Mẹo biến kỹ năng lắng nghe thành lợi thế khi trả lời phỏng vấn

Bạn có biết, trong một buổi phỏng vấn, điều khiến bạn nổi bật không chỉ là những câu trả lời thông minh mà đôi khi còn nằm ở việc bạn lắng nghe nhà tuyển dụng như thế nào. Cách bạn lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu câu hỏi không chỉ giúp bạn có câu trả lời phỏng vấn đúng trọng tâm mà còn tạo nên sự kết nối chân thành giữa bạn và nhà tuyển dụng.

screenshot-2024-10-16-112506-1729052722.jpg

Tại sao kỹ năng lắng nghe lại quan trọng đến vậy?

Giúp hiểu sâu hơn về câu hỏi

Theo các chuyên gia nhân sự CareerLink, một câu hỏi phỏng vấn không phải luôn đơn giản như cách bạn tiếp nhận nó. Nhà tuyển dụng thường không tìm hiểu những điều cơ bản mà họ muốn thăm dò thêm về tư duy, tính cách và cách bạn xử lý tình huống. Nếu chỉ nghe qua loa hoặc trả lời vội vã mà không thực sự hiểu câu hỏi, bạn rất dễ đưa ra những câu trả lời thiếu chính xác hoặc lạc đề.

Việc lắng nghe kỹ lưỡng giúp bạn nhận ra những tín hiệu nhà tuyển dụng ngầm gửi gắm. Ví dụ, khi họ hỏi: "Bạn đã từng đối mặt với thất bại trong công việc hay chưa và bạn học được gì từ nó?” không có nghĩa họ chỉ muốn lắng nghe bạn chia sẻ về câu chuyện thất bại mà còn muốn đánh giá khả năng học hỏi và vực dậy sau khó khăn của bạn. Lắng nghe giúp bạn thấu hiểu sâu hơn và trả lời một cách tinh tế hơn để chạm đúng vào điều nhà tuyển dụng thực sự quan tâm.

Xử lý các câu hỏi khó

Những câu hỏi như "Điểm yếu của bạn là gì?" hay "Tại sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì ứng viên khác?" thường mang tính thử thách và đòi hỏi sự tinh tế rất cao trong câu trả lời. Khi bạn lắng nghe thật kỹ, bạn có thể nhận ra nhà tuyển dụng đang muốn thử thách khả năng tự nhìn nhận, đánh giá các khía cạnh của bản thân và sự khiêm tốn, khéo léo của bạn chứ không đơn thuần muốn nghe bạn chia sẻ một cách quá thẳng thắn những suy nghĩ sâu trong lòng mình.

screenshot-2024-10-16-112559-1729052775.jpg

Tạo sự kết nối với nhà tuyển dụng

Khi lắng nghe kỹ càng, bạn không chỉ hiểu rõ câu hỏi mà còn cảm nhận được suy nghĩ, cách truyền đạt thông tin và cảm xúc của nhà tuyển dụng. Điều này tạo ra một mối liên kết mềm mại giữa đôi bên, giúp việc trả lời phỏng vấn như một cuộc trò chuyện chứ không phải những câu hỏi đáp đơn thuần, không khí cũng vì vậy mà trở nên dễ chịu và tự nhiên hơn.

Thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp

Lắng nghe là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện. Khi chăm chú lắng nghe, bạn gửi đi một thông điệp rằng bạn coi trọng những gì họ đang chia sẻ. Điều này tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về tính chuyên nghiệp của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra rằng bạn không chỉ quan tâm đến việc giành được công việc mà còn tôn trọng quá trình tương tác và giao tiếp giữa đôi bên. Những chi tiết nhỏ này có thể giúp bạn nổi bật hơn rất nhiều so với những ứng viên khác.

Cách biến kỹ năng lắng nghe thành lợi thế khi phỏng vấn xin việc

Lắng nghe chủ động

Lắng nghe không có nghĩa chỉ nghe và im lặng. Hãy lắng nghe một cách chủ động: giữ ánh mắt tập trung vào người đối diện, không ngắt lời và thể hiện bạn đang chú ý bằng cách gật đầu hoặc mỉm cười. Cách bạn thể hiện sự lắng nghe sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy được tôn trọng và thoải mái hơn.

screenshot-2024-10-16-112647-1729052822.jpg

Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể cũng cần được chú ý: Tránh các động tác thể hiện sự phân tâm như khoanh tay, nhìn đồng hồ hay cầm điện thoại. Những hành động này cho thấy bạn không thực sự lắng nghe và nhà tuyển dụng có thể nhận định rằng bạn không quan tâm đến cuộc trò chuyện.

Đọc ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng

Lắng nghe không dừng lại ở việc nghe lời nói mà bao gồm việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng. Điều này giúp bạn kịp thời nhận biết cảm xúc và phản ứng của họ, từ đó điều chỉnh câu trả lời của mình sao cho phù hợp.

Sử dụng thông tin từ nhà tuyển dụng để phản hồi thông minh

Khi lắng nghe, bạn có thể thu thập được rất nhiều thông tin quý giá. Nhà tuyển dụng không chỉ đặt câu hỏi mà còn lồng ghép những thông tin về công ty, văn hóa làm việc và kỳ vọng của họ. Nếu bạn biết tận dụng những thông tin này để phản hồi, bạn sẽ ghi điểm đáng kể.

Ví dụ, nếu nhà tuyển dụng từng chia sẻ rằng họ đang tìm kiếm một ứng viên có khả năng quản lý dự án, bạn có thể khéo léo chia sẻ về kinh nghiệm quản lý dự án của bản thân và những kết quả bạn đã đạt được trong công việc trước đây.

Hỏi lại khi cần thiết

Lắng nghe không có nghĩa bạn phải hiểu tất cả mọi thứ ngay lập tức. Đôi khi, câu hỏi của nhà tuyển dụng có chút phức tạp hoặc không rõ ràng. Đừng ngại hỏi lại để làm rõ vấn đề vì điều này sẽ giúp bạn đưa ra những câu trả lời chính xác hơn.

Nếu nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi mà bạn không chắc chắn, bạn có thể nói: "Xin lỗi, anh/chị có thể giải thích thêm về điều này được không?". Hành động nhỏ sẽ giúp bạn tránh trả lời sai hướng và khiến bản thân mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Phân tích và kết nối thông tin

Khi biết lắng nghe, bạn sẽ có khả năng liên kết các phần thông tin khác nhau trong buổi phỏng vấn. Điều này giúp bạn đưa ra những câu trả lời toàn diện và sâu sắc hơn.

Ví dụ, trong phần đầu của buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã nhắc đến một dự án quan trọng mà công ty đang triển khai, bạn có thể liên hệ đến nội dung này khi trả lời các câu hỏi về sau, chẳng hạn như: “Dựa trên những thông tin mà anh/chị đã chia sẻ về dự án A, em nghĩ rằng kỹ năng quản lý của mình có thể đóng góp rất nhiều cho dự án này”. Lắng nghe không chỉ là kỹ năng mà còn là nghệ thuật giúp bạn ghi dấu ấn khi trả lời phỏng vấn. Đó là cách bạn xây dựng sự kết nối, thấu hiểu và phản hồi một cách thông minh, tinh tế. Đừng chỉ nói thật nhiều, hãy dành thời gian lắng nghe và cảm nhận. Khi bạn lắng nghe thật kỹ, bạn sẽ thấy phỏng vấn không còn là áp lực mà đó là cơ hội để thể hiện bản thân một cách hiệu quả.

Trang Đoàn

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/meo-bien-ky-nang-lang-nghe-thanh-loi-the-khi-tra-loi-phong-van-a615399.html