Cô giáo giao bài tập điền từ tiếng Việt siêu khó khiến dân tình thi nhau đoán, đáp án gây hoang mang

Những đáp án được cư dân mạng đưa ra đọc mãi vẫn không hiểu ý nghĩa là gì.

Học tiếng Việt tốt giúp con tăng cường khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ và khéo léo trong cách diễn đạt hơn. Tuy nhiên, với nguồn ngữ pháp Việt vô cùng phong phú đã có không ít những câu từ khiến học sinh tiểu học phải "bó tay" với bài tập tiếng Việt. Thậm chí phụ huynh cũng không biết phải làm thế nào và hướng dẫn con ra sao?

Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM có con đang học tiểu học lên mạng "cầu cứu" mọi người giúp con chị làm một bài tập tiếng Việt. Theo hình ảnh chụp thì đó là bài số 2 trong một phiếu ôn tập tiếng Việt - tuần 8 của con được cô giáo phát cho.

Cụ thể, bài tập yêu cầu. Điền tiếng có vần "ay" hay "ây" vào chỗ trống của câu phía dưới.

Bé chơi … bay, … nhà; Chị lại chơi nhảy …, bơi ….

Em học sinh đã nhanh chóng tìm ra đáp án cho 3 phần trống đầu tiên là "máy", "xây" và "dây". Tuy nhiên khó khăn đã nằm ở phần ba chấm cuối cùng bởi cả mẹ và con đều không tìm ra từ nào có vần "ay" hay "ây" mà có thể ghép được với từ "bơi" mà đề bài đưa ra.

Hàng loạt những đáp án được cư dân mạng gợi ý đã ra đời. Thế nhưng nghe có vẻ cũng không được hợp lý cho lắm, lại càng gây hoang mang hơn.

"Bơi sây"; "Bơi láy"; "Bơi lậy"; "Bơi say"; "Bơi hay"; "Bơi nhảy"....

Đa số các bậc phụ huynh đều bày tỏ sự bất lực trong việc làm bài tập tiếng Việt này giúp em học sinh tiểu học và cho rằng bài tập này quá khó so với khả năng của các em.

Một số bài tập tiếng Việt khác của học sinh tiểu học cũng khiến phụ huynh khó hiểu.

Cô giáo cho rằng cách sắp xếp từ của em học sinh chưa chính xác.

Thực tế đúng là ngữ pháp tiếng Việt vô cùng phong phú. Điều đó vừa đem lại lợi ích cho con khi học tiếng Việt nhưng nhiều trường hợp cũng khiến trẻ cảm thấy bị áp lực. Chính vì thế song song với việc học trên lớp, bố mẹ cần rèn luyện thêm cho trẻ ở nhà và cùng trẻ làm bài tập để rèn luyện kỹ năng học tiếng Việt được tốt hơn.

Thứ nhất, bố mẹ cần rèn luyện kỹ năng đọc và hiểu nghĩa từ cho trẻ. Điều này rất quan trọng vì để hoàn thành tốt bài tập điền từ, trẻ phải hiểu được ý nghĩa của từng từ và câu. Bố mẹ có thể đọc cùng con, thảo luận về nghĩa của các từ vựng trong bài, đồng thời yêu cầu con giải thích lý do lựa chọn một từ cụ thể nào đó, trẻ sẽ nắm vững kiến thức từ vựng và ứng dụng chúng hiệu quả hơn trong bài tập.

Thứ hai, hãy hướng dẫn trẻ về các quy tắc chính tả khi viết. Các bài tập điền từ thường yêu cầu trẻ vận dụng kiến thức về kết hợp nguyên âm, phụ âm, cách viết đúng các vần, âm tiết. Vì vậy, bố mẹ cần giải thích rõ ràng các quy tắc này và hướng dẫn trẻ nhận biết, phân biệt chúng trong quá trình làm bài.

Ảnh minh họa

Thứ ba, bố mẹ cần rèn luyện kỹ năng suy luận, đoán từ cho trẻ. Trong nhiều bài tập điền từ, trẻ phải dựa vào ngữ cảnh, logic của câu để phán đoán từ phù hợp. Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ suy nghĩ, phân tích câu, từ ngữ để đưa ra lựa chọn thích hợp. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.

Thứ tư, hãy tạo môi trường luyện tập tích cực cho trẻ. Việc chuẩn bị nhiều bài tập điền từ khác nhau, tạo không khí vui vẻ và khuyến khích con tích cực thực hiện sẽ giúp trẻ dần nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Cuối cùng, bố mẹ cần thường xuyên kiểm tra, nhận xét và giải thích cho trẻ. Việc chỉ ra những chỗ sai và giải thích lý do, đồng thời hướng dẫn con cách tự kiểm tra, chữa bài sẽ giúp trẻ rút ra được những bài học quý giá, từ đó hoàn thiện kỹ năng làm bài tập điền từ ngày càng tốt hơn.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-giao-giao-bai-tap-dien-tu-tieng-viet-sieu-kho-khien-dan-tinh-thi-nhau-doan-dap-an-gay-hoang-mang-a615894.html