Rau mùi hay còn gọi là ngò rí là loại rau bản địa ở nước ta, chúng được bán quanh năm với giá rẻ bèo chỉ 1.000 đồng/mớ khi vào mùa. Trong quá trình sử dụng, rau mùi được dùng làm gia vị trong nhiều món ăn từ bún, phở, nộm đến các món canh đều có sự xuất hiện của rau mùi.
Khi sử dụng, mọi người chủ yếu dùng phần lá non, còn lại phần thân hoặc rễ thường được vứt bỏ. Đa số mọi người cho rằng, phần lá non mới chứa nhiều dưỡng chất, tạo mùi vị đặc trưng. Với gốc mùi do nằm dưới đất lâu ngày nên có thể nhiễm ký sinh trùng, không dùng để nấu ăn được và cũng nghèo nàn về chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại khẳng định, rễ mùi chứa rất nhiều dưỡng chất và có nhiều công dụng, thậm chí là còn vượt trội so với lá mùi, nhưng lại không được sử dụng nhiều.
Phần rễ mùi có nhiều tác dụng, nhưng khi sử dụng đa số bị các gia đình vứt bỏ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu y học cổ truyền các sản phẩm hữu cơ Việt Nam, ủy viên Ban thường vụ Hội Nam y Việt Nam cho biết, tất cả các bộ phận của cây mùi đều có công dụng làm thực phẩm hoặc làm thuốc. Điển hình nhất là lá mùi dùng làm gia vị thực phẩm, hạt mùi dùng để ép tinh dầu, thân mùi dùng để đun nước tắm.
Với rễ mùi, đây là bộ phận ít được sử dụng nhất, tại các gia đình đa số vứt bỏ vào thùng rác sau khi lấy phần lá non, đây là sự lãng phí rất lớn. Thực tế, khi rửa sạch, chúng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như cho vào nồi luộc cùng thịt cho vị rất thơm ngon, hay có thể bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng cho các món nước vì nó mang lại vị ngọt tự nhiên và hương thơm đặc trưng.
Các nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng, rễ mùi có chứa nhiều tinh dầu ví dụ linalool và pinene, tạo ra hương vị tươi mát và ngọt dịu. Những tinh dầu này khi đun trong nước dùng sẽ tan làm cho nước dùng thơm ngọt tự nhiên mà không cần thêm quá nhiều gia vị khác.
Ngoài ra, trong phần rễ còn chứa các loại carbohydrate tự nhiên, khi nấu lâu các loại đường này sẽ hòa tan vào nước dùng, tạo ra vị ngọt nhẹ nhàng mà không gắt như khi dùng đường tinh luyện. Rễ mùi khi nấu cùng với xương hoặc các nguyên liệu khác trong nước dùng sẽ giúp làm nổi bật vị ngọt umami. Rễ mùi không chỉ tạo vị ngọt mà còn giúp cân bằng các vị khác, làm cho nước dùng trở nên phong phú và đậm đà hơn.
Gốc mùi có nhiều tác dụng cả trong ẩm thực và chữa bệnh, nhưng khi sử dụng cũng cần phải lưu ý - Ảnh minh họa.
Không chỉ sử dụng trong đời sống ẩm thực, rễ mùi còn được coi là "báu vật" vì chúng có nhiều tác dụng với cơ thể như giúp làm tăng tiết mồ hôi cơ thể, giải cảm, hỗ trợ đường tiêu hóa, đóng vai trò tốt trong việc giải độc gan và giảm cân, giảm sốt ở trẻ nhỏ và các triệu chứng cảm lạnh.
Cách sử dụng là vị thuốc cũng rất đơn giản:
- Bước 1: Cắt rễ rau mùi và rửa sạch.
- Bước 2: Tiếp theo cho rễ vào nồi nước để nấu.
- Bước 3: Nên dùng nước đã đun sôi trước đó, sau khi cho rễ rau mùi vào nấu ở khoảng 70 độ, tránh sôi ở 100 độ vì rất nhiều thành phần có trong rễ dễ bị bay bơi. Nước rễ cây này có thể uống nóng hoặc mát đều có công dụng rất tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng lưu ý, khi dùng dễ mùi cần rửa sạch để tránh tạp chất, cần nấu chín hoặc đun trong nước sôi để diệt ký sinh trùng. Không nên ăn hoặc dùng sống rễ rau mùi.
LÊ PHƯƠNG.