Kiên Giang: Bé gái 12 tuổi bị mẹ nuôi tạt nước sôi vào người vì làm mất vé số

Bà Phượng khai nhận đã đánh cháu H. do làm mất vé số không những vậy còn tạt nước sôi vào vai và tay phải khiến bé bị bỏng nặng.

Ngày 27/11, Công an TP Hà Tiên (Kiên Giang) đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Phượng (52 tuổi, trú tại xã Cửa Dương, TP Phú Quốc) về hành vi tạt nước sôi vào con gái nuôi 12 tuổi. Theo thông tin điều tra ban đầu, Nguyễn Thị Phượng từng chung sống như vợ chồng với ông Tuấn (52 tuổi) tại TP Phú Quốc. Bé P.D.G.H. (12 tuổi) và bé N.G.B. (7 tuổi), hai cháu ngoại của ông Tuấn, được bà Phượng đưa về nuôi sau khi chia tay ông. 

Bà Phượng dẫn các cháu vào TP Hà Tiên kiếm sống bằng nghề bán vé số, trong khi ông Tuấn vẫn gửi tiền chu cấp hàng tháng. Ngày 21/11, khi bé H. làm mất vé số, bà Phượng đã không kiềm chế được cơn giận. Theo lời khai, bà đánh đập bé và còn dùng nước sôi tạt vào vai và tay phải của bé, gây bỏng nặng. Bé H. chịu đựng nhiều đau đớn trước khi vụ việc được phát hiện.

Sau khi nhận được tin báo từ người dân, Công an phường Bình San đã can thiệp, đưa hai bé vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Kiên Giang để được chăm sóc và bảo vệ.

Hiện tại, cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục giám định thương tật của bé H. để xử lý vụ việc theo pháp luật. Riêng bé B., chính quyền địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện để cháu được tiếp tục đến trường.

bao-hanh-tre-em-1-1732755591.jpg
Theo lời khai, bà Phượng đánh đập bé và còn dùng nước sôi tạt vào vai và tay phải của bé, gây bỏng nặng. Ảnh Dân trí

Bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu TNHS

Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Cụ thể:

* Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

*  Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Đối với tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

* Đối với tội giết người được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào giết người dười 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
 
 

Minh Khuê (Theo Dân trí, Người lao động)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kien-giang-be-gai-12-tuoi-bi-me-nuoi-tat-nuoc-soi-vao-nguoi-vi-lam-mat-ve-so-a616696.html