Đêm sinh nhật muốn tạo bất ngờ cho bạn trai, nào ngờ khi thấy dòng chữ trên bánh kem anh liền bỏ chạy

Tôi cũng bất ngờ trước tình huống xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi làm mẹ đơn thân cũng đã gần 3 năm. Kể từ khi chồng rời bỏ mẹ con tôi về cõi vĩnh hằng, tôi cứ thế gồng gánh vừa làm mẹ vừa làm bố để con gái có được một cuộc sống tốt hơn.

Khi mọi thứ đã ổn định và nỗi đau đã dần nguôi ngoai, tôi bắt đầu mở lòng và tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Cuối cùng trời xanh cũng ban tặng một người đến bên cạnh tôi để chữa lành vết thương suốt mấy năm qua. Bạn trai là người hoàn toàn khác hẳn với gu tôi, nhưng tôi tìm được sự kết nối mạnh mẽ với anh.

Sau khoảng thời gian quen nhau, tôi chính thức đưa anh về ra mắt gia đình, dĩ nhiên trong đó có cả cô con gái 8 tuổi. Trước đó, tôi cũng đã từng nhắc qua về bạn trai của mẹ để con làm quen dần, thấy con không phản đối nên tôi vui lắm, nghĩ con sẽ sớm làm quen với chuyện này.

Ảnh minh hoạ

Vài lần sau đó, tôi đã đưa con đi theo trong những buổi hẹn hò cùng với bạn trai để hai chú cháu có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết với nhau hơn. Qua mỗi buổi như thế, tôi đều quan sát thái độ, tâm trạng và hỏi han suy nghĩ của con, đứa trẻ vẫn vui vẻ đón nhận chứ không phản ứng chống đối gì cả.

Thế nhưng mãi cho đến hôm nay, trong đêm sinh nhật của bạn trai, mọi sự thật mới vỡ lẽ. Chuyện là sáng nay tôi tất bật mua đồ về muốn tự tay tặng cho anh một quả bánh kem, và tổ chức một buổi tiệc sinh nhật nhỏ chỉ có 3 người.

Tưởng đây sẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất nhưng nào ngờ, ngay sau khi bạn trai nhìn thấy dòng chữ được ghi trên quả bánh kem, anh đã buồn bã bỏ về. Tôi cũng rất ngạc nhiên với dòng chữ đó, bởi rõ ràng đó không phải do tôi viết, mà là chính tay con gái nhỏ đã bày ra.

“Chú là người xấu, chú cướp mẹ khỏi bố con, con ghét chú, chú hãy tránh xa gia đình con ra” -  dòng chữ được viết trên tờ giấy rồi kẹp cùng với quả bánh kem khiến ai đọc cũng giật mình chứ đừng nói gì người trong cuộc như tôi và bạn trai.

Ảnh minh hoạ

Rõ ràng trước đó con có biểu hiện khá thích bạn trai tôi, tại sao bây giờ lại làm ra chuyện này. Sau một hồi bình tĩnh trò chuyện với con, tôi mới biết được tất cả mọi chuyện là do những người hàng xóm đã nói nói ra nói vào khiến tâm lý con gái bị ảnh hưởng.

Nghe xong, tôi cực kỳ tức giận, không hiểu sao những người này có thể nhiều chuyện và xấu tính đến thế. Một đứa nhỏ mà họ cũng không tha, nó đâu có lỗi gì. Giờ tôi lại phải vất vả đi giải thích, hướng dẫn cho con hiểu, nếu không chắc chắn trong lòng con sẽ có vô số khúc mắt, kèm với đó là sự tổn thương không tưởng chỉ vì nghe những lời nói ác ý từ mọi người xung quanh, dù đó là thật lòng hay chỉ đang đùa giỡn…

Tâm sự từ độc giả bichngan…@gmail.com

Khao khát tìm được hạnh phúc, tình yêu mới của những ông bố bà mẹ đơn thân là điều dễ hiểu và không có gì sai khi quyết định tiến thêm một bước nữa. Tuy nhiên trước khi đi đến quyết định này cha mẹ nên xem xét nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó con cái chính là điều tiên quyết.

Bởi thực tế, không phải em bé nào cũng hiểu chuyện và chấp nhận được việc mẹ (cha) sẽ tái giá mà có những phản ứng tâm lý và hành động bất ngờ. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các bà mẹ rơi vào tình trạng này.

Chuẩn bị tâm lý cho con như thế nào khi mẹ (Cha) có ý định tái giá?

- Hãy cho con làm quen với người đồng hành tương lai của mẹ: Trước tiên mẹ (cha) hãy cho con làm quen với người mình định tái giá theo những cách tự nhiên nhất như: Đi chơi, đi ăn uống cuối tuần với một nhóm bạn bè, hãy để ý và tạo ấn tượng tốt cho trẻ để chúng tự cảm nhận được mọi thứ… Thi thoảng hỏi con rằng “con thấy chú A có tốt bụng không?”, “con có thích chú B không?”... 

- Hãy cho con thêm thời gian chấp nhận, đừng vội vàng: Trẻ nhận thức được sự thay đổi cuộc sống và trong tâm thức chúng thấy nhiều mối lo sợ và bất ổn, đây là một quyết định quan trọng của cuộc đời vì vậy mẹ (cha)  hãy xây một cái cầu thang tâm lý theo từng bậc một, dần dần và tuyệt đối không được vội vàng. Dành thời gian nói chuyện, tâm sự với con và đừng quát nạt, bắt ép con phải làm thế này, thế kia với bố dượng/mẹ kế tương lai… 

- Hứa với con rằng không có chuyện mẹ (cha) sẽ bỏ rơi con: Không phải chỉ có bé gái mà cả bé trai cũng không muốn mẹ tái giá vì tâm lý sợ mất, sợ bị chia sẻ, đặc biệt khi con còn nhỏ và chưa thể độc lập làm mọi việc. Mẹ (cha) đi bước nữa rồi sẽ có con cái riêng, con chung con riêng khiến trẻ cảm thấy lo lắng, thậm chí có những phản ứng tiêu cực như trầm cảm…

Hãy hứa với con rằng không bao giờ có chuyện mẹ (cha) bỏ rơi con khi có con cái riêng của họ, vì con cũng là con của mẹ (cha), nên mẹ (cha) tất nhiên sẽ yêu thương con hết đời. Cần phải chia sẻ cùng con, tạo cho con niềm tin rằng cha mẹ luôn bên con dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu: Không chỉ có con cái mới cần cảm thông cho mẹ (cha) khi họ đi tìm hạnh phúc riêng mà mẹ (cha) cũng cần thấu hiểu cho tâm trạng, suy nghĩ của các con. Khi mẹ tái hôn, con càng cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn trước, các em cần có một gia đình riêng nhỏ bé. Do đó, cho con có cơ hội được lựa chọn việc đi chơi cùng ai, có thể gặp gỡ bố ruột, mẹ ruột hay không… chính là sự tôn trọng cần thiết của mẹ (cha) dành cho con khi tái giá.

TRANG TRI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dem-sinh-nhat-muon-tao-bat-ngo-cho-ban-trai-nao-ngo-khi-thay-dong-chu-tren-banh-kem-anh-lien-bo-chay-a615343.html