"Cái bây giờ" trong lớp vỏ đại chúng
Giải Cứu Anh "Thầy" - nghe tựa phim, mọi người đều dễ mường tượng và đón đợi một tinh thần đại chúng. Đây là bộ phim khá hiếm hoi trong những năm gần đây tái hiện hơi thở cuộc sống hiện tại một cách thú vị, mới mẻ, có chiều sâu. Làm phim về cái đang diễn ra - "cái hôm nay, cái bây giờ" trong xã hội luôn là một thách thức lớn và có lẽ, đây là phim Việt Nam đầu tiên giễu nhại về "nghề dạy đời", mà chủ thể là "những bậc thầy phong cách sống" đang nổi trên mạng.
Theo dõi điện ảnh Việt Nam lâu nay, cá nhân người viết vẫn khát khao 3 điều: tác phẩm lột tả tinh thần của hơi thở (chứ không phải chỉ là hơi thở) cuộc sống đương đại, cuộc sống của người trẻ; tác phẩm mang lại ngôn ngữ điện ảnh thật mới mẻ, thật riêng, thoát khỏi lối mòn; và cuối cùng khi rời rạp sau giờ chiếu, người xem còn có thể ngẫm nghiệm rất lâu dài về sau ý nghĩa và giá trị của bộ phim. Xem Giải Cứu Anh "Thầy", thật vui sướng thấy được tất cả.
Như đã nói, phim có cái tựa đại chúng, có câu chuyện gắn liền với cuộc sống của mỗi người nên cốt chuyện cũng rất đại chúng: những đam mê làm ta sa ngã và khó thoát, những gặp gỡ tình cờ khiến đời ta đổi nhịp, những mâu thuẫn làm thành vết thương trong gia đình khiến ta đớn đau khó nguôi, những yêu thương ruột thịt khiến ta nặng gánh cưu mang đến suy lụy. Hình ảnh giới trẻ với đời sống online, diện mạo livestream, trào lưu chữa lành tâm lý, những lớp học về cách sống,... hiện lên sống động, hài hước. Thoại phim trào lộng, rất đời, khiến người xem như đang ngồi trong những hội thoại ngày thường. Hài hước mà thâm thúy, giàu hơi thở thời đại.
Xem Giải Cứu Anh "Thầy", khán giả sẽ tủm tỉm cười khi chứng kiến những điều rất quen thuộc, gần gũi và ngày càng tràn lan trong cuộc sống hằng ngày - hôm nay hiện lên trên màn ảnh một cách sống động: "thầy" Minh Thấu rao giảng về triết lý sống nhưng cuộc đời thì hoàn toàn mất định hướng, bế tắc; dịch vụ chữa lành, tham vấn tâm lý dựa vào tâm linh; những cái hố mà con người dễ sa ngã vì mê lầm và khó thoát khỏi: nghiện cờ bạc, mù quáng trong niềm tin tín ngưỡng và tình yêu trớ trêu. Tựa phim, câu chuyện ấy phần nào bộc lộ ý muốn đến gần với đại đa số khán giả của người làm phim, cùng người xem ngắm nghía hiện thực đời sống đang lồ lộ, thở phập phồng hằng ngày. Cái cuộc sống pha trộn giữa "online" và "offline", sự can thiệp, xâm lấn của truyền thông, livestream, video clip, dịch vụ "chữa lành",… làm nên diện mạo xã hội nhiễu nhương, phận người xoay vần trong vòng xoáy đảo điên được tái hiện sống động, hài hước. Xem phim, ta như cười chính mình, thời đại của mình với những gì vẫn đang diễn ra trong thì hiện tại tiếp diễn.
Đột phá trong cốt hàn lâm
Tuy nhiên, tinh thần đại chúng ấy lại được chuyển tải tài tình, tưng tửng bằng ngôn ngữ điện ảnh hàn lâm. Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã lồng ghép và có bước đi đầy chủ ý trong sự nhập nhòa của lối quay sitcom, quay clip pha lẫn với phong cách chuyển động camera phá cách của điện ảnh art house, giàu tính thể nghiệm. Những cú dịch chuyển máy tự do, hướng về phía người nói, tạo cảm giác như xem "livestream" sống động, trực diện, đưa người xem vào trường quan sát nhân vật với những nhân dạng chuyển dịch giữa đời thực và sống ảo. Thủ pháp quay cận cảnh, áp sát khuôn mặt với góc máy nghiêng, lệch, méo mó kết hợp với tình huống phim và tâm lý, tính cách nhân vật, tạo ra "mớ hỗn độn" kèm tiếng cười hài hước, nhẹ mà thâm thúy. Màu sắc di chuyển giữa phim trắng đen và phim màu, nhân vật lẫn cốt truyện đều đi trên sợi dây mỏng manh giữa thực và phi thực. Nhạc nền hòa trộn, nối tiếp nhiều thể loại khác nhau, đưa người xem đi qua nhiều cung bậc, sắc thái của đời sống.
Gần như, Phi Anh thử nghiệm sáng tạo trong hầu hết các yếu tố nghệ thuật của bộ phim, tạo thành một tổng thể hài hòa và tinh tế, táo bạo trong sự thấu đáo, không sa vào phô diễn. Tính toán kín kẽ đó trở thành mưu cầu của sự khoái, hòng cố gắng mang lại sự phá cách, mới mẻ trong sáng tạo. Chất sống của đời và chất lạ, thậm chí "quái" của lối kể tạo nên sự trào lộng thâm sâu cả về nội dung lẫn hình thức. Cách chia chương, việc đặt nhân vật, người xem và cả chính mình vào một trò chơi với những sự lựa chọn khó đoán định khiến cho bộ phim như một sự đùa, sự "nhây" khiến người xem bồn chồn, nhấp nhổm đồng thời mang tới tiếng cười và len vào từng lớp sâu xa. Sự "nhây" còn ở sự cách tân về hình thức khi tinh thần hàn lâm và hơi thở đại chúng đan lồng vào nhau suốt 98 phút, phơi lộ đời sống đại chúng lên trên cái lõi tự sự phức tạp, độc đáo, mang tính "siêu tự sự".
Bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, nên tác giả bài viết này không có chủ đích so sánh và chỉ cảm thấy đầy hứng thú khi liên tưởng Giải Cứu Anh "Thầy" với những hiện tượng nghệ thuật khác để ngẫm ngợi thêm về sự độc lạ của bộ phim. Tiếng cười trào lộng mang hơi nóng hôi hổi của đời sống đương đại đầu thế kỷ 21 gợi nhắc đến tinh thần "uy-mua" của Vũ Trọng Phụng đầu thế kỷ 20 trong "Số đỏ", nhưng chất "quái", "lạ", "nhây" bất chấp mọi khuôn khổ của chuyện kể lẫn cách kể khiến chúng ta có thể tạm hình dung Phi Anh như Châu Tinh Trì của miền Bắc đất Việt. Sự thể nghiệm có tính đột phá của máy quay, khuôn hình và sự pha trộn thật, ảo cùng điểm nhấn trong động tác hình thể của nhân vật Phòn khiến người xem liên tưởng đến những phân đoạn đôi nam nữ nhảy múa kỳ lạ, tách khỏi mạch truyện trong Cái lỗ (The Hole) của Thái Minh Lượng. Và cuối cùng, sự cải trang của hàn lâm trong lốt đại chúng không khỏi khiến chúng ta nhớ đến "Tên của đóa hồng" của Umberto Eco - cuốn "siêu tiểu thuyết" đã gây nên "cú sốc tự sự", phá vỡ mọi ranh giới giữa đại chúng và hàn lâm.
Khát vọng về tiếng nói "có cái gì mới không" có giải cứu "thế kẹt" của điện ảnh Việt Nam?
Từ nhiều thập niên qua, điện ảnh Việt Nam thể hiện sự phân hóa khá rõ giữa 2 loại hình: điện ảnh đại chúng và điện ảnh hàn lâm. Những bộ phim đại chúng gần gũi, đáp ứng thị hiếu của đa số khán giả nhưng thường dễ rơi vào khủng hoảng khi các công thức kể chuyện bị lặp đi lặp lại, lao vào lối mòn với thủ pháp đơn điệu, nội dung hời hợt, bị khán giả tẩy chay. Trong khi đó, phim hàn lâm vẫn luôn mang cái mác "phim kén khán giả", khó xem, khó hiểu và lặng lẽ ở trong tháp ngà.
Một nền nghệ thuật cần có sự đa dạng, đa sắc, đa thanh về loại hình. Tuy nhiên, khi lằn ranh phân hóa quá đậm thì dễ khiến sự phát triển của nền nghệ thuật ấy mất cân bằng, lâm vào thế kẹt. Như trà và sữa cần tương tác để tạo nên một loại thức uống hấp dẫn suốt thời gian dài, phim hàn lâm và đại chúng nhiều khi cũng cần gặp gỡ, làm nhòa ranh giới để tạo cú va đập, thúc đẩy từng loại hình vận động, sinh ra cái mới. Bởi nghệ thuật luôn cần cái mới, không có cái mới, nghệ thuật sẽ chết.
Vì vậy, điện ảnh Việt Nam thực sự cần những bộ phim nằm giữa lằn ranh ấy để khán giả được thưởng thức cái chất đại chúng không dễ dãi và cái chất hàn lâm không quá phức tạp, thách thức về cảm thụ. Từ đó, thị hiếu nghệ thuật của đại đa số người tiếp nhận cũng sẽ vận động, thay đổi, tạo đà cho sự phát triển chung của cả nền điện ảnh.
Có thể, bộ phim chào sân của Nguyễn Phi Phi Anh sẽ gây ra một tranh cãi, vì cái gì mới quá cũng dễ khiến người ta thấy lạ lẫm, ngơ ngác, không dễ được số đông đón nhận nhưng cũng rất khó không ngồi xem tới cuối, như cách khán giả đã ngẩn ngơ, bần thần khi xem Nữ Ca Sĩ Hói Đầu của Eugène Ionesco trong đêm công diễn cách đây gần 75 năm. Thế nhưng, điện ảnh Việt Nam đang cần những cú "chào sân" khó đoán như vậy để đổi mới, bởi rất nhiều khi, giữa trập trùng những tác phẩm na ná nhau về cách kể, chúng ta đau đáu tự hỏi: "Có cái gì mới không?".
Một vệt những tiếng nói khác biệt gần đây như Phạm Thiên Ân (Bên Trong Vỏ Kén Vàng), đến Phạm Ngọc Lân (Culi Không Bao Giờ Khóc) và Nguyễn Phi Phi Anh với Giải Cứu Anh "Thầy" cùng ra rạp 15/11 này mang đến cho chúng ta quyền tin rằng sự mày mò khám phá, sáng tạo của những đạo diễn trẻ hôm nay, cùng với khát vọng mang đến cái gì mới mẻ, có giá trị sẽ mở ra một cánh cửa, một khung trời khác lạ cho nghệ thuật. Họ và những người làm nghệ thuật có chung khát vọng sẽ tạo thêm hơi thở mới, sức sống mới cho điện ảnh Việt Nam thời đại này.
NGUYỄN NGUYÊN
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giai-cuu-anh-thay-khi-han-lam-nhay-cung-dai-chung-a616106.html