tức quát mắng con, nhiều cha mẹ lại quay sang trách mắng cô nhân viên bán hàng. Vì cho rằng trẻ còn nhỏ và không hiểu chuyện, chúng có thể có một số hành động như vậy cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, nhiều người vì bênh vực con cái mà sẵn sàng đụng độ và xảy ra tranh chấp trực diện với người khác.

Điều này rất không đúng, việc mù quáng bảo vệ và bao dung cho trẻ chỉ khiến con trở nên ỷ lại và sẽ tiếp diễn hành động này vì chúng mặc định rằng đây là hành động được cha mẹ cho phép. Về lâu về dài, con sẽ hình thành thói quen khó bỏ và trở nên ngang bướng hơn. Bởi vì cha mẹ bảo vệ con cái một cách không đúng đắn, thay vì giúp trẻ đối mặt với những sai lầm của chính mình. Điều này chắc chắn có tác động không hề nhỏ đến việc hình thành tính cách của trẻ trong tương lai, những đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều rất có thể sẽ có những lệch lạc về ý thức, dễ đi vào con đường sai lầm, sau này cha mẹ hối hận cũng đã muộn.

Đặc biệt, nếu cha mẹ sẵn sàng dung túng cho con mà xảy ra ẩu đả với người lớn, chúng sẽ có những ấn tượng không tốt, thậm chí có thể sợ hãi và để lại ám ảnh tâm lý. Người lớn là tấm gương cho con cái, đừng vì chuyện nhỏ của con trẻ mà xảy ra những tranh chấp không đáng có.

KIỀU TRANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/me-viet-to-nha-hang-ga-ran-doi-tien-den-38-nghindia-con-lam-vo-cdm-dong-loat-len-tieng-chi-trich-a614527.html