Khi một đứa trẻ lớn lên, mối quan hệ giữa cha và mẹ giống như cánh cửa sổ đầu tiên của đứa trẻ nhìn ra thế giới. Từ lời nói và hành động của cha mẹ, trẻ học cách nhìn nhận bản thân, người khác và thế giới. Một môi trường gia đình ấm áp và hòa thuận có thể mang lại đủ sự an toàn và tình yêu thương cho con cái, nhưng sự thờ ơ, cãi vã và thậm chí bỏ bê của cha mẹ sẽ gieo mầm mống bất an trong lòng trẻ và ảnh hưởng đến hành vi cũng như sức khỏe tinh thần của bé, giống như câu chuyện dưới đây.
Theo chia sẻ từ một ông bố ở Trung Quốc, anh nhận được cuộc gọi từ cô giáo của nhiệm của con gái 8 tuổi nói Tiểu Hữu bị đau bụng, yêu cầu gia đình đến càng sớm càng tốt để cùng cô đưa con đến bệnh viện.
Trên đường đưa con đi bệnh viện, bố Tiểu Hữu luôn thắc mắc tại sao con gái lại luôn kêu đau bụng vào thứ 4 hàng tuần bởi đây không phải là lần đầu tiên, đã là lần thứ 3 trong tháng này. Tuy nhiên tất cả đều không tìm ra được nguyên nhân mới là điều khó hiểu nhất.
Sau khi được bác sĩ thăm khám, bố Tiểu Hữu cảm thấy yên tâm hơn bởi “Thân thể đứa trẻ không có vấn đề gì, nhưng có thể là do tâm lý. Gia đình nên chú ý hơn đến cảm xúc của con mình” - bác sĩ nói.
Sau khi Tiểu Hữu được các y tá đưa sang phòng bên cạnh nằm theo dõi, bác sĩ đã nói nhỏ với bố của bé: "Thật ra Tiểu Hữu không có bệnh gì đâu. Tôi vừa làm liệu pháp tâm lý, trò chuyện với bé một chút thì con đã thừa nhận sự thật là con chỉ nói dối, cốt là để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Con bé nói cứ thứ 4 hàng tuần là ngày vợ chồng anh có mặt đầy đủ ở nhà bởi những ngày khác, không bố thì mẹ vắng mặt. Thế nhưng mỗi khi gia đình đông đủ thì vợ chồng anh lại hay cãi vã. Vậy nên cô bé nghĩ nếu bé bị đau ốm, bố mẹ sẽ quan tâm đến con mà quên đi những chuyện bực tức khác của nhau.
Đối với trẻ nhỏ mà nói, môi trường như vậy có quá nhiều tác động không tốt. Nếu quan hệ của vợ chồng anh thực sự không tốt thì hãy ly hôn đi, nếu không đứa trẻ sẽ quá đau khổ".
Ảnh minh họa
Bố Tiểu Hữu đã vô cùng bất ngờ với những gì bác sĩ nói. Về nhà, anh kể lại những gì bác sĩ kết luận cho vợ nghe.
Sau cuộc trò chuyện kéo dài suốt đêm, họ quyết định cố gắng hàn gắn mối quan hệ, giảm bớt những cuộc cãi vã và cùng nhau tạo dựng một môi trường gia đình ấm áp, hòa thuận vì lợi ích của con gái và cả gia đình.
Món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành cho con cái không phải là tiền bạc hay món ngon mà là mang đến cho con sự ấm áp, trái tim trọn vẹn. Giống như cô bé Tiểu Hữu, em chỉ đơn giản nghĩ rằng việc mình bị đau bụng có lẽ sẽ giúp trì hoãn hoặc làm mất những cuộc cãi vã của bố mẹ, bố mẹ dành nhiều thời gian cho em hơn. Chính vì thế, Tiểu Hữu đã chọn cách nói dối để đổi lấy tình yêu của bố mẹ.
Ở góc độ tâm lý học, đây là biểu hiện của khát khao mãnh liệt của cô bé về tình yêu thương của cha mẹ.
Sự ngang ngược, “không vâng lời” của trẻ thường không nhằm mục đích chọc giận cha mẹ mà nhằm thể hiện nhu cầu nội tâm một cách non nớt và vụng về của bản thân.
Ảnh minh họa
Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, "liều thuốc" tốt nhất cho những "căn bệnh tâm lý" của con chính là:
Không khí gia đình hòa thuận
Một gia đình hạnh phúc là mảnh đất cho con cái lớn lên. Trẻ em có thể học cách hòa hợp với người khác từ mối quan hệ yêu thương của cha mẹ và cảm thấy an toàn khi được chấp nhận và yêu thương.
Nếu giữa vợ chồng xảy ra tranh chấp thì cố gắng đừng thể hiện ra trước mặt con cái, đặc biệt không trút giận lên người con.
Lựa chọn ly hôn nếu cần thiết
Nếu mối quan hệ giữa hai vợ chồng không thể hàn gắn được thì thà chia tay trong hòa bình còn hơn để con cái sống trong môi trường cãi vã kéo dài.
Dù gia đình đơn thân sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến con cái, nhưng chỉ cần cha mẹ có thể tiếp tục dành cho con đủ tình yêu thương, sự đồng hành thì con vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh.
Sau khi ly hôn, cha mẹ có thể thỏa thuận thay phiên nhau chăm sóc con để con hiểu rằng cha mẹ vẫn yêu thương con rất nhiều ngay cả khi cha mẹ không còn ở bên nhau.
Hãy chủ động dành sự quan tâm và yêu thương cho con
Cha mẹ có thể khiến con cảm thấy mình được trân trọng thông qua một số hành động nhỏ:
- Khi con chia sẻ một ý tưởng hoặc yêu cầu, hãy dừng việc bạn đang làm và lắng nghe.
- Dành thời gian cùng con thực hiện các hoạt động mà chúng yêu thích, ví dụ như đọc sách, vẽ hoặc đi dạo.
- Chủ động khen ngợi nỗ lực của trẻ thay vì chỉ tập trung vào điểm số và kết quả.
Những hành vi tưởng chừng đơn giản này có thể đưa mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên gần gũi hơn và khiến con cái cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ.
CHI CHI
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-gai-8-tuoi-bi-dau-bung-vao-thu-4-hang-tuan-bs-khuyen-vo-chong-anh-ly-hon-di-a616315.html