Văn học giúp chữa lành, nhưng cũng là nơi để những đứa trẻ trút bỏ nỗi lòng, tâm sự về những điều giấu kín bên trong mà có thể chỉ qua lời nói vẫn không thể nào lột tả hết ý. Đặc biệt là khi viết về gia đình, bố mẹ và những người trẻ yêu thương thì cảm xúc của trẻ sẽ ùa về một cách mãnh liệt và dạt dào, từ đó trẻ sẽ cho ra những bài văn lay động lòng người, khiến ai nấy đều xúc động sau khi đọc xong.
Tiêu biểu như bài văn viết về mẹ của một học sinh lớp 6 vào năm 2017, bỗng thu hút sự quan tâm trở lại của nhiều người, vì nội dung của nó đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Chỉ với vỏn vẹn 9 dòng viết, thế nhưng cậu học sinh này đã nhận được điểm 10 tròn trĩnh từ giáo viên, thậm chí còn khiến thầy dạy văn bật khóc ngay từ dòng đầu tiên.
"Em xin lỗi. Em chỉ là đứa trẻ mồ côi.
Em sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Vì sinh ra em, mẹ em đã ra đi trong sự dày vò của căn bệnh ung thư hiểm ác. Em chỉ thấy mẹ qua giấc mơ, lời bố kể và bức ảnh đen trắng được đặt trên bàn thờ.
Trong trái tim em, mẹ luôn là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, mặc dù chỉ qua tưởng tượng" - nguyên văn bài viết cực kỳ xúc động của học sinh lớp 6.
Thật sự không có điều gì bất hạnh và đau nhói hơn, bằng việc một đứa trẻ mất mẹ ngay từ khi sinh ra. Nghĩa là đến cả mẹ mình có hình dáng trông như thế nào, đứa trẻ này cũng mãi mãi không bao giờ biết được, mà chỉ có thể nghe qua lời kể của bố, qua những bức ảnh và trí tưởng tượng của bản thân.
Dẫu chưa từng cảm nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc từ mẹ, thế nhưng cậu nhóc vẫn dành cho mẹ một vị trí đặt biệt nhất trong trái tim, cho rằng “mẹ luôn là người phụ nữ đẹp nhất thế gian”. Qua vài dòng văn, ai cũng có thể cảm nhận cậu học sinh này là một đứa trẻ hiểu chuyện, ấm áp đến nhường nào. Giống như người thầy, cộng đồng mạng đọc xong bài văn hẳn cũng sẽ thấy ướt nhòe khóe mắt.
Có nhiều lý do khiến trẻ có thể viết ra được những bài văn cảm động giống như bài văn ở trên, bởi:
- Trẻ em thường có tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc về cuộc sống xung quanh. Trẻ quan sát, trải nghiệm và cảm nhận được nhiều điều mà người lớn có thể bỏ qua. Khi được khuyến khích bày tỏ cảm xúc qua việc viết văn, trẻ sẽ có cơ hội thể hiện những trải nghiệm và tâm tư chân thật nhất của mình.
- Viết văn là một kênh giúp trẻ bày tỏ những thông điệp mà đôi khi trẻ sẽ rất khó nói ra bằng lời nói. Khi không dám hoặc không biết cách bày tỏ nỗi lòng, trẻ có thể chọn viết ra để tự giải tỏa và chia sẻ.
- Trẻ em thường có tâm hồn rất trong sáng và lý tưởng. Trẻ thường quan sát và suy ngẫm về những vấn đề mang tính triết lý, đạo đức như gia đình, tình yêu, sự sống... Những trăn trở này được trẻ thể hiện qua văn bản một cách chân thành.
- Viết văn còn là một cách để trẻ gây sự chú ý và được người lớn lắng nghe. Trẻ mong muốn nhận sự chia sẻ, thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô và hy vọng những người lớn có thể thay đổi, kịp thời đưa ra những sự hỗ trợ khi trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.
- Hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của trẻ có thể là chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tác. Trẻ sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khó khăn, hoặc có những trải nghiệm đau thương thường có xu hướng viết những bài văn sâu lắng và cảm động.
Việc bố mẹ, thầy cô giúp trẻ trau dồi năng lực văn học mang lại những giá trị gì cho bé?
- Phát triển tư duy sáng tạo và khả năng trải nghiệm
Tiếp xúc với văn học giúp mở rộng tầm nhìn của trẻ bởi văn học mang đến những thế giới, câu chuyện phong phú và đa dạng. Trẻ được tiếp cận với những quan điểm, cách nhìn nhận về cuộc sống khác biệt so với những gì trẻ vốn biết. Điều này giúp kích thích trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ.
Thông qua các hoạt động sáng tạo như viết, kể chuyện, trẻ có cơ hội thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Đây là dịp để trẻ khám phá chính mình, tìm hiểu về những trải nghiệm, quan điểm riêng. Quá trình này sẽ giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo và khả năng tự thể hiện.
- Nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp
Tiếp xúc với các thể loại văn học như truyện, thơ, kịch... sẽ giúp trẻ làm quen, hiểu và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả hơn. Trẻ học cách diễn đạt ý tưởng, cảm xúc bằng từ ngữ phong phú, chính xác hơn.
Thông qua các hoạt động như đọc, kể chuyện, thảo luận về văn học, trẻ có cơ hội thực hành và cải thiện các kỹ năng giao tiếp quan trọng như nói, nghe, đọc, viết. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin và thành thạo hơn trong giao tiếp.
- Phát triển tính cách và giá trị nhân văn
Nhiều tác phẩm văn học chứa đựng những thông điệp, bài học về giá trị đạo đức, nhân sinh quan sâu sắc. Thông qua việc tiếp xúc với các câu chuyện, tình huống trong văn học, trẻ sẽ dần hình thành những phẩm chất như lòng nhân ái, trách nhiệm, ý chí vượt khó...
Việc tiếp thu và thực hành những giá trị này sẽ góp phần xây dựng tính cách tốt đẹp, giúp trẻ trở thành những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
- Thúc đẩy hứng thú học tập
Hoạt động văn học thường mang tính vui nhộn, hấp dẫn. Trẻ được tham gia vào các trò chơi, hoạt động sáng tạo liên quan đến văn học sẽ cảm thấy thích thú, vui vẻ. Điều này giúp trẻ hình thành niềm đam mê và động lực học tập tích cực.
Khi trẻ cảm thấy hứng thú với hoạt động học tập, các em sẽ tập trung chú ý và nỗ lực hơn để tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới. Từ đó, trẻ sẽ có khả năng phát triển toàn diện hơn trong quá trình học tập.
KIỀU TRANG