Sau hơn 2 năm trồng hoa giấy, tôi đã hoàn toàn khai phá được kỹ năng nhân giống hoa giấy. Tỷ lệ sống của cành giâm có thể đạt gần như 100%. Nhờ đó, khí chất “bá chủ” của hoa giấy dần dần bộc lộ. Và tôi bắt đầu cảm thấy hối hận vì không trồng loại hoa này sớm hơn.
Tại sao tôi lại thích trồng hoa giấy đến vậy?
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao tôi lại mê đắm hoa giấy đến vậy, vì nó không có mùi thơm và cành lại có gai. Thực ra, mỗi loài hoa đều có điểm hấp dẫn riêng. Và tôi thích hoa giấy vì 5 lý do sau:
- Khả năng thích ứng mạnh, có thể trồng ở cả ban công phía Bắc và phía Nam
Nhiều người biết rằng hoa giấy có khả năng chịu lạnh kém và lầm tưởng rằng nó không thích hợp để trồng ở phía Bắc hay ban công phía Bắc. Trên thực tế, miễn là nhiệt độ không thấp hơn 5 độ thì hoa giấy có thể sống sót qua mùa đông một cách an toàn.
Loài hoa này còn dễ thích nghi, có thể nở hoa quanh năm.
- Yêu cầu thông gió thấp, không cần lo lắng về sâu bệnh
Bản thân hoa giấy có khả năng kháng bệnh cao. Nó hầu như không có sâu bệnh kể cả khi trồng trong phòng kín cũng không cần lo lắng về sự xâm nhập của bệnh phấn trắng, nhện đỏ, ruồi đen nhỏ và các loại sâu bệnh khác như hoa hồng.
- Có nhiều giống với nhiều màu sắc khác nhau
Có nhiều loại hoa giấy và màu sắc của chúng có thể đậm hoặc nhạt. Chúng có thể tươi tắn, trang nhã và thanh tao, chúng cũng có thể lộng lẫy và đẹp như tranh vẽ, nhờ đó chúng có thể tạo ra những khu vườn nhỏ với nhiều phong cách khác nhau.
- Dễ trồng
Hoa giấy có khả năng sinh sản mạnh mẽ, dễ dàng nhân giống bằng cành. Mùa xuân và mùa thu là thời điểm tốt nhất để nhân giống loài hoa này, miễn là nhiệt độ từ 20-30 độ và độ ẩm không khí được duy trì trên 60%. Nếu các thao tác được thực hiện đúng cách, tỷ lệ sống của cành giâm có thể đạt gần như 100%.
Giâm cành có thể được thực hiện từ cành già hoặc cành non. Tuy nhiên để tăng tỷ lệ sống, để cây phát triển nhanh và nhanh chóng ra hoa, nên sử dụng cành bánh tẻ để nhân giống. Cắt cành dài 8-10 cm, có thể giữ lại 2 lá phía trên hoặc không, rạch phía dưới một góc 45 độ.
Phơi cành giâm đã xử lý cho đến khi vỏ ngoài của cành hơi nhăn rồi ngâm trong nước kích rễ khoảng 20 phút rồi hẵng cắm vào đất.
Tốt nhất nên sử dụng đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, ít mùn như cát sông làm giá thể. Sau khi cắm vào, tưới nước thật kỹ và đặt ở nơi có đủ ánh sáng, thông gió. Giữ nhiệt độ trên 20 độ, cành giâm sẽ bén rễ sau 20-30 ngày.
Vào mùa đông hoặc khi nhiệt độ xuống thấp, bạn có thể phủ túi nilon lên để giữ ấm và giữ ẩm nhằm thúc cành giâm ra rễ nhanh hơn.
- Cành cây mềm và có độ dẻo dai, dễ tạo dáng
Bản thân hoa giấy là một loại cây dây leo, nhưng nó không có khả năng leo. Chúng ta có thể tạo hình theo ý muốn thông qua lực kéo, cắt tỉa và các phương pháp làm vườn khác.
Có 3 kiểu tạo hình cho hoa giấy phổ biến nhất là: Thứ nhất, trôi sang một bên, tức kéo tất cả các cành về một hướng và cố định bằng dây nhôm hoặc băng keo làm vườn. Cắt tỉa những cành không kéo được hoặc những cành ảnh hưởng đến hình thức của cây.
Thứ hai, dùng một cành hoặc cố định trụ làm điểm tựa. Khi cây đạt đến chiều cao mong muốn, hãy để cây mọc thêm khoảng 15 đến 20 cm rồi tiến hành cắt ngọn để kích thích sự phân nhánh.
Thứ ba, tạo dáng hình cầu. Với dáng này, bạn chỉ cần thường xuyên cắt tỉa và tạo hình theo ý muốn.
Việc tạo hình cho cây hoa giấy thực sự rất đơn giản. Những người mới bắt đầu có thể mạnh dạn thử nghiệm, vì cây hoa giấy rất dễ chăm sóc và có khả năng chịu cắt tỉa tốt. Các cành của cây cũng rất dẻo dai, vì vậy bạn không cần quá lo lắng về việc làm tổn thương cây.
Cách chăm sóc hoa giấy cơ bản
Nếu bạn muốn hoa giấy phát triển nhanh chóng thì việc chăm sóc cơ bản phải được thực hiện tốt.
- Sử dụng đúng loại đất
Hoa giấy phát triển mạnh nhất trong đất chua. Tốt hơn hết, bạn hãy dùng đất dinh dưỡng trộn với mùn lá để trồng cây. Để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, tốt nhất nên thay chậu 1-2 năm một lần để đảm bảo đất tơi xốp, thoáng khí và không bị kiềm hóa.
- Sử dụng phân bón lót
Hoa giấy phát triển nhanh và có khả năng ra hoa mạnh. Nếu có thể thêm một ít phân hữu cơ đã phân hủy làm phân bón lót vào đáy chậu thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Phân bón dạng bánh là lựa chọn lý tưởng, vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng bền vững, giúp cây phát triển khỏe mạnh và cải thiện chất lượng đất. Khi sử dụng đúng loại phân bón nền, ngay cả khi việc bón phân sau này không đủ, cây vẫn có thể phát triển tốt mà không bị ảnh hưởng nhiều.
- Đảm bảo môi trường phát triển phù hợp
Hoa giấy ưa ánh sáng. Khi có đủ ánh sáng, cành và lá sẽ xanh, tràn đầy sức sống, thân cây không dài, dáng cây khỏe, khả năng ra hoa mạnh. Cho nên khi chăm sóc tại nhà dù ở trong nhà hay ngoài trời đều phải đặt cây ở nơi có đủ ánh sáng, nhất là vào mùa thu đông khi nhiệt độ xuống thấp.
Cần đảm bảo cây nhận được 6-8 giờ chiếu sáng mỗi ngày, tối thiểu không dưới 4 giờ, nếu không cây khó ra hoa. Cây càng nhận được nhiều ánh nắng thì khả năng ra hoa càng mạnh.
- Bón phân thúc cây ra hoa
Trong thời kỳ sinh trưởng của hoa giấy, chúng ta có thể sử dụng phân bón hỗn hợp cho hoa giấy để thúc đẩy sự phát triển của nó. Bón 15 ngày/lần. Có thể sử dụng cả phân bón tan chậm và phân bón hòa tan trong nước cho cây.
Trong thời kỳ ra hoa nên bón thêm lân và kali. Cụ thể trước khi ra hoa, nên bón phân lân và kali 7-10 ngày một lần. Bạn có thể tưới trực tiếp vào gốc hoặc phun lên lá cho đến khi hoa nở. Sau khi nở hoa thì ngừng bón phân.
- Tưới nước
Hoa giấy có khả năng chịu hạn tốt. Tưới nước nhiều hơn vào mùa hè khi nhiệt độ cao để tránh bị cháy nắng. Vào những thời điểm khác, bạn có thể giữ độ ẩm của đất ít nhất là 50%. Trong thời kỳ ra hoa, nên kiểm soát nước và giữ đất khô ráo để cây ra hoa, chờ cho lá héo rồi mới tưới nước lại.
LYLY
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sau-khi-trong-hoa-giay-o-ban-cong-2-nam-toi-rat-hoi-han-vi-ly-do-nay-a616066.html