Con gái Mai Phương được thừa kế hơn nửa tỷ, 10 tuổi chăm từ thiện, được bảo mẫu nuôi dạy đúng mong ước của mẹ quá cố

Lavie càng lớn càng xinh xắn hệt mẹ Mai Phương, ngoan ngoãn lại học giỏi.

Từ nhỏ, nhiều đứa trẻ được gia đình cho tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn để nuôi dưỡng tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia. Đây cũng là kim chỉ nam trong quá trình nuôi dạy con gái Lavie của cố nghệ sĩ Mai Phương khi cô còn sống. Sau khi Mai Phương rời cõi tạm, ái nữ sống cùng bảo mẫu thân cận và cũng thường được bảo mẫu đưa đi làm từ thiện.

Vài giờ trước, trên trang cá nhân của mình, bảo mẫu của con gái cố diễn viên Mai Phương đã đăng tải bức hình bé Lavie tặng quà cho những người đang nhọc nhằn mưu sinh ngoài đường, vô gia cư trong dịp lễ Tết Trung thu, kèm với đó là dòng tâm sự đầy xúc động thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

"Dù cho mình ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì sự khiêm nhường luôn là đức tính cần thiết . Sẻ chia và biết ơn vì mình rất may mắn. Dù có khó khăn ra sau mình vẫn chọn sự tử tế nhất để đồng hành cùng bạn nhỏ này. Trung thu ấm áp" - bảo mẫu trải lòng. 

Bên dưới bài đăng, bảo mẫu còn kể chi tiết khoảnh khắc bé Lavie lễ phép, ngoan ngoãn và đáng yêu ra sao khi tận tay trao từng phần quà đã chuẩn bị cho những cô dì chú bác không được đón một cái Tết đoàn viên bên gia đình. Không chỉ biết dạ thưa, Lavie còn gửi lời chúc Trung thu ấm áp đến từng người. Cô bé quả thực đã được nuôi dạy rất tốt.

Đây không phải là lần đầu Lavie đi làm từ thiện, dù chỉ mới 10 tuổi nhưng cô bé đã được bảo mẫu cho tham gia rất nhiều chuyến từ thiện trước đây. Điều này hoàn toàn đúng với nguyện vọng và mong ước của cố nghệ sĩ Mai Phương về việc nuôi dạy con gái trở thành người có trái tim bao dung, giàu tình yêu thương.

Dù còn rất nhỏ tuổi, nhưng Lavie đã phải trải qua nỗi mất mát lớn lao khi người mẹ mà mình yêu thương nhất ra đi. Lavie được thừa kế số tiền hơn nửa tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và hiện tại cô bé sống xa cha ruột. Tuy nhiên, từ sâu thẳm bên trong, trái tim của Lavie đã được nuôi dưỡng bằng sự ấm áp và lòng tử tế. 

Nhờ vào sự chăm sóc và dạy dỗ cẩn thận của bảo mẫu, con gái Mai Phương đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đúng như ước nguyện của người mẹ quá cố, Lavie giờ đây đã trở thành một cô bé tình cảm, ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Càng lớn Lavie càng xinh xắn giống hệt mẹ. 

Theo lời bảo mẫu từng chia sẻ, Lavie không những chăm chỉ học tập mà còn có tính tự lập tốt. Dưới sự giáo dục của các cô, Lavie đã có thể tự làm việc nhà, nấu ăn và thậm chí là làm bánh,... Lớn lên trong môi trường như thế, tuy không trọn vẹn vì khuyết đi sự đồng hành của bố mẹ nhưng nhiều người vẫn tin rằng con gái Mai Phương sau này chắc chắn sẽ là niềm tự hào của gia đình.

Thông qua hoạt động thiện nguyện, có lẽ bố mẹ nào cũng sẽ đều mong muốn con học được những giá trị tích cực từ việc làm này, và đó cũng chính là những điều ý nghĩa mà con xứng đáng nhận được khi bản thân biết cho đi.

Vậy khi bố mẹ cho con tham gia thiện nguyện, những giá trị tốt đẹp mà trẻ sẽ học được là gì?

Tình yêu và sự sẻ chia

Khi trẻ tham gia vào hoạt động thiện nguyện, trẻ sẽ nhận ra rằng không có điều gì quý giá hơn là tình yêu thương và sự sẻ chia với những người xung quanh, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Trẻ sẽ trải nghiệm trực tiếp niềm vui, và sự ấm lòng từ hành động giúp đỡ, cho đi đó của mình. Từ đó, trẻ sẽ nhận thức được rằng việc cho đi không chỉ mang lại ý nghĩa cho người nhận, mà còn làm cho chính bản thân trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Khả năng đồng cảm

Tham gia vào hoạt động thiện nguyện, trẻ sẽ có cơ hội tiếp xúc với những câu chuyện, và những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng đồng cảm, và thấu hiểu về cảm xúc của người khác.

Trẻ sẽ học cách đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn nhận thế giới từ góc nhìn khác và cảm thông với những khó khăn mà người khác đang trải qua. Nhờ vậy mà trẻ sẽ phát triển được khả năng đồng cảm, và tinh thần sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh khi họ cần đến mình.

Trách nhiệm và tự giác

Tham gia vào hoạt động thiện nguyện, trẻ sẽ nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm và tự giác. Trẻ sẽ hiểu rằng hành động của mình có thể tạo ra sự thay đổi tích cực, và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Trẻ sẽ học cách đảm nhận vai trò của mình, và hoàn thành nhiệm vụ một cách có trách nhiệm, không chỉ với cộng đồng mà còn với bản thân và gia đình.

Kỹ năng xã hội

Tham gia vào hoạt động thiện nguyện, trẻ sẽ có cơ hội làm việc và tương tác với những người khác có cùng mục tiêu. Qua hoạt động làm việc trong nhóm, trẻ sẽ rèn luyện và phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, hợp tác, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.

Cùng với đó, trẻ cũng sẽ học cách giải quyết xung đột và làm việc nhóm một cách hiệu quả. Những kỹ năng xã hội này rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, và nó sẽ giúp trẻ tạo dựng mối quan hệ tốt, cũng như sự tự tin trong giao tiếp xã hội.

Sự tự tin và lòng biết ơn

Khi trẻ thấy được ý nghĩa tích cực của hành động thiện nguyện mà mình mang đến cộng đồng, trẻ sẽ tăng thêm sự tự tin và lòng biết ơn về những sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống. Qua trải nghiệm này, trẻ sẽ nhận ra rằng những hành động nhỏ bé của mình có thể mang lại ảnh hưởng lớn và có giá trị tích cực.

Đồng thời, trẻ cũng sẽ trân trọng và biết ơn những điều mà bản thân đang có ở hiện tại, nhận thức rõ rằng không phải ai cũng may mắn có được một cuộc sống trọn vẹn giống như mình, và rằng việc giúp đỡ người khác là một phần quan trọng của việc sống ý nghĩa.

Ý thức về cộng đồng 

Tham gia hoạt động thiện nguyện không chỉ là một cách để trẻ rèn luyện kỹ năng và phát triển cá nhân, mà còn giúp trẻ nhận thức về tầm quan trọng của cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Khi trẻ tham gia vào các hoạt động như giúp đỡ người già, chăm sóc trẻ em khó khăn, làm vệ sinh môi trường, hay tham gia vào các dự án xã hội, trẻ sẽ nhận ra rằng mỗi người đều có khả năng và trách nhiệm đóng góp để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

KIỀU TRANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-gai-mai-phuong-duoc-thua-ke-hon-nua-ty-10-tuoi-cham-tu-thien-duoc-bao-mau-nuoi-day-dung-mong-uoc-cua-me-qua-co-a614809.html