Jun Phạm: “Tôi nghĩ mình luôn là kẻ mộng mơ và tôi thích như vậy”

Nam ca sĩ, diễn viên, tác giả Jun Phạm khẳng định những mộng mơ của bản thân đều đẹp, đều giúp cho mình thành công.

Đúng theo lịch trình, Jun Phạm vừa có buổi giới thiệu tiểu thuyết Xứ sở miên man và giao lưu ký tặng độc giả ở Hà Nội vào chiều 5/8. Sự kiện thu hút đông đảo bạn trẻ yêu mến tác giả cũng như người hâm mộ lâu năm của anh thời còn là thành viên nhóm nhạc 365.

Xứ sở miên man đánh dấu sự trở lại của Jun Phạm trong vai trò viết sách sau 7 năm. Tác phẩm gặt hái được nhiều thành tích đáng nể: cháy hàng toàn bộ các nền tảng, tái bản sau một ngày thông báo phát hành, bản đặc biệt của sách hết sau 2h mở link và đạt 12,8 triệu lượt xem trên tiktok tính đến thời điểm hiện tại.

Ca sĩ tiết lộ: “7 năm qua Jun đã quen thuộc công việc biên kịch rồi nên khi quay trở lại viết tiểu thuyết phong cách tự sự, lãng mạn thì khi đó phải bắt đầu tập làm quen lại với những thói quen cũ của mình. Khoảng tháng thứ 8 trong quá trình sáng tác, Jun đọc lại tổng thể nội dung thấy sao khúc này tươi vui hóm hỉnh, trào phúng thế mà tới khúc ngay kia lại quá buồn. Do đó Jun lại sửa lại, và cứ mỗi lần bước vào viết mình lại phải đọc lại từ chương Một.

Tuy nhiên, việc đọc đi đọc lại nhiều lúc khiến Jun cũng chán câu chuyện của mình luôn vì càng đọc càng thấy có những logic không đúng. Do đó, việc giữ cho mạch logic và những nhân vật mới được sống động là cái khó khăn nhất. Nhưng Jun nghĩ với kinh nghiệm làm biên kịch trong 7 năm qua mình đã có một cái sườn, một công thức rồi cho nên nhiều bạn trên tiktok có hận xét rằng đọc truyện của anh Jun kỳ này giống như coi phim hơn”.

Xứ sở miên man kể về hành trình của ông Thảo đi cứu con gái Mì Gói. Chuyến phiêu lưu của ông trải qua nhiều miền đất lạ, gặp gỡ các nhân vật như Tò He, chú Cuội, tộc Huỳnh Điệp, Mẹ Mìn, Ngòi hết mực…Theo Jun Phạm chia sẻ, Ngòi hết mực là một trong những nhân vật mà tác giả thích nhất.

“Cậu ấy là nhà văn sở hữu một cây bút thần kỳ nhưng cây bút này với cậu ấy vô nghĩa vì nó hết mực, chỉ khi đưa cho người khác thì cây bút sử dụng được bình thường. Ngòi hết mực cũng là nhân vật mà Jun muốn cài cắm cho những tác phẩm sau này nữa. Nếu như quyển sách này có cơ hội được đến với độc giả và ra được phần 2, phần 3 thì Ngòi hết mực vẫn là một nhân vật xuyên suốt trong các tác phẩm” – Jun Phạm tiết lộ.

Khi được hỏi rằng ở thời điểm hiện tại Jun Phạm có còn là người mơ mộng như trước đây nữa hay không, anh bộc bạch: “Jun nghĩ mình luôn luôn là kẻ mộng mơ và Jun thích như vậy vì điều đó làm cho mình trẻ. Trẻ ở đây không phải chỉ khuôn mặt, mình trẻ một phần do tâm hồn. Jun luôn suy nghĩ tích cực dù cho mọi chuyện trong cuộc sống có khó khăn. Năm nay cũng là một năm khó khăn với Jun về cảm xúc nhưng bản thân mình đã trải qua nhiều nên học được những sự tích cực. Đó cũng là lý do Xứ sở miên man ra đời, vì mình luôn mộng mơ, mình luôn muốn nhìn về hướng tốt đẹp nhất.

Jun chưa bao giờ nghĩ mộng mơ nào khiến mình phải hối tiếc. Bởi những mộng mơ của Jun đều đẹp, đều giúp cho mình thành công. Nếu như Jun không mộng mơ về một xứ sở lạ thì chắc chắn cuốn sách này không ra đời, Jun không mộng mơ trở thành nhà văn thì Jun sẽ không có cuốn sách đầu tiên, không mộng mơ làm ca sĩ thì Jun cũng sẽ không thể nào làm ca sĩ, không mộng mơ làm diễn viên làm một con người khác thì Jun cũng không thể nào có những bộ phim…Jun thấy cuộc sống này vẫn cần có những sự sáng tạo, mộng mơ và cũng chính những nhân vật trong đây đã nói: “Ý thức có thể đưa mình từ điểm A tới điểm B thôi, nhưng sự tưởng tượng, mộng mơ có thể đưa mình đi khắp mọi nơi”.

Trái ngược với đánh giá của Jun Phạm về bản thân, nhiều người lại nhận xét anh là một người sâu sắc. Ngoài thừa hưởng khả năng viết lách từ ba, sâu sắc từ những trải nghiệm mới có thể gom hết những cảm xúc thành văn, thành truyện.

Nam ca sĩ cho rằng: “Một người sâu sắc vẫn có thể mộng mơ được và một người mộng mơ phải rất sâu sắc. Cái sâu sắc ở đây mọi người cứ nghĩ là phải nghĩ cho gia đình…sâu sắc của Jun là sự suy nghĩ mình là ai, mình đến với thế giới này để làm gì, mình tồn tại trong cuộc sống để làm gì, và mình làm việc như thế này mỗi ngày để làm gì, có phải chỉ để nuôi sống gia đình hay không hay còn nuôi dưỡng cho ước mơ hoài bão của mình nữa. Cái sâu sắc là luôn luôn phải đặt những câu hỏi lớn lao hơn, mình sống để làm việc hay làm việc để sống. Và để trả lời những câu hỏi đó thì luôn luôn mình phải trở về con số 0,  mình phải nhỏ lại thế thôi”.

Trở lại với Xứ sở miên man, cuốn sách này là hành trình học cách nhỏ bé lại của một người bố, nhỏ bé lại để hiểu đứa con của mình. Chúng ta vẫn thường hỏi Làm cách nào để trưởng thành? làm cách nào để lớn lên nhưng theo tác giả cho biết sau những trải nghiệm trong cuộc đời ai cũng sẽ tự lớn lên, và điều mình cần nên hỏi bây giờ là làm cách nào để nhỏ bé lại trong suy nghĩ.

Được biết Xứ sở miên man ban đầu là kịch bản phim điện ảnh được Ngô Thanh Vân đặt hàng, vì một vài lý do nên không thể bấm máy. Cuối năm 2020, Jun Phạm xin lại dự án, phát triển thành tác phẩm văn học. Ngoài việc mang đến giá trị tinh thần cho độc giả từ thiếu nhi đến người lớn, nam ca sĩ mong muốn tạo cho Xứ sở miên man một tiền đề trước, sau này đủ điều kiện có thể tác phẩm sẽ được chuyển thể thành một bộ phim hoạt hình hoặc rộng hơn có thể là phim điện ảnh.

Hoài Thu