Cần điều tra, làm rõ việc bán thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi Group

Biết bà Đ.M.P sở hữu nhiều thẻ nghỉ dưỡng của một số đơn vị khác, nhân viên của tập đoàn Archi đã liên tục gọi điện mời chào mua – bán thẻ nghỉ dưỡng cho bà.

Choáng ngợp bởi "văn phòng hoành tráng"

Sau khi Người Đưa Tin viết bài phản ánh "

Bà P. kể lại sự việc bà mua thẻ nghỉ dưỡng của tập đoàn Archi.

Bà P. kể hồi đầu tháng 3/2024, một người tên Quỳnh có số điện thoại 0348578xxx tự xưng là nhân viên kinh doanh của tập đoàn Archi liên tục gọi vào điện thoại của bà P. và nói cần mua lại một số hợp đồng kỳ nghỉ mà bà P. đang sở hữu của một đơn vị khác bà P. đã mua trước đó.

Ban đầu bà P. từ chối, bẵng đi một thời gian đến những ngày cuối tháng 3/2024 Quỳnh liên lạc lại với bà P. và tha thiết mời bà lên văn phòng công ty Archi để thoả thuận về giá mua lại kỳ nghỉ.

Khi đến văn phòng công ty tại tòa R6, khu Royal City, bà P. cho biết bà choáng ngợp với không gian hoành tráng của công ty. Nhân viên tên Quỳnh còn dẫn bà xem các khu bán các loại sâm, sản phẩm phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn, giới thiệu về các khu tắm khoáng, các điểm du lich của Archi trên lãnh thổ Việt Nam.

"Nhìn thấy cơ ngơi văn phòng công ty như vậy tôi nghĩ đây là một tập đoàn đa lĩnh vực có tiềm năng. Chắc họ có chủ trương phát triển mảng du lịch lữ hành thật sự và có nhu cầu mua lại các tuần nghỉ tốt mà tôi đã mua của một số đơn vị khác", bà P. nói và cho biết nhân viên tại đây ăn mặc rất lịch sự, xinh xắn và giới thiệu về bản thân từng đi du học nước ngoài.

Tiếp sau đó, Quỳnh giới thiệu người tên Hoa - quản lý cấp trên sẽ trực tiếp đàm phán giá và mua lại các hợp đồng của bà P. 

Trong quá trình chờ tư vấn, bà P. liên tục hỏi về việc có đúng công ty cần mua các tuần nghỉ của đơn vị khác hay không? công ty đã từng mua như vậy hay chưa?

Bà P. nhận được câu trả lời của các nhân viên tập đoàn Archi khẳng định chắc nịch là "đã mua rất nhiều" và minh chứng bằng việc lướt nhanh vào màn hình điện thoại về những con số khách hàng giao dịch hàng tỷ đồng.

Theo lời của bà P., chưa dừng lại ở đó, để Archi mua lại tuần nghỉ dưỡng của bà, quản lý tên Hoa nói rằng nếu trở thành thành viên của tập đoàn Archi thì tập đoàn sẽ mua kỳ nghỉ của đơn vị khác mà bà P. đang sở hữu với giá tốt hơn.

Tuy nhiên, bà P. cho rằng bà chỉ có nhu cầu bán bớt, không có nhu cầu mua thẻ kỳ nghỉ của Archi. Thế nhưng nữ quản lý này đã thuyết phục và nói rằng bà P. chỉ cần mua 2 thẻ thành viên của Archi thì tập đoàn sẽ mua lại tất cả các tuần nghỉ của đơn vị khác mà bà P. đang sở hữu với nhiều ưu đãi khác.

"Tiền xuống và lời hứa suông"

Từ sự tư vấn, mời chào dồn dập, ngày 22/4 bà P. đã xuống tiền mua 2 hợp đồng kỳ nghỉ Archi (được sử dụng 2 thẻ thành viên của Archi) mỗi hợp đồng 290 triệu đồng. Đến ngày 24/4 nhân viên tiếp tục yêu cầu bà P. mua thêm 2 thẻ thành viên của tập đoàn. Tổng bà P. mua 4 hợp đồng kỳ nghỉ của tập đoàn Archi với giá trị 1 tỷ 160 triệu đồng.

Cần điều tra, làm rõ việc bán thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi Group- Ảnh 2.

Bà P. mua 4 hợp đồng sản phẩm thẻ nghỉ dưỡng của Archi Group.

Cần điều tra, làm rõ việc bán thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi Group- Ảnh 3.

Hợp đồng ghi rõ địa chỉ trụ sở công ty và người đại diện theo pháp luật của Archi Group.

"Họ hứa hẹn là sau khi tôi xuống tiền mua 4 thẻ nghỉ dưỡng của Archi thì tập đoàn chắc chắn mua lại cho tôi 9 hợp đồng kỳ nghỉ mà tôi đang sở hữu của hai đơn vị khác. Đồng thời, hứa sau khi đóng đủ số tiền 290 triệu/1 hợp đồng thì sau 7 ngày tập đoàn sẽ gửi vào tài khoản của tôi 50% giá trị mà tập đoàn hứa hẹn mua lại các kỳ nghỉ của tôi. Thế nhưng, từ bấy đến nay mất hút", bà P. tỏ rõ sự bức xúc.

Theo lời của bà P. bà đã hoàn thành nghĩa vụ mua số thẻ mà Archi Group yêu cầu, ngược lại tập đoàn Archi đã không giữ đúng các cam kết.

Cần điều tra, làm rõ việc bán thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi Group- Ảnh 4.

Giao dịch được bà P. chuyển vào tài khoản của Công ty cổ phần tập đoàn Archi.

"Tôi đã gọi điện nhiều lần cho Quỳnh- người mời mọc năn nỉ tôi đến công ty thoả thuận việc tâp đoàn Archi mua các tuần nghỉ mà tôi đang sở hữu nhưng người này không nghe máy. Sau đó, Quỳnh nhắn tin cho tôi nói đã chuyển sang bộ phận chăm sóc khách hàng không còn làm tại bộ phận kinh doanh. Mọi việc tôi liên hệ với quản lý Hoa".

Bà P. tiếp tục liên hệ với quản lý Hoa thì người này hứa ngày 15/5/2024 công ty sẽ chuyển 50% số mua các tuần nghỉ của tôi. Sau khi quá hẹn, Hoa tiếp tục hẹn đến 15/6/2024, rồi đến 15 /7/2024 với lý do tập đoàn có chút khó khăn vì vừa mới đầu tư mua du thuyền. Sau đó, người này đã lảng tránh bà P. viện đủ lý do là đi công tác…

Cần điều tra, làm rõ việc bán thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi Group- Ảnh 5.

Giấy xác nhận thanh toán của Archi đối với các hợp đồng mà bà P. đã đóng tiền.

Đến cuối tháng 7/2024, bà P. gọi điện thoại đề nghị gặp gỡ quản lý Hoa để làm rõ mọi chuyện.

Bà P. kể lại, trong cuộc gặp quản lý Hoa, bà P. đặt vấn đề có hay không việc tập đoàn Archi có chủ trương giao nhân viên kinh doanh tìm mua tuần nghỉ Alma? Hay đây là hành vi lừa khách hàng lên văn phòng công ty để tư vấn bán thẻ của Archi?

"Người quản lý này vẫn khẳng định đó là nhu cầu của tập đoàn, nếu không tiếp tục giải quyết được mua tuần nghỉ của tôi thì tập đoàn có trách nhiệm hoàn trả sớm số tiền tôi đã chuyển vào tài khoản của tập đoàn Archi (Nội dung buổi nói chuyện tôi có bản ghi âm đầy đủ)", bà P. nói.

Đồng thời, bà P. đã đề nghị quản lý Hoa bố trí cho bà được gặp lãnh đạo tập đoàn, đến ngày 11/8/2024 bà P. được người tên Hoàng – giới thiệu là Phó giám đốc phụ trách mảng kinh doanh Archi tiếp.

"Trong buổi nói chuyện ông Hoàng đề nghị tôi kể lại toàn bộ câu chuyện tôi đã được Quỳnh và Hoa tư vấn. Ông Hoàng khẳng định tập đoàn Archi không có chủ trương mua lại tuần nghỉ. Kết thúc buổi làm việc, vị này có hứa sẽ trình cấp trên xin phương án hủy hợp đồng mua thẻ Archi do mục đích cam kết thực sự khi ký hợp đồng không đúng. 

Đồng thời, hẹn trả lời vào ngày 20/8/2024. Sau ngày 21/8/2024 không thấy hồi âm, tôi chủ động liên lạc và lại nhận được lý do bận xin hoãn và cho đến nay không có hồi âm", bà P. chia sẻ về quá trình bà phải đi đến tập đoàn Archi để tìm hướng giải quyết cho các hợp đồng mà mình đã ký.

Bà P. cho biết bà đã mua 4 thẻ kỳ nghỉ của Archi do nghe theo tư vấn không đúng từ nhân viên. Khi chia sẻ câu chuyện của mình, bà P. hy vọng đây là lời cảnh báo đến các khách hàng cần thận trọng khi mua thẻ các kỳ nghỉ. Đồng thời, bà P. cũng mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc điều tra, xác minh và có sự chấn chỉnh về cách thức hoạt động kinh doanh của loại hình mua bán kỳ nghỉ, thẻ nghỉ dưỡng.

Trong diễn biến liên quan, trước đó ngày 12/6/2024, PV Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với lãnh đạo tập đoàn Archi về những phản ánh của khách hàng tại địa chỉ B2, R6, Royal City. Tại đây, PV được "quản lý chung" của đơn vị cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo và trao đổi sau nhưng từ bấy đến nay không có hồi âm.

Trao đổi với Người Đưa Tin dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nghiêm Quang Vinh -Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết cũng giống như bảo hiểm nhân thọ, các điều khoản trong hợp đồng mua bán thẻ nghỉ dưỡng thường rất dài, hầu hết người ký thường không xem kỹ hợp đồng mà chỉ nghe tư vấn rồi ký. Do đó, khi gặp bất lợi, khách hàng muốn đòi lại quyền lợi thường rất khó khăn.

Theo Luật sư Vinh, khi có tranh chấp xảy ra thì các bên có thể gửi đơn trình báo tới cơ quan có thẩm quyền, khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo quy định.

"Nếu qua xác minh có căn cứ trong các giao dịch dân sự đã có thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Vinh nêu.

Theo Luật sư Vinh, đã có không ít trường hợp người cao tuổi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và gặp phải bất lợi mà báo chí đã phản ánh. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, nếu có sai phạm cần chấn chỉnh để tránh hình thức kinh doanh này gây ra tác động tiêu cực cho ngành du lịch.

Có dấu hiệu lừa đảo cần xử lý nghiêm

Hiện có không ít người cao tuổi "sập bẫy" sở hữu kỳ nghỉ, mua thẻ nghỉ dưỡng. trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, thẻ nghỉ dưỡng để sở hữu kỳ nghỉ là hình thức không mới, các nước trên thế giới đã làm rất nhiều nhưng ở Việt Nam thì mới xuất hiện. Với sự chào mời "có cánh", không ít người dân đã bỏ những khoản tiền không nhỏ để sở hữu kỳ nghỉ.

Theo bà Nga, trong hợp đồng thường các điều khoản hợp đồng dài, tương tự như hợp đồng mua bán bảo hiểm nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc kỹ hợp đồng và không phải ai đọc kỹ cũng hiểu được tất cả các điều khoản trong hợp đồng.

Không phải bên bán nào cũng tư vấn một cách nhiệt tình và có trách nhiệm đối với người mua. Theo bà Nga, hình thức này thường hướng đến đối tượng người cao tuổi vì họ có thời gian để sở hữu những kỳ nghỉ; một bộ phận người cao tuổi cũng có kinh tế từ lương hưu, con cái hỗ trợ thêm. Đặc biệt, người cao tuổi cũng không nắm bắt được nhanh nhạy các thông tin mới trên mạng…

Đối với những người cao tuổi, ngoài sự cảnh báo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, rất cần mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong gia đình.

Đối với các công ty bán thẻ nghỉ dưỡng, kỳ nghỉ dưỡng, đại biểu Nga nhấn mạnh: "Khi có dấu hiệu lừa đảo cần xử lý nghiêm. Cần rà soát tổ chức, cá nhân nào thực hiện không đúng các quy định của pháp luật để xử lý".

Thành Lâm/Người đưa tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-dieu-tra-lam-ro-viec-ban-the-nghi-duong-cua-tap-doan-archi-group-a614548.html