Bà cụ gần 25 năm `gieo chữ` miễn phí cho học trò nghèo

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người đã yên phận, quây quần bên con cháu, thế nhưng có một bà cụ ở Thừa Thiên Huế vẫn tận tình dạy học miễn phí cho những học trò nghèo. Công việc này được bà duy trì gần 25 năm qua, đến nay đã có nhiều học trò trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội.
Bà chính là Trần Thị Bê, 97 tuổi, trú phường Trường An, Thành phố Huế
 
Nhân duyên đặc biệt
 
Đến Kiệt 68 đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, Thành phố Huế, hỏi nhà bà Trần Thị Bê là không ai không biết cả bởi sự tận tụy, dạy học miễn phí cho rất nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn.
 
Lần đầu tiên gặp bà cụ, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh một máu tóc bạc trắng, mặc dù lưng bà đã còng đi nhưng mắt bà vẫn sáng và vẫn minh mẫn, nói chuyện hiền từ. Rót ly chè đậm đặc mời khách, bà bắt đầu kể, bà là con thứ hai trong một gia đình lao động nghèo có 7 anh em. Sau khi trụ cột trong gia đình là người bố mất sớm, một mình mẹ của bà tảo tần sớm hôm làm nghề may vá, thêu dệt để lo cho các con ăn học. “Khi ba của bà lâm bệnh, bà định xin nghỉ học nhưng ba lại không đồng ý. Sau đó, ba xin cho bà vào học miễn phí tại trường Jeanne d'Arc ở đường Trần Cao Vân, Thành phố Huế (nay gọi là trường THPT Nguyễn Trường Tộ). Vì thế, bà rất hiểu và thương học trò nghèo. Khát vọng mở lớp dạy cho các em nghèo được ấp ủ từ năm bà lên 16”, bà cụ trải lòng.
 
Năm 1970, bà được tuyển vào làm ở ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ đến năm 1985 thì nghỉ việc. 10 năm sau, bà ở nhà nấu cơm phục vụ cho sinh viên nghèo đang theo học ở Huế.
 
Năm 1995, bà bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo. Ban đầu, bà dạy các em nhỏ tập đọc, tập viết, làm phép tính. Sau đó, vì nhu cầu hiện nay mà bà học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp rồi sau này dạy hai thứ tiếng ấy cho các em học sinh, sinh viên đại học và cả những người đã đi làm. “Hồi đấy, lớp học trong nhà bà ngày nào cũng có học trò. Các cháu nhỏ ở gần hay xa là con của những gia đình lao động nghèo tìm đến lớp học của bà để mong muốn biết thêm kiến thức”, bà kể.
Bà Trần Thị Bê hướng dẫn học sinh đọc bài
 
Lớp học miễn phí gần 25 năm
 
Bà cụ chia sẻ, từ những ngày đầu, lớp học của bà luôn duy trì từ 60 đến 70 học trò, thế nhưng sau này do tuổi cao sức yếu, lưng đã còng nên bà chỉ nhận khoảng dưới 10 học trò và dạy vào tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 mỗi tuần vào lúc 18h. “Trước đây, lúc học trò đông thì bà mượn nhà bên cạnh rộng rãi, thoáng mát hơn làm không gian dạy. Sau này khi già rồi, bà dạy ít nên chuyển về nhà mình dạy cho tiện”, bà chia sẻ.
 
Đến lớp học miễn phí của bà, những tiếng cười nói, đọc bài rôn rả của các em nhỏ “Bà ơi bà dịch giùm con từ này với ạ”, “ Bà ơi từ này đọc như thế nào vậy a”, “Bà ơi ca làm như vậy đúng chưa ạ” vang lên khắp cả xóm... "Học trò ở đây đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi lắm", bà nói.
 
Cũng theo bà cụ, toàn bộ giáo trình dạy là bà tự soạn trước mỗi buổi học, tùy theo đối tượng là học sinh, sinh viên thì bà sẽ soạn những giáo án riêng. Thậm chí có hôm bà còn thức khuya đến tận 3 4h sáng để soạn giáo án dạy học cho các em. Sau khi buổi học kết thúc, những học trò nào hôm ấy ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ thì bà phát bánh kẹo, trái cây cho các em.
 
Theo học tại lớp học miễn phí của bà gần 2 năm nay, em Nguyễn Ngọc Anh Tuyết, 9 tuổi chia sẻ: "Em rất thích cách dạy của bà, nó khác hẳn với những thầy cô khác ở trên lớp. Bà dạy rất dễ hiểu và khiến cho em lưu tâm nhiều hơn. Trước mỗi khi em lên trường, bà thường hướng dẫn kĩ cho em bài học ngày hôm sau để em nắm rõ và chuẩn bị bài tốt hơn".
 
"Không có học trò dạy tôi buồn lắm"
 
Lập gia đình nhưng lại không có con do người chồng qua đời, bà sống một mình giản dị giữa bà con lối xóm. Chính vì vậy, bà luôn xem những đứa học trò như là những người con, người cháu của mình vậy. Gần 25 năm mở lớp học miễn phí, đã có nhiều học trò của bà trưởng thành và làm những công việc khác nhau như giáo viên, kỹ sư, bác sĩ,.. thành đạt.
 
Bà cụ nâng niu những tấm ảnh về lớp học của mình
 
Lấy trong tủ ra những bức ảnh về lớp học, những tấm danh thiếp, lá thư, bài thơ của những học trò gửi tặng nhân dịp 20-11, Tết Nguyên Đán, 8-3, bà nói rằng đây là những tài sản lớn nhất của cuộc đời mình. "Học trò nó tự tay viết và làm tặng tôi đấy chú ạ. Cứ đến ngày lễ, chúng nó lại kéo nhau về thăm và tặng quà cho tôi đấy. Tôi vui sướng không thể nào tả nổi", bà khoe với chúng tôi.
 
Tôi hỏi :" Bà có tuổi sao không nghỉ ngơi, dưỡng sức mà sao bà lại quyết định đi dạy?". "Bà khỏe lắm chú ơi, cả đời ít đi bệnh viện lắm. Với lại, không có học trò dạy tôi cũng buồn lắm. Chừng nào tôi còn khỏe thì chừng ấy tôi còn gieo chữ cho học trò nghèo", bà nhoẻn miệng cười nói. Nghe được những câu nói cùa bà, nhìn cái cách mà bà truyền dại kiến thức cho các em, chúng tôi mới cảm nhận được tấm lòng. sư nâng niu của bà dành cho những người học trò nghèo cảm động đến nhường nào. Bà không chỉ là một người cô chỉ dạy kiến thức, mà còn như là người mẹ thứ hai, dạy các em điều hay lẽ phải, những đạo lý của cuộc sống.
 
Nói về mong muốn lớn nhất của mình, bà cho hay :"Tôi cũng không muốn gì nhiều, chỉ cần các em học hành tốt, chăm ngoan và nên người. Đấy cũng là một hạnh phúc của tôi".
 
Chia tay bà cụ khi trời đã nhá nhem tối, tiếng đọc bài của các em nhỏ, tiếng dạy của bà vẫn còn văng vẳng trong đầu chúng tôi. Nơi xóm nhỏ ấy, hình ảnh một bà cụ ngày ngày làm công việc của "người lái đò" không lương, chèo lái con thuyền đưa những em học trò nghèo đến với bến bờ tri thức vẫn luôn khắc sâu trong tim chúng tôi.
 
Hoàng Lộc