Huyện Châu Thành của tỉnh Tiền Giang, ảnh: chauthanh.tiengiang.gov.vn

Huyện Châu Thành là cái tên chung được đặt cho nhiều huyện ở các tỉnh thành ở miền Tây. Điều đó khiến nhiều người tò mò và muốn được biết lý do vì sao?

Theo VnExpress, từ Châu Thành được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở miền Nam. Trong lịch sử, "châu thành" là danh từ chung để gọi lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh.

Theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi trong bài viết Địa danh Châu Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 3/2009), sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tháng 6/1867, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 hạt tham biện.

Một trường học ở huyện Châu Thành của tỉnh Sóc Trăng.

Lỵ sở của hạt gọi là châu thành, có chức năng như một trung tâm hành chính của hạt. Tỉnh Sài Gòn có các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc…; tỉnh Mỹ Tho có các châu thành Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cần Lố, Cai Lậy.

Từ năm 1912, địa danh Châu Thành chính thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ. Ở hàng chục tỉnh như Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng… đều có quận Châu Thành.

Huyện Châu Thành của tỉnh Bến Tre. Ảnh: vnexpress.net

Trong văn học dân gian Nam Bộ có nhiều câu có từ "châu thành", mặc dù trong văn bản được viết hoa, nhưng được hiểu như một danh từ chung, chỉ nơi phố xá đông đúc, văn minh.

Hiện nay, Châu Thành được sử dụng để đặt tên cho 11 huyện ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (có huyện Châu Thành và Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh.

Ở Tiền Giang, huyện Châu Thành nằm ở phía Tây của tỉnh, hiện có tốc độ phát triển kinh tế cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Theo Cổng thông tin Điện tử huyện Châu Thành, nhờ vị trí địa lý kinh tế khá thuận lợi, toàn huyện có quốc lộ 1A đi xuyên qua chiều dài của huyện, nằm cặp bờ sông Tiền; cửa ngõ của Tiền Giang với TP HCM nên những năm qua, nền kinh tế phát triển khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang có nhiều khu công nghiệp hiện đại. Ảnh: chauthanh.tiengiang.gov.vn

Nông nghiệp chủ yếu của huyện là kinh tế vườn với diện tích 11.359 ha gồm các loại cây chủ yếu như sapô, nhãn, vú sữa và các loại cây có múi với sản lượng hàng năm khoảng 135.000 tấn.

Huyện có 709 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, qui mô vốn 950,34 tỷ đồng, giải quyết việc làm 18.642 lao động. Hiện có 1 cụm Công nghiệp Song Thuận 5 ha, đang quy hoạch cụm Công nghiệp Tam Hiệp qui mô 80 ha.

Huyện có 18 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối là Vĩnh Kim, có sức mua bán trao đổi khá lớn, huyện đang kêu gọi đầu tư mở rộng. Các loại hình dịch vụ tương đối đa dạng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra còn có các di tích lịch sử như Đình Long Hưng, Rạch Gầm Xoài Mút, có khả năng phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống.

Theo Ngọc Giang/Tin Nhanh Online