Loại rau mọc như cỏ dại, nấu canh ăn giúp dưỡng gan, bổ khớp nhưng người Việt đều nhổ bỏ mỗi khi nhìn thấy

Dù là loại rau có nhiều công dụng với sức khỏe, nhưng ai nhìn thấy cũng ghét, tìm cách để triệt tận gốc. Ít ai biết được, rau này là vị thuốc quý tốt cho lá gan và xương khớp.

Loại rau được nhắc đến ở đây chính là thài lài trắng, hay còn gọi là rau trai trắng, cỏ chân vịt. Đây là loại rau thường mọc ở nơi ẩm ướt, đồng ruộng vì thế người dân thường tìm cách nhổ bỏ vì làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây trồng khác.

Một số vùng còn sử dụng phần ngọn non của loại cây này để làm rau ăn, thường được gọi là rau trai trắng. Ngoài ra, thài lài còn là vị thuốc, hỗ trợ điều trị khá nhiều bệnh, nhất là theo các bài thuốc của y học cổ truyền.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, trong y học cổ truyền, thài lài được thu hái lấy toàn thân để làm thuốc, có thể sử dụng tươi hoặc khô. Thài lài trắng có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, tác dụng giải nhiệt, chống viêm, lợi tiểu, tiêu sưng.

Rau thài lài mọc dại nhiều, đa số bị vứt bỏ chứ ít được sử dụng làm thực phẩm hay thuốc. Ảnh minh họa. 

Còn trong y học hiện đại, nghiên cứu đã tìm ra rất nhiều hoạt chất quý trong cây thài lài. Có thể kể tới α-glucosidase, hoạt chất này giúp cơ thể chống lại tình trạng tăng đường huyết. Hay acid p-hydroxycinnamic, hoạt chất giúp tăng khả năng kháng khuẩn, hoặc D-mannitol, hoạt chất có khả năng giảm ho…

Không chỉ có vậy, đây còn là vị thuốc tác dụng trị cảm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm amidan cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu rất hiệu quả. Khi sử dụng có thể dùng cây khô hoặc tươi, với liều dùng 30-40g, dạng thuốc sắc.

Ngoài ra, thài lài còn được dùng để trị viêm da có mủ, giải chất độc do rắn rết và trị đầu gối, khớp xương bị sưng đau bằng cách lấy thài lài tươi giã đắp. Người gan yếu, da vàng dùng thài lài trắng tươi 120g, thịt lợn nạc 60g, nấu canh, ăn cả cái lẫn nước. Có thể một lần hoặc chia ra nhiều phần ăn trong ngày, bài thuốc này giúp tăng cường thải độc giúp cho lá gan khoẻ mạnh. Người bị tăng huyết áp, với liều dùng khoảng 60-90g thài lài tươi, kết hợp với hoa cây đậu tằm 12g, tất cả rửa sạch, cho 800ml nước sắc còn 300ml, uống thay trà trong ngày. Mỗi liệu trình 10-15 ngày.

Rau thài lài ngoài làm thuốc có thể chế biến thành món ăn ngon, bổ dưỡng có tác dụng dưỡng gan rất tốt. Ảnh minh họa. 

Một số bài thuốc đơn giản từ cỏ thài lài có thể tham khảo như sau:

- Hỗ trợ điều trị phong thấp: thài lài trắng 40g, rửa sạch, thái nhỏ và đậu đỏ 40g. Đậu đỏ, rửa sạch, đổ 800ml nước ninh nhừ, cho thài lài trắng vào đun nhỏ lửa 10 phút, thêm chút đường, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi liệu trình 5 - 10 ngày.

- Viêm cầu thận cấp, phù thũng, tiểu ít: thài lài trắng tươi 30g (hoặc khô 12g), rễ cỏ xước 20g tươi (hoặc khô 10g), mã đề 20g tươi (khô 8g) sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa bí tiểu: thài lài trắng tươi 30g, mã đề tươi 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong vào uống lúc đói bụng. Dùng liền 5 ngày.

- Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, đắp vào chỗ sưng đau rồi băng cố định lại trong 2 giờ, ngày thay thuốc một lần.

- Chữa viêm họng, sưng amidal: dùng rau thài lài tươi 30g sắc uống hoặc dùng 90 - 120g cây tươi giã nát, chiết nước cốt uống thường xuyên.

- Viêm đường hô hấp trên: thài lài 30g, bồ công anh, dâu tằm 30g, sắc nước uống.

- Quai bị: thài lài trắng tươi 60 g, sắc lấy nước uống trong ngày. Các quan sát lâm sàng cho thấy, trung bình sau 1 - 2 ngày hết nôn; 1 - 4 ngày khỏi đau đầu; 2 - 6 ngày hết sưng và sốt; 4 - 6 ngày có thể khỏi.

- Thổ huyết: thài lài trắng tươi 60 - 90g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

Dù thài lài trắng lành tính, nhưng những người có tỳ vị hư hàn không nên sử dụng. Ngoài ra, khi dùng làm thuốc chữa bệnh, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-rau-moc-nhu-co-dai-nau-canh-an-giup-duong-gan-bo-khop-nhung-nguoi-viet-deu-nho-bo-moi-khi-nhin-thay-a617226.html