Tôi không dám nhận mình hơn người khác, nhưng tôi tự hào khi bản thân vừa có sự nghiệp thành công, vừa có thể tự tay chăm con mà không cần nhờ vả ai, cũng không cần thuê bảo mẫu như nhiều bố mẹ bận rộn khác vẫn thường làm.
2 năm đầu đời, phần lớn thời gian tôi đều dành cho con, đến hiện tại con sắp 3 tuổi thì tôi đã yên tâm hơn phần nào để tiếp tục niềm đam mê làm tiếp viên hàng không của mình. Chồng tôi là dân IT, thế nên anh ấy có thể làm ở nhà online mà không cần phải đến văn phòng. Và đó cũng chính là điểm cộng lớn giúp tôi an tâm làm việc, để con ở nhà cho anh chăm.
Thời gian đầu tôi chỉ dám sắp xếp công việc trong ngày, đi làm rồi về với con chứ không đi dài ngày. Nhưng khoảng thời gian cuối năm này, có quá nhiều sự kiện và dự án nên tôi được cấp trên giao đi công tác dài ngày và chồng cũng hứa sẽ giúp tôi trông con nên tôi vui vẻ đồng ý.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên đến đêm thứ hai, khi tôi điện về nhà hỏi thăm và con gái đã vô tình nói một câu khiến tôi điếng người, và sự thật đằng sau câu nói của con đã làm cho tôi tức điên về hành động của chồng. Cụ thể, trước khi đi ngủ tôi điện để kiểm tra xem hai bố con đang làm gì, và dặn dò con đi ngủ sớm.
Tôi biết con từ trước đến nay đều ngủ với bố mẹ, tôi tính thời gian nữa sẽ tập cho con ngủ riêng, nên có trêu con rằng ngủ với bố thích lắm nhỉ. Nào ngờ, đứa trẻ lại nói hôm qua con không ngủ với bố nhưng mẹ yên tâm vì có rất nhiều người ngủ cùng mình, lời nói của con khiến tôi vô cùng hoang mang.
Nhưng tôi vẫn bình tĩnh tiếp tục hỏi con, thì con bé kể buổi tối bố thường thức khuya để làm việc nên có dặn con đi ngủ sớm. Tuy nhiên, vì sợ nên bé không dám đi ngủ mà chỉ nằm mở mắt. Sau đó, con đã nghĩ ra một cách để tự vỗ về, trấn an nỗi sợ của mình bằng cách mang thật nhiều gấu bông và búp bê đồ chơi mà bố mẹ đã mua cho mình đặt ở xung quanh giường. Sự thật câu nói có “nhiều người” ngủ với mình là như vậy.
Ảnh minh hoạ
Nghe con kể, tôi vừa xót đứa trẻ vừa tức điên vì những việc chồng làm. Rõ ràng, ngày nào tôi cũng nhắn tin nhắc anh, và anh luôn bảo tôi yên tâm công tác. Vậy mà anh lại để con ngủ một mình. Qua sốt ruột, tôi đã nhanh chóng giải quyết nhanh đống công việc rồi trở về nhà ngay ngày hôm sau. Lần này, tôi chắc chắn phải khiến chồng nhận ra, không có bất kỳ điều gì trên đời quan trọng bằng đứa con gái bé bỏng của mình.
Tâm sự từ độc giả linhmiu…@gmail.com
Cha mẹ nên làm gì khi con sợ hãi?
Chúng ta đều biết mỗi người luôn có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thế nhưng, khi nghe trẻ nói về sự sợ hãi mà con đang trải qua thì có một vài ông bố bà mẹ lại cười phá lên, thậm chí trêu chọc hoặc gạt đi “Có gì mà phải sợ".
Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm sợ hãi vì không có ai ở bên cạnh bảo vệ, đồng thời cảm thấy bản thân thật tệ vì "có thế mà cũng sợ". Sự tổn thương về tâm lý này sẽ khiến con ngày càng khép kín và xa cách với cha mẹ. Do đó, thay vì cười nhạo con, các cha mẹ nên:
1. Đồng cảm với nỗi sợ hãi của trẻ
Con người có cảm xúc sợ hãi là điều hết sức bình thường, bởi thực tế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra sợ sệt, muốn được cha mẹ bảo vệ thì bạn hãy kiên nhẫn xoa dịu cảm xúc của con, và từ từ hướng dẫn con nói về nguyên nhân gây nên nỗi sợ này.
Và cho dù nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, vớ vẫn, viễn vông thì bạn vẫn không nên chê bai con là đứa rụt rè, nhút nhát. Vì nếu bạn nói như thế, trẻ sẽ bất an hơn và sợ hãi hơn.
2. Không hù dọa trẻ
Hù dọa cho con sợ như "không ăn là sẽ gọi chú công an" hay "không ngủ là ông kẹ bắt”... là "đặc sản chung" của các cha mẹ. Song, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vẫn chưa phân biệt được đâu là thực tế, đâu là mộng ảo nên bé sẽ xem tất cả những lời nói đó là sự thật. Từ đó, trong tâm trí của con sẽ hình thành nên nỗi sợ hãi. Thế nên, cha mẹ tuyệt đối không nên hù dọa con.
3. Cha mẹ có thể cho con khám phá điều khiến con sợ hãi
Một số trẻ sợ côn trùng, một số trẻ sợ bóng tối,... Điều này chứng tỏ nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Và để có thể đánh tan được sự lo lắng sợ hãi này, cha mẹ có thể cùng con khám phá thứ làm con sợ.
Ví dụ như cả nhà đi ngắm đàn kiến tha mồi về tổ, ngắm ốc sên chậm rãi bò lên cây, chơi trò tắt đèn, hay chơi trò bóng tối để trẻ từng bước từng bước chế ngự được nỗi sợ của bản thân. Vì suy cho cùng, khi đi biết sự vật sự việc đó là gì, hay biết mình hoàn toàn có thể làm chủ được nó thì trẻ sẽ không còn sợ hãi nữa.
TRANG TRI