Hiếm muộn 10 năm mới có con, mẹ bỉm bức xúc mẹ chồng tự ý đặt tên cho cháu, còn lót “Thị” trong giấy khai sinh

Người mẹ này cho rằng thời nay không ai đặt tên con có chữ “Thị”.

Đặt tên cho con là chuyện hệ trọng của gia đình sau khi em bé chào đời. Thông thường quá trình này sẽ được xem xét, bàn luận kỹ lưỡng giữa bố mẹ và còn có sự tham gia của những người thân trong nhà, đặc biệt là ông bà. Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau, nên việc xảy ra tranh cãi, bất đồng quan điểm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong chuyện đặt tên cho con, bố mẹ - người sinh ra đứa trẻ sẽ có quyền quyết định cuối cùng.

Cách đây vài ngày, trên các diễn đàn mạng xã hội bàn tán rầm rộ về một trường hợp liên quan đến vấn đề đặt tên cho con sơ sinh của một gia đình, và đã có không ít ý kiến tranh luận từ dân tình được đưa ra. Cụ thể, tài khoản giấu tên được cho là của một ông bố bày tỏ nỗi lòng khi mẹ ruột và vợ xảy ra xích mích vì chuyện đặt tên cho con.

Theo đó, người bố này cho biết, vợ chồng anh hiếm muộn, chữa trị lâu mới có con và đến nay sau 10 năm cưới nhau thì mới được lần đầu “lên chức”. Niềm vui đến chưa được bao lâu thì mẹ chồng và con dâu gặp bất đồng quan điểm, bà nội đã không bàn bạc với bố mẹ cháu gái mà đã tự ý đặt tên cho cháu.

Điều đáng chú ý là trong tên cháu, bà nội có đệm chữ “Thị” và đây là lý do khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu trở nên căng thẳng. Người mẹ ở câu chuyện này không muốn tên con có chữ “Thị”, vì cô cho rằng nó lỗi thời. Xã hội hiện đại ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh đã không còn sử dụng các cách đặt tên truyền thống như xưa, cụ thể là con trai thường có đệm "Văn" và con gái là "Thị". 

Thấy vợ phản đối kịch liệt, thể hiện thái độ khó chịu, người chồng trong tình huống này đã ra sức góp ý với vợ và khuyên cô làm theo ý mẹ chồng. Tuy nhiên, sau khi đoạn tin nhắn giữa 2 vợ chồng được đăng tải lên mạng thì tranh luận của dân tình ngày càng gay gắt. 

Người chồng cho rằng, chữ “Thị” không có vấn đề gì cả vì trong gia đình, bạn bè vẫn còn nhiều người đệm “Thị” trong tên. Nhưng mấu chốt vẫn là người mẹ này không thích, cả cô và mẹ chồng không ai chịu nhường ai cả nên vấn đề mới trở nên rối ren, khó giải quyết.

Bài đăng về tên gọi đã thu hút sự chú ý của nhiều người, và chia thành 2 luồng ý kiến tranh luận. Một số ý kiến cho rằng đệm "Thị" không phải là điều xấu, nên hãy vì hòa khí gia đình mà chấp nhận. Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng bà mẹ trong trường hợp này hoàn toàn có quyền tự quyết định tên cho con mình mà không phải chịu sự ảnh hưởng của ai, vì cô là người đã sinh ra bé.

Một số bình luận nổi bật như:

- Mình vẫn giữ quan điểm, con ai đẻ ra người nấy đặt tên, không tranh giành. Người mẹ mang nặng đẻ đau mà đặt cái tên con cũng không cho là sao. Bà cũng tự đặt tên cho các con của bà rồi thì dâu nó sinh con cũng phải cho nó cái quyền làm mẹ chứ!

- Bố mẹ trẻ chỉ tham khảo ông bà xem tên định đặt có trùng tên ai trong họ nội ngoại không thôi,còn quyền đặt tên con là của bố mẹ đứa trẻ.

- Bố mẹ đi đổi chữ đệm là được mà, tên bà đặt, đệm mẹ đặt, vẹn cả đôi đường.

- Mình thấy bình thường, tên không quá quê mùa hoặc là không quá sến súa là được, có chữ “Thị” hay không cũng không quan trọng. 

- Trước giờ các ông bà hay có thói quen muốn đặt tên cho cháu, đấy là tấm lòng của ông bà thôi. Bố mẹ không thích tên ông bà đặt và không muốn mất lòng thì đơn giản thôi, tên ông bà đặt thì để ông bà gọi cháu khi ở nhà, còn giấy tờ khai sinh và tên cháu sau này đi học đi làm thì bố mẹ đặt. Tên ông bà đặt mà không trên giấy tờ có thể gọi là bí danh, còn tên bố mẹ đặt gọi là tên thật. Lúc nhỏ ở nhà ông bà gọi tên ông bà thích, sau cháu đi học gọi tên thật, dần dần ông bà cũng quen là vui vẻ thôi. Chứ các cụ nhiều người tư tưởng cũ khó tính, vẫn theo nếp cháu nội do ông bà nội đặt tên đó.

Thực tế việc sinh con, nuôi con và đặt tên cho con không chỉ là vấn đề của bố mẹ mà còn là vấn đề của gia đình, tất cả các thành viên trong gia đình. Do đó khi cả hai đứng trước một quyết định quan trọng như đặt tên cho con mới sinh thì cần phải lấy ý kiến của mọi người trong gia đình, đặc biệt là những người có chức vị cao như ông bà để không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Tuy không có luật nào bắt buộc các ông bố bà mẹ phải làm theo 8 điều này, nhưng đây đều là những lưu ý cần thiết để đảm bảo con có một cái tên đẹp, ý nghĩa và không gặp rắc rối sau này.

Lưu ý vị trí của tên con khi xếp theo thứ tự bảng chữ cái

Nhiều bậc cha mẹ rút ra "kinh nghiệm xương máu từ bản thân là không nên đặt tên con xếp ở đầu sổ hoặc cuối sổ vì rất dễ bị gọi lên bảng trả bài. Rõ ràng, những cái tên bắt đầu bằng chữ ở giữa bảng chữ cái như H, K, M, L,... sẽ không bị gọi quá sớm hoặc quá muộn trong các cuộc thi. Tuy nhiên, đặt tên con bắt đầu bằng những chữ ở đầu bảng chữ cái cũng không thể nói là bất lợi, vì đây cũng là cơ hội để trẻ rèn luyện tính bình tĩnh và khả năng đương đầu với thử thách trong mọi hoàn cảnh.

Tuyệt đối không dùng tên người yêu cũ đặt cho con

Con cái là kết quả của tình yêu giữa hai vợ chồng, và chuyện tình yêu trong quá khứ cần được để yên ở quá khứ. Nếu dùng tên người cũ để đặt tên cho con, rất có thể nó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến dẫn đến đổ vỡ của hai vợ chồng.

Đặt tên cho con nên tuân theo luật bằng trắc

Một cái tên của trẻ nên có sự kết hợp hài hòa giữa cả thanh bằng (gồm thanh ngang và thanh huyền) và thanh trắc (gồm các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng), tuân theo quy luật cân bằng âm dương. Đặc biệt, tránh những cái tên chỉ toàn thanh trắc vì nó dễ gợi cảm giác trúc trắc, nặng nề, không suôn sẻ.

Tên con có thể gồm cả họ cha lẫn họ mẹ

Đa phần người Việt đặt tên con theo họ cha. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình đã bắt đầu đặt tên con gồm cả họ cha lẫn họ mẹ, chẳng hạn như Lê Vũ Bảo Hân, Phạm Nguyễn Đăng Khoa,... Đặt tên con mang cả hình bóng của cha lẫn mẹ trong đó cũng là cách đặt rất ý nghĩa mà các bậc phụ huynh có thể cân nhắc.

Tên nên có ý nghĩa hay

Cần chọn tên cho con có ý nghĩa tích cực và lịch sự, vì cái tên sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời. Đã qua rồi cái thời bố mẹ thích đặt tên con thật xấu cho... dễ nuôi và để ông Trời không bắt đi mất.

Tên phải hợp với giới tính của con

Con gái mang tên giống con trai hay con trai mang tên con gái đều dễ gây nhầm lẫn trong giao tiếp, xưng hô hay làm giấy tờ và có thể dẫn đến nhiều rắc rối khác.

Có thể đặt tên con và các anh chị em trong nhà cùng tên hoặc cùng chữ lót

Bố mẹ có thể đặt cho các con tên hoặc chữ lót giống nhau. Chẳng hạn như một nhà có 3 con có thể đặt là Bảo Lan, Bảo Phúc, Bảo Ngọc hay Minh Hà, Thanh Hà, Việt Hà. Điều này tạo nên mối liên kết đặc biệt thân thương và gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Cách đặt này không bắt buộc nhưng cũng là một gợi ý hay để bố mẹ tham khảo.

Không nên đặt tên trùng tên tiền nhân

Văn hóa Việt thường không ủng hộ cách đặt tên người ở vai vế nhỏ hơn, trùng với tên của người có vai vế lớn hơn. Để tránh rơi vào tình huống khó xử này, bố mẹ nên "khảo sát" tên của cả gia đình hai bên ít nhất 3-4 đời để tránh cho tên bé yêu bị trùng lặp với một người nào đó lớn tuổi hơn.

KIỀU TRANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hiem-muon-10-nam-moi-co-con-me-bim-buc-xuc-me-chong-tu-y-dat-ten-cho-chau-con-lot-thi-trong-giay-khai-sinh-a615747.html